Ma Nu náo loạn vì vàng: Bất lực trước vàng tặc

Chủ nhật, ngày 16/12/2012 06:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau nhiều năm khai thác, bãi vàng Ma Nu vẫn như một miếng mồi ngon cho đội quân vàng tặc. Đã có nhiều giải pháp quản lý được đặt ra, nhiều đơn vị khai thác của Nhà nước đã tới, nhưng đều bỏ đi. Có thể nói chính quyền vẫn bất lực trước vàng tặc.
Bình luận 0

Không ai quản lý được vàng

Sau khi đi thực địa tại bãi vàng Ma Nu, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Đinh Quang Hiếu - Bí thư Huyện ủy Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Ông Hiếu cho biết, thời gian qua tỉnh đã tăng cường cho huyện Ngân Sơn 20 cán bộ chiến sĩ công an, và công an huyện huy động tới 55 người vào cuộc để giải tỏa, vì thời gian qua nạn khai thác vàng trái phép tại Ma Nu tái diễn rất phức tạp.

img
Hoạt động khai thác trái phép vẫn tiếp diễn ở bãi vàng Ma Nu.

Lịch sử bãi vàng được ông Hiếu nắm khá kỹ vì năm 1990 nổ ra bãi vàng thì ông là phó công an huyện đã trực tiếp có mặt ở đó những ngày đầu. Không cần sổ sách giấy tờ, ông Hiếu kể: Năm 1990, một số người dân phát hiện ra mỏ vàng ở xã Thượng Quan, chỉ 1 năm sau đã có hàng vạn người tập trung về Ma Nu để đào đãi vàng.

Cuối năm 1991, thấy loạn quá, Quân khu I đã giúp đỡ với việc đưa hàng nghìn bộ đội lên đây lập lại trật tự, sau đó giao cho Công ty 392 của Bộ Quốc phòng quản lý. nhưng sau một vài năm quản lý và hoạt động khai thác, 392 đã rơi vào tình trạng thua lỗ rồi giải thể.

Đến năm 2001, bãi vàng Ma Nu được giao cho tổ hợp Thanh Bình phụ trách khai thác. Nhưng 4 năm liền tổ hợp khai thác vàng này không nộp cho ngân sách cho huyện Ngân Sơn được một đồng nào, cuối cùng cũng bị chấm dưt khai thác.

Đến năm 2007, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã cấp giấy phép cho Công ty Archipalagec Resources Plc ARP của Anh phối hợp với Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) và Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn lập liên doanh thăm dò quặng vàng ở khu vực bãi Ma Nu và toàn bộ mỏ Pác Lạng.

Quá trình thăm dò, đánh giá trữ lượng của ARP với phía liên doanh của VN kéo dài 4 năm. Cuối cùng họ đi đến kết luận, không khai thác được công nghiệp và rút lui khỏi liên doanh, mọi tài liệu kết quả khảo sát được bàn giao cho Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn. Từ lúc đó, mỏ vàng lại được giao cho huyện Ngân Sơn quản lý.

“Hiện nay huyện cũng gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý mỏ vàng, vì lực lượng công an, bộ đội của huyện thì không có chức năng bảo vệ, chỉ huy động được vào các chiến dịch khi cần lực lượng mạnh để giải toả đẩy đuổi người khai thác vàng trái phép” - ông Hiếu nói. Theo ông Hiếu, bây giờ huyện chỉ mong tỉnh có quyết định cấp mỏ cho đơn vị nào đó để chấm dứt tình trạng khai thác vàng trái phép.

Mất tiền vì vàng

Sau khi các đơn vị khai thác, thăm do rút khỏi mỏ vàng Pác Lạng thì tỉnh Bắc Kạn là đơn vị quản lý mỏ vàng này. Nhưng sau nhiều năm chưa biết làm gì với khu mỏ tiềm năng này thì tỉnh Bắc Kạn lại giao tiếp cho huyện Ngân Sơn phụ trách, và hiện tại thì mỏ này chưa cấp cho bất cứ đơn vị nào khai thác. Trước tình trạng mỏ “vô chủ” thì nhiều đối tượng đã tập trung nhiều loại máy móc về đây để tranh thủ khai thác trái phép với quy mô lớn. Theo thống kê từ đoàn giải toả của huyện Ngân Sơn, có 44 lán trại khai thác tập trung và hơn 80 hộ dân tạm trú kiểu “nhảy dù” trong khu vực mỏ và hiện vẫn hàng ngày tiến hành khai thác trái phép.

Chính sự chậm trễ về cơ chế và thủ tục đã dẫn đến mỏ vàng Pác Lạng rơi vào tình trạng vô chủ, huyện Ngân Sơn thường xuyên phải chi kinh phí cho công tác bảo vệ. Mỗi tháng Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn cũng phải tốn kém đến 200 triệu đồng cho đơn vị bảo vệ. Các bên đều mất tiền để canh vàng, còn Nhà nước không thu được ngân sách khai thác tài nguyên.

Ngày 1.3.2012, huyện Ngân Sơn và Công ty cổ phần Khoáng sản bắc Kạn đã ký hợp đồng bảo vệ với Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Thiên Thành, với nội dung thoả thuận cùng nhau triển khai đưa người và phương tiện, công cụ hợp pháp đến quản lý bảo vệ khu vực mỏ vàng Pác Lạng, chi phí trả cho công ty bảo vệ là 200 triệu đồng/tháng, do Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn chi trả.

Theo ông Hiếu, thời gian đầu phía Thiên Thành làm tương đối tốt công tác giải tỏa cũng như ngăn chặn người vào mỏ vàng, nhưng chỉ được một thời gian đã lại phát sinh những dấu hiệu tiêu cực, có thể bảo vệ đã “bật đèn xanh” để nhiều tổ đội vào khai thác trái phép.

Do đó, tỉnh Bắc Kạn và huyện Ngân Sơn phải thành lập tổ công tác tiến hành giải toả tại bãi vàng trong thời gian đầu tháng 12.2012 và hiện nay công tác này vẫn được duy trì tại hiện trường.

Theo ông Mai Văn Bản - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn thì hiện nay công ty chưa được cấp phép khai thác mỏ vàng Pác Lạng, nên trách nhiệm bảo vệ là thuộc về phía huyện Ngân Sơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem