Lý do PNJ trụ vững trong lúc nhiều DN phải đóng cửa do Covid-19?

Quốc Hải Thứ tư, ngày 10/06/2020 13:14 PM (GMT+7)
Thương chiến Mỹ - Trung, rồi dịch Covid-19 khiến không ít doanh nghiệp (DN) trong ngành phải đóng cửa hoặc bán công ty, nhưng PNJ vẫn trụ vững và đang từng bước gia tăng thị phần.
Bình luận 0

Đó là chia sẻ của ông Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ), tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2020, diễn ra sáng 10/6, tại TP.HCM.

Covid-19 khiến nhiều DN cùng ngành phải đóng cửa hoặc “bán” mình nhưng PNJ vẫn trụ vững - Ảnh 1.

Kinh doanh vàng bạc tại một cửa hàng PNJ (Ảnh: Quốc Hải)

Theo ông Thông, thương chiến Mỹ - Trung ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới năm 2019. Bước sang năm 2020, những tác động xấu do dịch Covid-19 lên nền kinh tế toàn cầu càng thêm khốc liệt. Điều này, ảnh hưởng không nhỏ đến các DN kinh doanh vàng bạc trong nước. 

Với PNJ, các kế hoạch vốn đã được hoạch định từ quý 4/2019 (khi Covid-19 chưa xuất hiện) đã không còn phù hợp. Và PNJ đã phải nhanh chóng thay đổi. Điều này giúp PNJ vẫn đạt kết quả tăng trưởng trong các ngày cao điểm kinh doanh 14/2 và 8/3, so với sự sụt giảm của những DN cùng ngành.

Dù vậy, CEO PNJ cũng phải thừa nhận, sang tháng 4, PNJ phải chịu thua lỗ khi phần lớn cửa hàng đóng cửa để ngăn ngừa khả năng lây lan của Covid-19.

Lợi nhuận năm 2020 giảm tới 40%

Báo cáo tại đại hội, CEO PNJ cho biết, năm 2019, DN đạt doanh thu thuần 17.000 tỷ đồng, thực hiện gần 93% kế hoạch năm và tăng 16,7% so với năm trước. Tuy nhiên, công ty đã tối ưu nhiều chi phí, đặc biệt là đầu tư hệ thống quản lý nguồn lực doanh nghiệp ERP-SAP - nền tảng quan trọng để PNJ đi lên với quá trình cải tiến vận hành liên tục và chuyển đổi số hóa. Nhờ vậy, lãi sau thuế đạt 1.194 tỷ đồng, vượt 1% kế hoạch và tăng 24,4% so với năm trước.

Tuy nhiên, sang năm 2020, dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19, PNJ cũng không tránh khỏi bị tác động nặng nề. Cụ thể, trong tháng 4 vừa qua, PNJ chỉ đạt doanh thu thuần 501 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm trước. Lỗ ròng đến 89 tỷ đồng, công ty phải đóng cửa nhiều cửa hàng trong thời gian giãn cách xã hội.

Bước sang đầu tháng 5, hoạt động kinh doanh mới dần hồi phục trở lại. Doanh số tăng khoảng 20% so với cùng kỳ và tăng 85% so với tháng 4. Lũy kế, lợi nhuận 5 tháng đầu năm 2020 của PNJ ước đạt 343 tỷ đồng, đạt 41% kế hoạch.

Covid-19 khiến nhiều DN cùng ngành phải đóng cửa hoặc “bán” mình nhưng PNJ vẫn trụ vững - Ảnh 2.

Bà Cao Thị Ngọc Dung chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2020

Những khó khăn này cũng là nguyên nhân khiến PNJ quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020. Cụ thể, HĐQT PNJ trình cổ đông thông qua chỉ tiêu doanh thu thuần 14.486 tỷ đồng, giảm 15% so với năm 2019 và giảm 31% so với kế hoạch ban đầu. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất từ 1.350 tỷ đồng xuống còn 832 tỷ đồng, giảm 38% so với kế hoạch ban đầu.

Đồng thời, PNJ cũng điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận gộp và lợi nhuận trước thuế lần lượt xuống 27% và 38%, về mức 2.896 tỷ đồng và 1.047 tỷ đồng.

Tuy nhiên, PNJ cho biết thêm, nếu đạt kế hoạch lợi nhuận sau thuế là 832 tỷ đồng, công ty sẽ thưởng 1%/lợi nhuận sau thuế cho HĐQT và lãnh đạo chủ chốt. Đồng thời, công ty phát hành cổ phiếu theo chương trình chọn lựa cho người lao động (ESOP) với tỷ lệ 1%/số lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Về việc phân phối lợi nhuận, PNJ cho biết tính đến nay đã tạm ứng 2 đợt cổ tức tiền mặt cho năm 2019, với tổng tỷ lệ 18%. Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2020, Ban lãnh đạo PNJ cũng trình cổ đông phương án cổ tức tỷ lệ 18%.

Giải thích thêm về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và lợi nhuận, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ cho biết, từ đầu năm đến nay, PNJ hoàn toàn không có đơn hàng xuất khẩu, thị trường bán sỉ cũng giảm mạnh ảnh hưởng lớn đến doanh số. Mặt khác, công ty đầu tư nhiều cho nhà máy mới, mở rộng hệ thống cửa hàng ở các vùng mới (thành phố cấp 1 sức mua giảm mạnh hơn các khu vực khác) cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận. Chưa kể, để giữ nhân tài, PNJ cũng phải tăng lương cho nhân viên.

"Đó là lý do năm nay PNJ lên kế hoạch lợi nhuận giảm mạnh hơn doanh thu. PNJ cần chấp nhận giảm lợi nhuận để đầu tư cho sự phát triển trong tương lai", bà Dung lý giải.

Chia sẻ về hoạt động đầu tư, bà Dung cũng cho biết thêm, công ty sẽ mở thêm 31 cửa hàng trong năm 2020.

Cũng tại ĐHĐCĐ lần này, một loạt sự thay đổi trong Ban lãnh đạo PNJ đã diễn ra. Theo đó, các thành viên là ông Robert Alan Willett, bà Phạm Vũ Thanh Giang và bà Phạm Thị Mỹ Hạnh sẽ từ nhiệm khỏi HĐQT. Các ứng cử viên thay thế hiện này là ông Nguyễn Tuấn Hải, bà Trần Phương Ngọc Thảo và bà Tiêu Yến Trinh.

Xây thêm nhà máy PNJ thứ hai tại Long An

Cũng tại đại hội, lãnh đạo PNJ chia sẻ, trong năm 2020 nhà máy thứ hai của PNJ sẽ được xây dựng tại Long An. Nhà máy này dùng để xử lý các sản phẩm có những ảnh hưởng đến môi trường như hàng xi mạ. Trong khi đó, nhà máy hiện tại (nằm trong khu dân cư) của PNJ sẽ hướng đến các sản phẩm cao cấp hơn, nhằm thay thế được các mặt hàng nhập khẩu, giúp làm giảm nhiều chi phí thuế nhập khẩu cho PNJ.

"Mỗi năm, PNJ nhập khẩu xấp xỉ 0,5 tấn hàng xách tay, chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đến 35%, tương ứng 100 tỷ đồng/năm. Nếu tiến độ xây dựng triển khai tốt, sẽ giúp PNJ tiết giảm rất nhiều chi phí", bà Dung cho hay.

Tuy nhiên, trả lời cổ đông về tiến độ đầu tư với nhà máy thứ hai, bà Dung tiết lộ, PNJ mới đầu tư bước đầu khoảng 15 tỷ đồng. Nhà máy chuyên làm những sản phẩm liên quan đến vấn đề môi trường như si mạ. Theo kế hoạch, năm đầu tiên nhà máy có thể tạo ra 500.000 sản phẩm. 

"Tất nhiên, PNJ cũng không tiến hành đầu tư ngay mà chỉ giải ngân khi thấy… "ánh sáng mặt trời ấm trở lại", bà Dung khẳng định.

Về kế hoạch phát hành ESOP (phát hành cổ phiếu theo chương trình chọn lựa cho người lao động) cũng như kế hoạch thưởng cho HĐQT và lãnh đạo chủ chốt trong năm 2020, bà Dung chia sẻ: "Chưa năm nào PNJ đề ra kế hoạch kinh doanh mà phải động viên ban lãnh đạo và đội ngũ công nhân viên như năm nay".

Theo bà Dung, PNJ không chỉ trình cổ đông phương án nếu đạt kế hoạch lợi nhuận sau thuế, công ty sẽ thưởng 1%/lợi nhuận sau thuế cho HĐQT và lãnh đạo chủ chốt. Đồng thời phát hành cổ phiếu ESOP với tỷ lệ 1%/số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Tuy nhiên, nếu vượt 1%/kế hoạch lợi nhuận sau thuế thì HĐQT và lãnh đạo chủ chốt sẽ được phát hành ESOP 0,03%/số lượng cổ phiếu đang lưu hành nhưng không vượt quá tỷ lệ 0,5%.

Tổng khối lượng phát hành ESOP nếu đạt và vượt kế hoạch không vượt quá tỷ lệ 1,5%/số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Giá phát hành là 10.000 đồng/CP và sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 36 tháng kể từ ngày hoàn thành phát hành…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem