Theo nhiều chuyên gia, lí do khách quan để Thổ Nhĩ Kì và Nga hòa giải cùng nhau do mối quan hệ căng thẳng có ảnh hưởng xấu đến cả 2 nước.
“Thổ Nhĩ Kì đã đánh giá được tổn thất của lệnh trừng phạt Nga lên tới 9 tỉ USD/năm. Con số bằng 1,2% GDP của nước này”, giám đốc hiều hành chứng khoán của công ty đầu tư Freedom Finance nhận định với trang RBTH.
Tuy nhiên, Nga cũng thiệt hại không nhỏ nếu quyết định không chịu hòa giải với Ankara do Thổ Nhĩ Kì đang đóng vai trò quan trọng trong nhiều ngành kinh tế của Nga bao gồm tài chính, xây dựng, thực phẩm…
1. Thổ Nhĩ Kì là nước tiêu thụ khí đốt lớn thứ 2 của Nga
Thổ Nhĩ Kì là khách hàng mua khí đốt lớn thứ 2 của tập đoàn Gazprom (Nga) sau Đức. Trong năm 2015, Gazprom đã cung cấp 26,9 tỉ m3 khí đối đến Thổ Nhĩ Kì và chiếm 55% nhu cầu của nước này.
Thổ Nhĩ Kì là khách hàng khí đốt lớn thứ 2 của Gazprom
Hơn nữa, vào tháng 12.2014, Gazprom và công ty BOTAS của Thổ Nhĩ Kì đã kí bản ghi nhớ về việc xây dựng đường dẫn khí đốt chạy qua biển Đen để vào thị trường châu Âu, có tên “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kì”, với lưu lượng 63 tỉ m3 khí đốt/năm. Sau khi quan hệ ngoại giao 2 nước rơi vào mức xấu, dự án này đã bị đình trệ.
Đây là dự án có thể coi là quan trọng với Nga hơn Thổ Nhĩ Kì do nó thay thế "Dòng chảy phương Nam", dự án mà Nga phải hủy bỏ do bị EU phản đối.
2. Thổ Nhĩ Kì là thị trường nước ngoài chủ chốt của Sberbank
Ngân hàng lớn nhất nước Nga Sberbank đang đầu tư mạnh vào Thổ Nhĩ Kì
Thổ Nhĩ Kì là đất nước ngoài Nga chứa nhiều tài sản nhất của Sberbank, ngân hàng quốc doanh lớn nhất Nga hiện nay. Vào tháng 6.2012, Sberbank đã mua lại nhân hàng DenizBank của Thổ Nhĩ Kì với giá 3,5 tỉ USD.
Về mặt tài chính, đây không phải là thương vụ đầu tư thành công do giá trị của ngân hàng Deniz đã giảm xuống còn 2,6 tỉ USD trong năm 2016, tuy nhiên, Sberbank cho biết, họ không có ý định bán đi ngân hàng này và nó hiện vẫn có giá trị tương đương 9% tài sản của ngân hàng Nga.
3. Các khu nghỉ dưỡng của Thổ Nhĩ Kì cần khách Nga
Thổ Nhĩ Kì là điểm đến ưa thích của khách du lịch Nga
Thổ Nhĩ Kỳ đã là điểm đến số 1 của du khách Nga trong nhiều năm qua, đặc biệt là ở các vùng biển phía nam Antalya và Alanya, tuy nhiên, sau khi Nga ban bố lệnh cấm vận, lượng khách đến đây đã giảm một cách đột ngột đi 40%.
“Nếu sự hợp tác với Thổ Nhĩ Kì trong ngành du lịch được thiết lập lại, nhu cầu đi du lịch nước ngoài của người dân Nga chắc chắn sẽ tăng trở lại một cách đột biến”, hiệp hội trên nhận định.
4. Thổ Nhĩ Kì là nhà cung cấp trái cây và rau củ lớn của Nga
Sau khi mối quan hệ rơi vào căng thẳng, Nga đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của Thổ Nhĩ Kì. Từ lâu, Thổ Nhĩ Kì đã là nhà cung cấp trái cây và rau củ lớn của Nga, nhưng trong suốt 7 tháng qua, lĩnh vực này đã tuột dốc không phanh.
Thổ Nhĩ Kì thiệt hại lớn nếu không xuất khẩu được trái cây sang Nga
Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu rau quả Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ali Kavaka đã cảnh báo, nếu Ankara không có các biện pháp giải quyết tình hình thì ngành xuất khẩu rau quả nước này sẽ rơi vào khủng hoảng thực sự. Việc tìm kiếm thị trường thay thế cho Nga không hề đơn giản. Thị trường châu Âu khó có thể trở thành phương án thay thế cho thị trường Nga vì đây là thị trường khó tính và hiện cũng đang dư thừa thực phẩm do Nga cũng áp đặt các lệnh cấm vận cấm nhập khẩu nông sản từ đây.
5. Thổ Nhĩ Kì quan trọng với ngành xây dựng Nga
Các công ty xây dựng của Thổ Nhĩ Kì đang chịu trách nhiệm rất nhiều dự án quan trọng ở Nga. Ví dụ như việc công ty Enka đang là nhà thầu xây dựng tòa nhà hạ viện Nga trong khi tập đoàn Renaissance của Thổ Nhĩ Kì sẽ xây văn phòng cho Gazprom ở thành phố St Petersburg.
Tòa nhà hạ viện Nga đang được sửa lại bởi một công ty xây dựng Thổ Nhĩ Kì
Theo tờ Kommersant, tổng doanh thu của các nhà phát triển bất động sản Thổ Nhĩ Kì tại Nga là 773 triệu USD mỗi năm. Sau khi quan hệ 2 nước rơi vào căng thẳng, các công ty xây dựng Thổ Nhĩ Kì chỉ được phép hoàn thiện nốt các dự án đã khởi công chứ không được thực hiện các công trình mới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.