Bà Krishna Srinivasan, giám đốc phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã công bố một số nhận định về tình hình kinh tế châu Á – Thái Bình Dương và đưa ra một số khuyến nghị chính sách.
Chu kỳ công nghệ đảo chiều gây ra ảnh hưởng lên nhiều nền kinh tế trong khu vực
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 được dự báo sẽ chỉ còn 3% từ mức 3,5% của năm 2022. Sang đến năm 2024 sẽ chỉ còn 2,9%. Triển vọng kinh tế toàn cầu được hỗ trợ bởi tiêu dùng tăng trưởng mạnh tại Mỹ, tuy nhiên lại phải đương đầu với áp lực không nhỏ từ cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc đang ngày một căng thẳng hơn, quan điểm chính sách tiền tệ thắt chặt trên khắp toàn cầu, căng thẳng Nga – Ukraine và sự phân cực địa kinh tế lớn dần.
Dù rằng bối cảnh toàn cầu còn nhiều thách thức, khu vực châu Á – Thái Bình Dương hiện vẫn là điểm sáng. Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương được dự báo tăng trưởng 4,6% trong năm 2023 và 4,2% trong năm 2024 và dự kiến đóng góp đến 2/3 vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay.
Quá trình mở cửa trở lại của kinh tế Trung Quốc đã giúp cho lĩnh vực dịch vụ và bán lẻ của nhiều nước có thêm một cú huých. Tuy nhiên, tác động của việc mở cửa này lên ngành sản xuất dường như chỉ diễn ra trong ngắn hạn.
Lĩnh vực nhà đất Trung Quốc hiện đang chật vật với áp lực trả nợ, doanh số bán nhà và đầu tư. Dựa trên những yếu tố này, tăng trưởng GDP Trung Quốc đã được điều chỉnh giảm xuống 5% đối với năm 2023 và 4,2% với năm 2024.
Kinh tế Nhật được dự báo tăng trưởng 2% trong năm 2023, con số này cao hơn 0,7 điểm phần trăm so với dự báo được công bố vào tháng 4/2023. Dự báo mới nhất phản ánh cho việc nhu cầu nội địa tăng trưởng mạnh cũng như chính sách tài khóa và tiền tệ có những sự điều chỉnh.
Tăng trưởng kinh tế Ấn Độ hiện vẫn vững vàng nhờ vào chi tiêu công tăng trưởng mạnh và nhu cầu nội địa ở ngưỡng cao. Kinh tế Ấn Độ được dự báo tăng trưởng 6,3% trong cả năm 2023 và 2024.
Dù rằng sự sụt giảm trong lĩnh vực xuất khẩu công nghệ được dự báo sẽ sẽ gây tổn hại đến triển vọng tăng trưởng ngắn hạn ở Hàn Quốc, kinh tế Hàn Quốc vẫn được dự báo sẽ hồi phục trong năm sau khi mà chu kỳ công nghệ đảo chiều.
Tại Australia, đầu tư công và tăng trưởng nhu cầu bên ngoài mang đến cú huých tăng trưởng kinh tế tuy nhiên nhu cầu nội địa đang yếu đi bởi xét đến việc chi phí thế chấp tăng lên và thu nhập khả dụng giảm đi.
Nhóm các nền kinh tế thuộc ASEAN dự kiến tăng trưởng 4,2% trong năm 2023 và 4,6% trong năm 2024, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm và 0,3 điểm phần trăm theo dự báo đưa ra vào tháng 4/2023.
Việc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế này không chỉ phản ánh triển vọng tăng trưởng thấp mà nhu cầu bên ngoài cũng đang yếu đi và nhu cầu nội địa không phải quá lạc quan khi mà hiệu ứng "mua sắm trả thù" hạ nhiệt và chính sách tiền tệ thắt chặt.
Bên ngoài Trung Quốc, có thể thấy hoạt động trong ngành dịch vụ tại châu Á vẫn luôn vững vàng, nếu nhìn theo diễn biến của chỉ số PMI. Tuy nhiên, sự đi xuống của chu kỳ công nghệ vẫn tiếp tục gây sức ép lên hoạt động sản xuất tại nhiều nền kinh tế phát triển trong khu vực. Vào tháng 9/2023, sản xuất tại nhiều thị trường mới nổi châu Á không tính Trung Quốc suy giảm, phản ánh cho việc nhu cầu toàn cầu đi xuống.
Châu Á cần xây dựng những "lá chắn" tài khóa và tiền tệ
Lạm phát toàn phần hiện đã giảm từ những mức đỉnh của thời kỳ hậu đại dịch COVID-19 khi mà giá hàng hóa toàn cầu giảm và chính sách tiền tệ có những điều chỉnh. Tại số ít nền kinh tế phát triển châu Á, lạm phát lõi hiện vẫn dai dẳng do điều kiện thị trường lao động có thiếu hụt cũng như chênh lệch sản lượng cao.
Kinh tế châu Á vì vậy vững vàng hơn so với phần còn lại của thế giới dù rằng rủi ro lạm phát dai dẳng sẽ có thể trở thành hiện thực xét đến rủi ro giá cả hàng hóa toàn cầu có thể tăng đột biến.
Các ngân hàng trung ương trên thế giới nên vững vàng với chính sách đảm bảo rằng lạm phát đúng theo ngưỡng mục tiêu và kỳ vọng lạm phát được giữ vững. Khi mà điều kiện tài chính tại châu Á hiện vẫn đang trong trạng thái điều chỉnh, không cần thiết phải nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa.
Sau hàng loạt những xáo trộn về địa chính trị ví như tại Nga – Ukraine hay giữa Israel – Palestine, các nước châu Á cần có những sự chuẩn bị từ trước cho riêng mình. Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, rất nhiều nước đã đưa ra chính sách hỗ trợ để giúp bảo vệ cuộc sống và sinh kế cho người dân. Giờ đây đã đến lúc cần rút bớt các biện pháp này và cùng lúc tăng hỗ trợ cho người nghèo cũng như các đối tượng yếu thế.
Thế nhưng nhìn chung, cần rút bớt biện pháp hỗ trợ trong đại dịch và bắt đầu xây dựng những lá chắn tài khóa riêng để phòng ngừa những cú sốc trong tương lai. Ngoài ra, cũng cần nhắm đến việc hỗ trợ cho những người thuộc đối tượng nghèo và dễ chịu tổn thương.
Việc đầu tiên là xây dựng dự trữ và lá chắn tài khóa, nhóm các nước châu Á đang làm điều này. Trong trường hợp Hàn Quốc, họ đã bắt đầu thu hẹp các biện pháp hỗ trợ tài khóa trong nửa sau năm 2022 và vẫn tiếp tục làm điều đó trong năm 2023.
Đồng thời, các nước châu Á cũng cần xây dựng dự trữ trong ngành tài chính. Ngân hàng trung ương các nước và các cơ quan giám sát cần phải đảm bảo các điều kiện vốn và thanh khoản để ngành tài chính có thể đương đầu với các cú sốc có thể phát sinh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.