Ma Nu náo loạn vì vàng: Làng “toóc vét”

Thứ sáu, ngày 14/12/2012 07:08 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngôi làng ấy không có đất sản xuất, chăn nuôi ít, công cụ sản xuất của họ chỉ có đục, máng đãi vàng và nhà nào cũng có một chiếc đèn khò để thu vàng mỗi ngày. Dân ở đây gọi làng mình là “toóc vét”...
Bình luận 0

Nhắc đến bãi Ma Nu trong mỏ vàng Pác Lạng, nhiều người chẳng muốn dây vào. Nhưng tại trung tâm của bãi vàng này lại có hẳn làng Khau Liêu của đồng bào Dao tồn tại, và có đến hàng chục hộ dân nhảy dù từ nơi khác vào đây.

Ngôi làng ấy không có đất sản xuất, chăn nuôi ít, công cụ sản xuất của họ chỉ có đục, máng đãi vàng và nhà nào cũng có một chiếc đèn khò để thu vàng mỗi ngày. Dân ở đây gọi làng mình là “toóc vét”...

img
Người dân Khau Liêu khò vàng sau 1 ngày chui hang đục quặng.

Làng không làm ruộng...

Bất kể ngày mưa hay ngày nắng, để vào được thôn Khau Liêu - trung tâm của bãi vàng Ma Nu đều là thử thách. Hôm chúng tôi vào, trời mưa đã biến con đường giống như một bãi chiến trường, chiếc xe Uoát vật lộn mấy tiếng mới tới đích. Nhà Trưởng thôn Triệu Quang Trung (năm nay 27 tuổi) ở gần cuối con dốc. Trong ngôi nhà gỗ vừa mới dựng còn thơm mùi nhựa rừng, một đám thanh niên vừa đánh bài quỳ vừa trêu đùa nhau. Trung nhanh ý giải thích: “Hôm nay trời mưa, không đi chui hang được nên bọn thanh niên trong xóm sang nhà em đánh bài cho vui”. Mới là trưởng thôn từ đầu năm 2012, nhưng mọi vấn đề về thôn được Trung nắm khá kỹ. Không cần sổ sách gì, Trung kể: Năm 1991, cả thôn chỉ có 24 hộ dân, toàn bộ là đồng bào Dao Tiền ở nơi khác, khi nghe tin bãi vàng Ma Nu nổ ra thì kéo nhau đến đây lập làng, lấy tên là Khau Liêu. Hiện thôn có 47 hộ với 108 khẩu, trong đó 13 hộ nghèo và cận nghèo, có 1 người học đại học, 4 người học trung cấp...

Trung bảo, mang tiếng là sống giữa rừng nhưng ở Khau Liêu không nhà nào có rừng, cũng không có đất đai canh tác, chỉ có một số ít nhà trồng rau để ăn hàng ngày. Nhưng điều đặc biệt là nhà nào cũng có xe máy, và trong thôn có đến 11 ô tô các loại làm phương tiện đi lại. Hầu như nhà nào cũng trang bị bình nóng lạnh và máy giặt để phục vụ cho cuộc sống. “Kỳ tích” ấy được Trưởng thôn Trung giải thích là dân cả thôn chỉ sống dựa vào việc đi mót vàng. Cứ sáng ra, mỗi người 1 cái đục, 1 cái bị, chui vào những hang vàng bị bỏ lại nhiều năm trước để dẹo vàng. Do sống trên “núi vàng” nên nhà nào trong thôn cũng có đầu nghiền quặng, trẻ em chỉ 10 tuổi đã thành thạo việc cạo máng vàng, và dùng đèn khò để lấy vàng sau mỗi ngày.

Theo lời Trung và đám thanh niên, làm dẹo vàng nhiều lúc cũng gặp may không khác gì chủ hang trúng ục. 2 tháng trước, đứa em con nhà chú của Trung trong khi đi lấy nước từ suối về ngồi nghỉ đã phát hiện ra một lớp đá màu tiết gà, nghi là quặng vàng nên về nhà vác cuốc lên đào. Đào được hơn chục bao quặng, mang về nhà xay, trong vòng một buổi chiều đã thu được 34 cây vàng, cả nhà sướng như phát điên. Nghề làm dẹo vàng thì không chỉ có người dân thôn Khau Liêu mới ham, mà ngay cả một số công chức ở tỉnh Bắc Kạn cũng tranh thủ nghỉ phép vào những hang vàng ở Ma Nu để đục đẽo...

Nhảy dù vào bãi vàng

Về quản lý nhà nước thì chỉ mỗi 47 hộ dân ở thôn Khau Liêu là nằm trong diện quản lý của xã Thượng Quan, nhưng hiện nay trong bãi vàng Ma Nu có đến gần 100 hộ gia đình không thuộc đơn vị hành chính nào. Họ đều là những người “nhảy dù” vào bãi để làm vàng, thấy ngon ăn là quyết tâm cắm chốt lại. Khi chúng tôi có mặt, anh Nguyễn Văn Sinh (50 tuổi, quê Nam Sách, Hải Dương) đang cho công nhân tháo đầu nghiền mang vào nhà cất vì “nghe tin sắp có đoàn kiểm tra lên giải toả bãi vàng nên nghỉ ít hôm”. Tuy đã có vợ ở quê, nhưng hơn 10 năm trước theo đoàn quân đào vàng lên đây, Sinh phải lòng cô gái người Dao và lập luôn “phòng nhì” ở bãi vàng. Sau đó anh mua máy móc, gọi anh em bạn bè ở dưới quê lên làm cùng. Hiện tại, anh Sinh đã có 2 con với vợ bé, và sống ở đây đã hơn 10 năm nhưng cũng chẳng biết mình thuộc xã nào quản lý...

“Em kiêm cả trưởng thôn và cán bộ y tế thôn bản, mỗi tháng phụ cấp được 1,2 triệu đồng, nếu không tranh thủ đi dẹo vàng thêm thì 2 vợ chồng chết đói”.

Cũng là người từ nơi khác đến đây dựng nhà làm vàng, vợ chồng Minh- Duyên từ tay không đã mua được chiếc xe tải hơn 1 tỷ đồng, có cả máy xúc cho thuê khai thác vàng... nhưng họ cũng không nằm trong diện quản lý của xã Thượng Quan. Minh cho biết, tuy sống trong bãi này, nhưng con cái đều gửi đi nơi khác học cả, nhớ con quá thì phóng xe hơi đi thăm con thôi. Ở vùng bãi vàng này chỉ có trường cấp I mà học lớp ghép, nên vợ chồng Minh cũng không muốn để con theo học.

Một lãnh đạo Công an huyện Ngân Sơn có mặt tại chốt kiểm tra cho biết, những hộ dân làm nghề dẹo vàng vô cùng khó quản lý, họ không đăng ký hộ khẩu hay tạm trú vào một đơn vị hành chính nào, chúng tôi phải cử cán bộ chiến sĩ đi đến từng nhà để kê khai. Người dân đã làm nhà sinh sống ổn định ở đây rồi lại rất khó giải toả. Do vậy, hàng năm cái làng làm nghề “toóc vét” này ngày một phình ra giữa bãi vàng mà chưa biết cách nào ngăn chặn cho có hiệu quả.

Kỳ 3: Bất lực trước vàng tặc

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem