Má Mười nuôi hơn 100 em nhỏ

Thứ tư, ngày 13/10/2010 15:34 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - 14 tuổi, má Mười đã giác ngộ cách mạng, đem sức trẻ ra cống hiến cho quê hương. Giờ tuổi đã ngoài thất tuần, má lại bỏ công sức ra nuôi hơn 100 em nhỏ khuyết tật giúp đời.
Bình luận 0
img
Má Mười trong mái ấm Thiện Duyên.

“Thấy chính nghĩa thì theo”

Bỏ lại sau lưng cái ồn ào náo nhiệt chiều Chủ nhật của Sài thành, chúng tôi về đất thép Củ Chi, nơi có má Mười nuôi trăm em nhỏ khuyết tật đáng thương. Chúng tôi đến khi má đang dẫn một sư cô đi thăm các em nhỏ của mái ấm Thiện Duyên.

"Trời thương con à, 72 tuổi rồi mà má ít bệnh tật lắm" - má cười nói khi chúng tôi biết má đã từng ra tù vào tội đến 5 lần dưới thời Mỹ - ngụy. Thời đó, Củ Chi là vùng trắng, bên ngoài đường là chính quyền cũ, bên trong rừng là cách mạng. 14 tuổi, Cẩm Giang - tên thật của má Mười - vào rừng làm giao liên.

Đến giờ mái ấm của má Mười đã có 125 em nhỏ, trong đó 73 em bại não không thể làm việc, chỉ ăn và nằm một chỗ, số còn lại là những đứa trẻ mồ côi, khuyết tật nhẹ.

Đi cách mạng, cô gái tuổi trăng tròn mới nhận ra người bạn cũ trong làng cũng ở rừng làm cách mạng như mình. Qua nhiều lần làm việc chung họ đã nên vợ nên chồng ngay giữa rừng sâu. Cô con gái được sinh ngay dưới hầm địa đạo trong những ngày tháng chiến tranh ác liệt.

Má Mười còn nhớ như in lần bị bắt vào Tổng nha cảnh sát của chế độ cũ. Bị bắt vào ngày 12-8-1973, từ Tổng nha cảnh sát, cô gái trẻ bị di lý qua nhà lao Hàng Kéo rồi về trại tra tấn Băng Ki. Cai ngục hỏi sao theo cách mạng chống lại nhà nước, cô gái trẻ nói, trong Hiệp định Giơ- ne- vơ có đoạn: "Nếu ai thấy chính quyền chính nghĩa thì theo chính quyền, thấy cách mạng chính nghĩa thì theo cách mạng".

Vì câu nói đó mà cai ngục đánh cô thừa sống thiếu chết trước khi đưa về đề lao Gia Định cầm tù và được giải thoát vào ngày 30-4-1975. Sau giải phóng, nữ cựu tù Cẩm Giang trở thành Chủ tịch UBND phường 23, quận Tân Bình.

Lòng mẹ bao la

Sau giải phóng, vợ chồng má Mười được cấp một ngôi nhà trên phố, má vừa nuôi heo vừa chăm con vừa học chữ. "Cái nhà của má, trên dưới chỗ nào viết được là có chữ hết, nào là công thức, định nghĩa… lúc cho heo tắm má cũng lẩm nhẩm đọc, vừa ru con má vừa học"- má Mười cười khúc khích mỗi khi nói về công cuộc đánh vật với con chữ. Sau bao ngày vùi đầu học, cuối cùng cô chủ tịch cũng thi đậu hết khóa học bổ túc văn hóa ở cái tuổi ngoài "băm". Sau đó, má Mười còn kinh qua nhiều chức vụ khác như quản lý thị trường, ban Hoa vận Sài Gòn- Gia Định…

Ngôi nhà mà chúng tôi đang ngồi là đất của bà sơ, bà cố để lại cho mẹ má rồi mẹ má để lại cho má. Sau khi nghỉ hưu, má về xây dựng lại ngôi nhà và nhận các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn về nuôi để tuổi già bớt hiu quạnh.

Cái cơ duyên đưa má tới với các em nhỏ khuyết tật cũng thật là kì lạ. Có em má nhặt được bên cái mả đúng dịp má đi phát bánh trung thu cho người nghèo, có đứa bị vứt ngoài đường khi vừa được 3 ngày tuổi, đứa được gói trong thùng đem để trước cửa làm má tưởng có ai cho quà mấy đứa nhỏ… Ngày trước má chỉ định nuôi một, hai em giúp những người nghèo trong xóm nhưng càng về sau số lượng các em càng tăng lên.

Để duy trì sự sống, lo cho các em ăn học (có 30 đứa trẻ lành lặn được má cho đi học), má đã làm đủ mọi nghề. Má làm muối tiêu, làm tương chao bán cho người dân quanh xóm. Ngoài ngôi nhà là nơi mẹ con má trú ngụ, má mua được vài mảnh đất để canh tác nuôi trồng. Má nuôi heo, dế, nuôi bò cạp.

Má còn bỏ công đi học kinh nghiệm trồng nấm bào ngư. Trong xóm có công ty trồng nấm, bà chủ hay kêu người dân thứ Năm hàng tuần lên chỉ cách trồng nấm, làm kinh tế, thấy hay thế là má đi học… Dù khó khăn nhưng má chưa bao giờ đến một cơ quan, doanh nghiệp nào ngửa tay xin giúp đỡ. Làm mọi nghề, lấy ngắn nuôi dài giờ thì má có thể nuôi được cả trăm em nhỏ mà không nhờ vả ai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem