Lý do Putin sẽ không lún sâu vào 'ác mộng' ở Kazakhstan

Phương Đăng (theo The Moscow Times) Thứ sáu, ngày 07/01/2022 19:00 PM (GMT+7)
Nhiều chuyên gia lo ngại rằng Moscow có nguy cơ bị cuốn sâu vào bạo loạn ở nước láng giềng Kazakhstan và sẽ phải xoay xở đối phó với sự bất ổn chiến lược trên 2 mặt trận.
Bình luận 0
Lý do Putin sẽ không lún sâu vào 'ác mộng' ở Kazakhstan - Ảnh 1.

Lính dù Nga lên đường tới Kazakhstan vào sáng thứ Năm 6/1. Ảnh Tass.

Cuộc khủng hoảng ở Kazakhstan khiến “Điện Kremlin phải phân chia sự chú ý của mình… và quản lý sự bất ổn chiến lược trên 2 mặt trận", Alexander Baunov, một nhà phân tích chính sách đối ngoại của Trung tâm Carnegie Moscow bình luận.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, rủi ro tiềm tàng lớn nhất là Nga bị cuốn vào các tranh chấp trong nước của Kazakhstan. 

Cụ thể, việc Nga triển khai binh sĩ thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) tới Kazakhstan nhằm giúp nước này dập tắt cuộc bạo loạn chết người được các chuyên gia đánh giá là sẽ gây ảnh hưởng lớn đến chính sách đối ngoại và đối nội của Moscow, theo Moscow Times.

Andrei Kortunov, người đứng đầu Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga (RIAC), một tổ chức tư vấn có liên kết với Điện Kremlin cho biết: “Hiện tại, đây không phải là một cuộc can thiệp vũ trang mà chỉ là một hoạt động gìn giữ trật tự. Nhưng nếu hoạt động này kéo dài, hậu quả đối với Nga có thể tăng lên".

Việc triển khai 3.000 lính dù Nga tới Kazakhstan được đưa ra sau khi Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev gửi yêu cầu hỗ trợ chính thức tới Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), một liên minh quân sự do Nga dẫn đầu.

Cùng với Nga, các quốc gia thành viên CSTO là Armenia, Belarus, Kyrgyzstan và Tajikistan đã đưa binh sĩ tới Kazakhstan, một quốc gia sở hữu nguồn năng lượng dồi dào và là thành viên sáng lập của Liên minh Kinh tế Á-Âu, một khối thương mại khu vực do Nga dẫn đầu.

Ông Tokayev nói rằng sự can thiệp của CSTO là cần thiết để chống lại "mối đe dọa khủng bố" sau khi các cuộc biểu tình phản đối việc tăng giá nhiên liệu lan rộng trên toàn quốc. Những người biểu tình ở thành phố lớn nhất của Kazakhstan - Almaty được trang bị vũ khí, phá hủy các tòa nhà chính phủ và đóng cửa sân bay quốc tế chính của đất nước.

Các phương tiện truyền thông Kazakhstan cho biết, ít nhất 12 cảnh sát đã bị giết trong các cuộc bạo loạn, với "hàng chục" trường hợp tử vong khác được báo cáo. Tổng thống Tokayev tuyên bố rằng đất nước của ông đang bị “tấn công từ bên ngoài” và từ “các nhóm khủng bố”.

Vào sáng thứ Năm 6/1, một video được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy các đơn vị quân đội Kazakhstan đã đấu súng với những người biểu tình có vũ trang khi họ cố gắng tái kiểm soát thành phố Almaty.

Đối với nhiều nhà quan sát Nga, việc bất ổn đột ngột bùng lên ở một quốc gia vốn ổn định chính trị như Kazakhstan thì can thiệp là điều khó tránh khỏi.

“Tôi không nghĩ Nga có bất kỳ lựa chọn nào khác ngoài việc can thiệp. Nhưng điều  quan trọng là đây là một hoạt động ngắn hạn và chúng tôi sẽ không bị cuốn sâu vào”, ông Kortunov bình luận.

Cuộc khủng hoảng ở Kazakhstan đã diễn ra vào thời điểm nhạy cảm đối với Nga.

Do căng thẳng với phương Tây gia tăng, Nga đã điều động một lực lượng đáng kể quân đội tới gần biên giới Ukraine trong nhiều tháng. Theo đó nhiều đơn vị quân đội của Nga vốn thường được triển khai ở Siberia và Urals, dọc theo biên giới với Kazakhstan đã di chuyển về phía Tây biên giới. 

Ngoài ra, Nga cũng đang tập trung các nguồn lực ngoại giao cho cuộc đàm phán với NATO và Mỹ, do đó, cuộc khủng hoảng Kazakhstan hiện là điều không mong muốn đối với Moscow.

Từ những rủi ro đã được phân tích ở trên, nhiều chuyên gia bao gồm Richard Haass của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nhận định, Tổng thống Putin chắc chắn sẽ không để Nga bị cuốn sâu vào "ác mộng" ở Kazakhstan.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem