Ly kỳ chuyện Gia Cát Lượng lấy bánh thay đầu người

Chủ nhật, ngày 19/09/2021 14:34 PM (GMT+7)
Trong Tam quốc diễn nghĩa, người nghĩ ra bánh bao chính là Gia Cát Lượng. Từ đó đến nay chiếc bánh bao không chỉ gắn liền với lịch sử Trung Hoa mà ý nghĩa của nó mang đậm tính nhân đạo.
Bình luận 0

Sau chuỗi sự kiện "bảy lần bắt bảy lần thả Nam Man Vương Mạnh Hoạch", Gia Cát Lượng đã hoàn toàn thu phục được vị Man Vương này. Tuy nhiên, trên đường quay về Thành Đô, quân đội của nhà Thục đã không thể vượt qua được sông Lô Thủy.

Tam quốc diễn nghĩa: Ly kỳ chuyện Gia Cát Lượng lấy bánh thay đầu người - Ảnh 1.

Gia Cát Lượng là người nghĩ ra bánh bao. Ảnh: Sohu

Theo Tam quốc diễn nghĩa, bấy giờ đang giữa tháng chín, tiết thu mát mẻ, Mạnh Hoạch và các động chủ, tù trưởng lớn nhỏ đều đến tiễn đưa. Khi vừa tới sông Lô Thủy, bỗng thấy mây đen mù mịt kéo đến, cuồng phong nổi lên dữ dội, binh mã không thể nào sang đò được. Gia Cát Lượng bèn dừng lại hỏi, Mạnh Hoạch thưa:

– Sông này xưa nay thường bị "Xướng thần" tác oai gây họa, ai qua lại trên sông phải cúng tế mới yên.

Gia Cát Lượng hỏi:

– Tế bằng vật gì?

Mạnh Hoạch đáp:

– Trước kia, mỗi khi "Xướng thần" nổi giận, dân trong nước dùng bảy bảy 49 cái đầu người, với trâu đen dê trắng đem cúng tế, thì tự nhiên sóng sẽ lặng êm.

Tam quốc diễn nghĩa: Ly kỳ chuyện Gia Cát Lượng lấy bánh thay đầu người - Ảnh 2.

Tạo hình Nam Man Vương Mạnh Hoạch trên phim. Ảnh: Sohu

Gia Cát Lượng lắc đầu bảo:

– Chiến tranh vừa xong, tang tóc vô số, ta làm sao nỡ lòng giết hại thêm người nữa chứ?

Nói xong, bèn thân hành đến bờ sông Lô Thủy xem xét, quả thấy âm phong thổi mạnh, sóng nước tung cao, khí thế hung hãn, người ngựa đều sợ. Gia Cát Lượng cho tìm thổ dân tới hỏi, thì họ bẩm:

– Từ ngày thừa tướng đem binh qua sông, đêm đêm nơi đây cứ nghe tiếng ma gào quỷ khóc, ầm ỉ ghê rợn. Thỉnh thoảng trong đám mây mù, lại còn thấy lờ mờ hình dạng của binh ma tướng quỷ, vì vậy lúc sau này không ai dám qua sông.

Gia Cát Lượng thở dài nói:

– Đây là tội lỗi của ta. Trong lúc giao tranh, quân ta và những người Man bị chết ở đây vô số kể, có lẽ vì oan hồn oán quỷ không được giải thoát nên họ mới tụ tập ở nơi đây để than khóc. Vậy tối nay ta phải đích thân ra cúng tế mới được.

Bọn thổ dân nói:

– Nếu tế, thì phải theo lệ cũ, phải giết 49 người, lấy đầu làm lễ vật, thì họa may các oan hồn mới tan đi.

Gia Cát Lượng nói:

– Chỉ vì người chết uổng mà có oan hồn, ta lẽ nào lại giết oan thêm nữa? Ta đã có kế hay, các ngươi đừng sợ.

Nói xong, bèn truyền lệnh mổ trâu đen, dê trắng, sai nhào bột nặn thành 49 cái đầu người, nhét thịt trâu, thịt dê vào bên trong, gọi là "bánh đầu người dã man" (Man đầu), để thay thế cho đầu thật.

Tam quốc diễn nghĩa: Ly kỳ chuyện Gia Cát Lượng lấy bánh thay đầu người - Ảnh 3.

Món bánh Man đầu do Gia Cát Lượng sáng tạo ra vẫn được sử dụng tới bây giờ. Ảnh: Sohu

Canh ba đêm ấy, Gia Cát Lượng sai bày hương án nơi bờ sông Lô, đốt 49 ngọn đèn cầy, dựng cờ trắng chiêu hồn, bày lễ vật trên án, đặt 49 cái "Man đầu" dưới đất, rồi đọc bài văn tế chiêu hồn các tướng sĩ chết trận. Lời văn thống thiết, bi ai, mọi người có mặt đều xúc động, lệ sa ròng ròng. Gia Cát Lượng ngước mắt nhìn lên, thấy trong đám mây đen phảng phất có bóng hàng ngàn hồn ma, ông bèn truyền đem tất cả lễ vật đổ xuống sông.

Hôm sau, Khổng Minh dẫn đại quân ra bờ sông Lô Thủy, thì thấy trời quang mây tạnh, sóng lặng gió êm, quân binh qua sông yên ổn, người người vui mừng.

Và đến ngày nay, Man đầu đã thành Màn thầu mà chúng ta thường biết. Bánh Man được người Việt Nam gọi bằng bánh bao. Món bánh bao hiện nay được rất nhiều người ở các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… ưa thích và ăn nhiều.

Quốc Tiệp (Theo Người Đưa Tin)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem