Lý và tình từ bút tích tác quyền Trịnh Công Sơn trao cho Khánh Ly

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng Thứ sáu, ngày 29/08/2014 15:05 PM (GMT+7)
Sau khi ca sỹ Khánh Ly công bố bút tích tác quyền của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, giới luật, giới chuyên gia có nhiều ý kiến gây tranh cãi, đa số cho rằng tờ giấy này không có giá trị pháp lý, nhóm chuyên gia khác lại cho rằng nó có giá trị pháp lý...
Bình luận 0

Đó là điều dễ hiểu, vì đó là một sự kiện pháp lý khá hay xảy ra tại thời điểm pháp luật về sở hữu trí tuệ chưa hoàn thiện..., và đặc biệt, giá trị của tờ giấy này có giá trị hay không có ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm của những người hâm mộ cả hai nghệ sỹ tài ba này...

img  Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly.

Theo quy định tại khoản 2 điều 763 Bộ luật Dân sự năm 1995 (Giấy cho phép tác quyền được lập năm 2000 nên chịu sự điều chỉnh của BLDS 1995) thì giao dịch giữa cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và ca sỹ Khánh Ly phải được lập thành hợp đồng.

Theo quy định tại điều 767 BLDS 1995 thì “1- Hợp đồng sử dụng tác phẩm là sự thoả thuận giữa tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm về việc chuyển giao tác phẩm thuộc sở hữu của mình cho cá nhân, tổ chức khác (gọi là bên sử dụng tác phẩm) sử dụng tác phẩm. 2- Hợp đồng sử dụng tác phẩm phải được lập thành văn bản, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”Trong thương vụ này, giao dịch giữa cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và ca sỹ Khánh Ly đã thực hiện bằng văn bản, tức không có thoả thuận khác, vì vậy phải tuân theo quy định về hình thức của văn bản.

Điều 768 BLDS 1995 quy định nội dung của hợp đồng sử dụng tác phẩm: Tuỳ theo từng loại hợp đồng sử dụng tác phẩm, các bên thoả thuận những nội dung chủ yếu sau đây: “1- Hình thức sử dụng tác phẩm; 2- Phạm vi, thời hạn sử dụng tác phẩm; 3- Mức nhuận bút hoặc thù lao và phương thức thanh toán; 4- Trách nhiệm của mỗi bên khi vi phạm hợp đồng; 5- Các nội dung khác do các bên thoả thuận.”

Điều này cũng được cụ thể hoá tại điều 15 Nghị định 76/CP ngày 29 tháng 11 năm 1996 của chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả trong Bộ luật Dân sự, như sau: “1. Hợp đồng sử dụng tác phẩm phải được ký kết phù hợp với các quy định tại các Điều 767, 768 của Bộ luật và phải theo mẫu hợp đồng sử dụng tác phẩm do Bộ Văn hoá - Thông tin ban hành. 2. Việc ký kết hợp đồng sử dụng tác phẩm đồng tác giả phải có sự thoả thuận của các đồng tác giả hoặc người được chuyển giao quyền của đồng tác giả với bên sử dụng tác phẩm về các nội dung quy định tại Điều 768 của Bộ luật.

Các đồng tác giả hoặc người được chuyển giao quyền của đồng tác giả và bên sử dụng tác phẩm đều phải ký tên trên hợp đồng.” Trong khi đó, giấy cho phép tác quyền chỉ có hai nội dung: “ Đồng ý cho Khánh Ly sử dụng những bài hát của tôi” và “tiền tác quyền là 5,000 USD” và chỉ có duy nhất chữ ký của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, nó giống một tờ cam kết hơn là giao dịch dân sự.

Còn lại các nội dung cơ bản khác lại không thể hiện, điều đó dẫn đến: - Không biết ca sỹ Khánh Ly sử dụng tác phẩm như thế nào là đúng? - Phạm vi tới đâu? - Thời hạn sử dụng? - Trách nhiệm các bên? Phía ủng hộ ca sỹ Khánh Ly sẽ cho rằng không quy định hình thức, phạm vi sử dụng có nghĩa là Khánh Ly muốn sử dụng như thế nào cũng được? không quy định thời hạn sử dụng có nghĩa là Khánh Ly được phép sử dụng vô thời hạn, ngay cả khi nhạc sỹ Trịnh Công Sơn chết. Lập luận này không phù hợp cả về lý lẫn về tình. Nếu tại thời điểm này, các bên phát sinh vụ kiện, vụ việc sẽ được giải quyết theo pháp luật tố tụng dân sự, cơ quan có thẩm quyền giải quyết là toà án. Căn cứ vào điều 134 Bộ luật Dân sự hiện hành quy định giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức:

“Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu.” Nếu nhạc sỹ Trịnh Công Sơn còn sống, toà án vẫn có thể xem xét để buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch, nhưng người nhạc sỹ này đã chết, nên việc này không thể thực hiện được. Điều đó, đồng nghĩa giao dịch này phải chấm dứt.

Nếu có quan điểm cho rằng, những đồng thừa kế của cố nhạc sỹ sẽ tiếp tục việc này thì không chính xác, vì họ chỉ kế thừa quyền và nghĩa vụ pháp lý theo nội dung của giao dịch, chứ không thể thay thế ý chí người khác để có những thoả thuận bổ sung được... Mặt khác, nhiều vấn đề sẽ cần được làm rõ, nếu phát sinh tranh chấp: - Giấy cho phép tác quyền do ca sỹ Khánh Ly cung cấp cũng phải được trưng cầu giám định để xác định lại có đúng chữ ký của cố nhạc sỹ hay không nhằm làm cơ sở giải quyết vụ án, - Ca sỹ Khánh Ly có thực hiện đúng nghĩa vụ của người sử dụng tác phẩm theo quy định của pháp luật không? - Ca sỹ Khánh Ly đã thanh toán tiền tác quyền cho cố nghệ sỹ Trịnh Công Sơn chưa? Bao nhiêu? Như thế nào?

Nếu toà án xác định Giấy cho phép tác quyền không có giá trị pháp lý và buộc chấm dứt, thì các đồng thừa kế của cố nhạc sỹ sẽ tham gia tố tụng để giải quyết các vấn để tranh chấp liên quan đến tác quyền của ông. Nói lại, trong cái lý, còn có cái tình … danh dự của những nghệ sỹ này là cao cả, không thể mua được bằng tiền, nếu ai đó vì lợi ích vật chất mà làm cho câu chuyện này phức tạp lên, người đó không đáng được trân trọng… Với người nghệ sỹ, tài năng và uy tín của họ là thước đo, là chuẩn mực, là căn cứ, là niềm tin cho mọi giao tiếp …nên có khi chỉ cần một lời nói …giá trị của nó gấp nghìn lần tờ giấy!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem