Nói chúng ta đang chạy theo những biến động của đồng USD và tình trạng lộn xộn trong cung cầu ngoại tệ ở thị trường tự do, nhấn mạnh là để đáp ứng các nhu cầu của nền kinh tế - cũng hoàn toàn không sai.
Việc điều chỉnh tỉ giá tới 9,3%, một kỷ lục thực sự, chắc chắn sẽ gây áp lực cung- cầu hàng hóa, gây áp lực mặt bằng giá, áp lực cho cả sản xuất lẫn xuất khẩu. Bởi theo lý thuyết, việc này sẽ làm hạn chế nhập siêu, khuyến khích xuất khẩu. Nhưng trong thực tế, Việt Nam là nền kinh tế dựa chủ yếu vào xuất khẩu, trên một nền tảng: Sản xuất cho xuất khẩu dựa, đến mức phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành kiên trì cho rằng, các nước khác sử dụng biện pháp giảm giá đồng tiền, để đồng tiền rẻ hơn, hàng hóa sản xuất ra có tính cạnh tranh hơn khi xuất khẩu. Điều đó đúng về lý thuyết, nhưng không đúng với thực tế Việt Nam.
Chẳng hạn đối với mặt hàng sữa, với nguyên liệu sữa bột gần như toàn bộ nhập khẩu, việc nâng tỉ giá không làm lợi cho nông dân Ba Vì, Mộc Châu, mà làm lợi cho nông dân Mỹ, nông dân Úc.
Hay như đối với ngành xuất khẩu lọt top “tỷ đô” như may mặc, 90% nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, việc điều chỉnh tỉ giá vnĐ hầu như không làm lợi cho sản xuất do việc giá nguyên liệu nhập tăng, ảnh hưởng đến giá thành và tạo yếu tố kéo mặt bằng giá.
Chưa kể tới việc hàng trăm mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu sẽ tăng rất cao, ảnh hưởng lớn tới chỉ số tiêu dùng cả ở giác độ tăng giá, và nhất là giác độ “giá tâm lý”, mà việc giá ôtô nhập khẩu tăng ngay trong sáng 12-2, dù đó là những chiếc xe đã nhập từ trước, theo tỉ giá trước đó, minh chứng rõ ràng nhất cho hiện tượng tăng giá kiểu té nước theo mưa.
Và những người đang sống bằng những đồng lương đương nhiên mất đi gần 10% giá trị.
Rõ ràng, việc điều chỉnh tỉ giá dù chấp nhận là việc phải làm, có vẻ tạo điều kiện thuận lợi cho sự điều hành của các nhà quản lý, chỉ nên coi là một bước trong việc lèo lái nền kinh tế. Bởi việc cần thiết vừa mang tính trước mắt, vừa là tạo sự ổn định lâu dài là phải tăng cường chất lượng nền kinh tế dựa vào sản xuất trong nước, nguyên liệu trong nước với những sản phẩm đủ tính cạnh tranh.
Hơn nữa, nếu không giảm được nhập siêu, mọi nỗ lực điều hành, kể cả việc nâng tỉ giá cũng không có tác dụng, khi rất có thể 6 tháng sau chưa ai biết VNĐ sẽ như thế nào.
Đào Tuấn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.