Rầm rộ ĐHĐCĐ, chia cổ tức “khủng”: "Bất ngờ" có đến với cổ đông Sacombank và Eximbank?
Rầm rộ ĐHĐCĐ, chia cổ tức “khủng”: "Bất ngờ" có đến với cổ đông Sacombank và Eximbank?
H.Anh
Thứ bảy, ngày 10/04/2021 13:00 PM (GMT+7)
Tháng 4/2021 là cao điểm mùa ĐHĐCĐ của các ngân hàng với ít nhất 14 ngân hàng với kế hoạch chia cổ tức “khủng” bằng cổ phiếu. Sau nhiều năm "nhịn" cổ tức, Eximbank và Sacombank có lẽ sẽ là 2 nhà băng nhận được sự mong mỏi nhất của nhà đầu tư, cổ đông trong mùa ĐHĐCĐ năm nay.
Rầm rộ ĐHĐCĐ, ngân hàng chia cổ tức khủng bằng cổ phiếu
Ngoài ACB – vừa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 vào ngày 6/4 - một loạt ngân hàng cũng đang lên kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ trong nửa cuối tháng này.
Cụ thể, VietinBank sẽ tổ chức ĐHĐCĐ vào 16/4 tới. Theo tài liệu đã được công bố, năm nay, VietinBank dự kiến sẽ chia cổ tức với tỷ lệ trên 12%, trong đó chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% vốn điều lệ và phần còn lại bằng cổ phiếu. Phương án cụ thể sẽ theo phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Năm 2021, VietinBank phấn đấu tổng tài sản tăng 3%-6%; tín dụng tăng 8%-11%; nguồn vốn huy động tăng 10%-12%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế tăng 10%-20%.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên viên phân tích dự báo, lợi nhuận VietinBank năm nay có thể tăng hơn 40%. Quý i/2021, lợi nhuận của ngân hàng này ước đạt 7.000- 8.000 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiếp theo VietinBank, hàng loạt ngân hàng TMCP khác cũng dồn dập lên kế hoạch ĐHĐCĐ: SHB (22/4), SeaBank, TPBank, HDBank, Sacombank, Vietcombank (23/4), PVcombank và OCB (24/4), Eximbank (26/4 và 27/4), MB (27/4), OCB (28/4), NamABank, ABB (29/4);…
Ngoại trừ số ít ngân hàng tuyên bố không chia cổ tức (ví dụ như TPBank) hoặc chưa công bố mức chi trả cổ tức, đa số các ngân hàng năm nay đều chia cổ tức rất cao.
Đơn cử, SHB dự kiến sẽ trình ĐHĐCĐ phương án chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20,5% bằng cổ phiếu, trong đó 10% cho năm 2019 và 10,5% cho năm 2020.
OCB dự kiến dự chia cổ tức năm 2020 là 25%, bán cổ phiếu ESOP và chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu. Tương tự, HDBank cũng dự kiến chia cổ tức 25%.
MB thậm chí chia cổ tức tới 35% bằng cổ phiếu, bên cạnh bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược và phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên.
Hàng nghìn tỷ "mắc kẹt" của Eximbank và Sacombank sẽ được "giải phóng"?
Trong số các ngân hàng tiến hành ĐHĐCĐ thường niên tháng 4/2021, trường hợp đặc biệt nhất là Eximbank. Bởi năm 2019- 2020, ĐHĐCĐ thường niên của ngân hàng này nhiều lần thất bại do tỷ lệ cổ đông tham dự không đủ để tiến hành đại hội, mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông diễn ra gay gắt.
Điều đáng nói, trải qua 10 năm tranh giành giữa các nhóm cổ đông và hiện vẫn chưa có lối thoát, cuộc chiến giành quyền lực tại Eximbank đã khiến ngân hàng này rơi vào tình trạng bất ổn trong gần một thập kỷ qua, khiến tài sản sụt giảm mạnh, ngân hàng bị tụt lại trong bối cảnh nhiều ngân hàng khác bứt phá mạnh mẽ.
Eximbank rơi vào tình trạng gần như mất lái trong một thời gian dài khi mà ban lãnh đạo không ổn định, liên tục thay đổi chủ tịch, ghế tổng giám đốc bị bỏ trống…
Căng thẳng chưa được giải quyết, nhưng ban lãnh đạo Eximbank vẫn trình cổ đông kế hoạch tăng trưởng 10% tổng tài sản, tăng 10% huy động vốn, tăng 15% tín dụng. Lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 2.150 tỷ đồng, tăng 63% so với năm 2020.
Chưa rõ lần ĐHĐCĐ này của Eximbank có thành công hay không, nhưng điều khiến nhà đầu tư, cổ đông bất ngờ và mong chờ nhất chính là kế hoạch trả cổ tức sau 7 năm nhà băng này để cổ đông "nhịn" cổ tức.
Được biết, Eximbank từng được Ngân hàng Nhà nước gia hạn trái phiếu đặc biệt nên theo quy định không được chia cổ tức để tạo nguồn xử lý nợ xấu đến khi trái phiếu đặc biệt đã gia hạn được thanh toán.
Do đó, nhà băng này nhiều năm liền giữ lại lợi nhuận, lần gần nhất trả cổ tức là vào năm 2014.
Tuy nhiên, tính đến hết 30/3, ngân hàng này đã thanh toán hết trái phiếu VAMC.
Do đó, ngân hàng có văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước với đề xuất được chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2021.
Nếu được Ngân hàng Nhà nước "gật đầu", HĐQT Eximbank sẽ trình cổ đông phương án phân phối lợi nhuận cụ thể. Lợi nhuận được chia theo báo cáo hợp nhất sau khi trừ trích quỹ khen thưởng, phúc lợi các năm từ 2018 đến 2020 là 2.214 tỷ đồng. Sau khi trừ số cổ phiếu quỹ Eximbank đang nắm giữ, mức cổ tức dự kiến sẽ là 1.800 đồng/cp.
Tương tự, với trường hợp của Sacombank, nhà băng này muốn dùng hơn 6.000 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu và đang chờ sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước để triển khai thực hiện.
Đây cũng là điều được cổ đông Sacombank mong mỏi trong nhiều năm nay. Bởi kể từ khi sáp nhập với Southern Bank năm 2015 đến nay, cổ đông của Sacombank chưa được chia cổ tức lần nào do ngân hàng phải tập trung nguồn lực để tái cơ cấu, xử lý nợ xấu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
Cũng chính vì vậy, tại không ít cuộc hợp ĐHĐCĐ, cổ đông của Sacombank bày tỏ bức xúc vì "nhịn" cổ tức. Thậm chí, một số cổ đông còn đặt câu hỏi, tại sao Ngân hàng Nhà nước lại "chen chân" vào việc chia cổ tức của Sacombank, thay vì chỉ giám sát, quản lý về chính sách; Sacombank khi nào thực hiện chi trả cổ tức?
Ngoài ra, có cổ đông kiến nghị Sacombank chi cổ tức động viên cho cổ đông đã gắn bó với ngân hàng từ nhiều năm qua; lại có cổ đông chất vấn, Sacombank là một ngân hàng lớn mà sao giá cổ phiếu lại thấp như vậy…
Thẳng thắn chia sẻ về vấn đề này, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank đã bày tỏ hy vọng, năm 2022-2023 sẽ không phải nói những điều như thế này. "Khi ấy, tái cơ cấu xong, Sacombank chắc chắn mạnh hơn bây giờ nhiều lần, và cổ đông được chia cổ tức", ông Minh nói thêm.
Như vậy nếu hơn 6.000 tỷ lợi nhuận giữ lại của Sacombank được Ngân hàng Nhà nước cho phép "giải phóng" để nhà băng này thực hiện chia cổ tức, lời hứa của Chủ tịch Dương Công Minh với các cổ đông cũng được thực hiện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.