Lý Sơn sẽ là “chính quyền huyện không xã” đầu tiên?

Công Xuân Thứ sáu, ngày 14/09/2018 07:07 AM (GMT+7)
Tỉnh ủy Quảng Ngãi cùng các cấp, ngành của địa phương này đang hoàn chỉnh và lấy ý kiến thông qua mô hình “chính quyền huyện không xã” áp dụng cho huyện đảo Lý Sơn.
Bình luận 0

Việc triển khai mô hình "chính quyền 1 cấp" ở Lý Sơn hiện đang trong giai đoạn hoàn thành các thủ tục để trình cấp thẩm quyền xem xét và phê duyệt, tuy nhiên theo bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, xét về tổng thể mọi mặt việc áp dụng mô hình "huyện 1 cấp", "huyện không xã”... đối với Lý Sơn là hoàn toàn phù hợp. Theo bà Hương, tổng diện tích huyện đảo Lý Sơn chỉ gần 10 km2/22.000 khẩu, gồm có 3 xã nằm trên 2 đảo. Trong đó đảo lớn (trung tâm huyện) có 2 xã là An Hải và An Vĩnh; đảo Bé là xã An Bình. Vì thế người dân khi cần đến trụ sở huyện để giải quyết công việc không phải đi quá xa, tốn nhiều thời gian. Cũng vì khoảng cách gần như vậy nên thời gian qua dù có cấp xã, nhưng nhiều việc huyện cử cán bộ trực tiếp xuống xã để giải quyết cho nhanh.

Bà Hương cũng cho rằng, để duy trì hoạt động, hàng năm ngân sách huyện cấp cho các xã khoảng 4 tỷ đồng. “Vì vậy thực hiện mô hình "chính quyền 1 cấp", huyện sẽ tiết kiệm khoản ngân sách không nhỏ”.

img

  Một góc trung tâm huyện Lý Sơn.  ảnh: Công Xuân

Đồng tình, ông Bùi Hồng Nguyên (47 tuổi), ở thôn Tây, xã An Hải bày tỏ: "Trung tâm huyện nằm ở phía tây, còn trụ sở UBND xã lại nằm ở phía đông. Nhiều khi cần giải quyết công việc phải đi ngược xuống xã, rồi sau đó mới quanh lại lên huyện để hoàn tất thủ tục rất tốn thời gian. Nếu Lý Sơn áp dụng mô hình "chính quyền huyện 1 cấp" thì rất hay".

Tuy nhiên, việc triển khai áp dụng mô hình trên đối với Lý Sơn không phải hoàn toàn thuận lợi, mà có một số vấn đề đòi hỏi phải giải quyết một cách thấu đáo và hợp lý, nhất là với số cán bộ dư thừa sau xóa bỏ cấp xã.

"Không tính số hợp đồng sẽ bị cắt giảm theo chủ trương của tỉnh trong thời gian tới, tổng cán bộ biên chế 3 xã của huyện hiện là 62 người. Đối với số lớn tuổi, gần nghỉ hưu thì việc vận động và giải quyết dễ hơn. Nhưng số cán bộ trẻ tuổi, có chuyên môn và năng lực thì hơi khó vì hiện các phòng, ban của huyện cơ bản đã đủ người. Cho nên không thể điều động lên để bố trí công việc được"- bà Hương bày tỏ.

Khi đã xóa cấp xã, công việc cần phải giải quyết của huyện sẽ nhiều hơn nên phải có sự tính toán để bố trí, sắp xếp lại các phòng, ban sao cho phù hợp. Điều đó đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, nhân viên của huyện cao hơn.

Ông Nguyễn Chí Thanh- Phó Chủ tịch UBND xã An Hải, bày tỏ: "Trong điều kiện ngân sách cấp cho địa phương khá khó khăn như hiện nay, xóa cấp xã, Lý Sơn sẽ tiết kiệm được một khoản kinh phí khá lớn để sử dụng vào việc khác. Mô hình này phù hợp với tình hình và chủ trương chung là tinh giản, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy".

Ông Thanh cho rằng, băn khoăn lớn nhất khi triển khai và áp dụng mô hình "huyện 1 cấp" là việc sắp xếp lại số nhân sự nằm trong biên chế sẽ dư thừa ở An Hải và 2 xã còn lại như thế nào cho phù hợp. "Các cấp ngành huyện, tỉnh cần có sự tính toán và giải pháp hợp lý để họ đồng tình, ủng hộ khi thôi việc (số cán bộ dư thừa đã lớn tuổi, không đủ năng lực, trình độ...). Cần tạo điều kiện cho những người này tìm kiếm công việc mới để duy trì cuộc sống cho gia đình"- ông Thanh nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem