Lý giải hiện tượng nguyệt thực toàn phần "siêu trăng xanh" tối 31.1

Thứ tư, ngày 31/01/2018 23:24 PM (GMT+7)
Tối 31.1, khi diễn ra nguyệt thực cũng là lúc trăng tròn trùng với thời điểm nó đi qua điểm gần Trái đất nhất trên quỹ đạo của nó. Lần gần nhất xảy ra hiện tượng này đã cách đây 150 năm.
Bình luận 0

Tối 31.1 đã xảy ra hiện tượng nguyệt thực toàn phần kéo dài hơn năm tiếng đồng hồ (từ 17h51 đến 23h08), trong đó nguyệt thực toàn phần sẽ diễn ra từ 19h51 đến 21h07, tại Việt Nam ở những nơi điều kiện thời tiết cho phép có thể quan sát được. 

img

Hiện tượng siêu trăng tại Los Angeles. Ảnh Reuteurs. 

Dưới đây là bài viết của ông Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) lý giải rõ hơn về hiện tượng này. 

Nguyệt thực gồm ba pha cơ bản là nửa tối, một phần và toàn phần. Nhiều nguyệt thực chỉ là nửa tối, khi Mặt trăng không đi vào vùng bóng tối của Trái đất mà chỉ đi vào vùng nửa tối nên vẫn nhận được khá nhiều ánh sáng Mặt trời, do đó nó chỉ chuyển thành màu đỏ rất nhạt, đôi khi khó nhận ra. 

Một số trường hợp khác, Mặt trăng có một phần đi vào vùng bóng tối và phần đó tối lại, màu đỏ thẫm trong khi phần còn lại vẫn ở trạng thái nửa tối - đó là nguyệt thực một phần. 

img

Hiện tượng trăng tròn thông thường và nguyệt thực nửa tối. Ảnh www.MrEclipse.com

Nguyệt thực toàn phần là đặc biệt nhất. Mặt trăng sau khi đi vào vùng nửa tối sẽ bắt đầu đi vào vùng bóng tối để đi vào pha một phần, vùng một phần này lớn dần tới khi Mặt trăng đi hoàn toàn vào vùng bóng tối của Trái đất và bắt đầu pha toàn phần - toàn bộ Mặt trăng có màu đỏ thẫm. 

Pha toàn phần có thể kéo dài từ ít phút tới hơn 1 giờ, sau đó Mặt trăng bắt đầu đi ra khỏi vùng bóng tối, trở lại pha một phần, sau đó tiến sang pha nửa tối và cuối cùng kết thúc hiện tượng khi Mặt trăng khi đi ra hẳn khỏi vùng nửa tối. Nguyệt thực tối 31.1 mà chúng ta chứng kiến là nguyệt thực toàn phần. 

img

Theo văn hóa của nhiều quốc gia phương Tây, lần Trăng tròn thứ hai trong tháng Dương lịch được gọi là "Trăng xanh của tháng". Ảnh IT.

Nguyệt thực toàn phần không phải hiện tượng quá hiếm gặp nhưng nó xảy ra đồng thời với siêu trăng trong hôm nay là điều rất kỳ thú. Đây được cho là hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhất năm 2018.

Hiện tượng nguyệt thực toàn phần, siêu trăng và "trăng xanh của tháng" không trùng hợp theo một quy luật thời gian nào. Lần gần nhất có sự trùng hợp này là cách đây 150 năm.

Tối 31.1 khi diễn ra nguyệt thực cũng là lúc Trăng tròn trùng với thời điểm nó đi qua điểm gần Trái đất nhất trên quỹ đạo của nó. Việc này khiến chúng ta thấy Mặt trăng lớn hơn thông thường một chút, đường kính lớn hơn khoảng 7% so với kích thước Trăng tròn trung bình. 

Sự kiện đó được gọi là "siêu Trăng". Tất nhiên, con số 7% là khá nhỏ và thường khó nhận ra rõ nét, nhưng khi sự kiện này trùng với nguyệt thực toàn phần thfi nó khiến cho nguyệt thực trở nên hấp dẫn hơn đối với người quan sát. 

Một sự trùng hợp nữa là Trăng tròn tối 31.1 cũng là lần Trăng tròn thứ hai trong cùng tháng 1. Theo văn hóa của nhiều quốc gia phương Tây, lần Trăng tròn thứ hai trong tháng Dương lịch được gọi là "Trăng xanh của tháng". 

Trên thực tế, đây là vấn đề văn hóa thuần túy, Mặt trăng không hề có bất cứ biến đổi nào về màu sắc hay hình dạng

Đặng Vũ Tuấn Sơn (thienvanvietnam.org)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem