"Ma trận" đồ ăn vặt lạ bủa vây ở cổng trường: Có dẹp bỏ được không?

Gia Khiêm Thứ hai, ngày 08/05/2023 06:27 AM (GMT+7)
Việc thực phẩm, đồ ăn vặt tiềm ẩn những nguy cơ an toàn thực phẩm, thậm chí có hiện tượng kẻ xấu dụ dỗ học sinh hút thuốc lá điện tử, tặng tiền đã và đang ảnh hưởng đến sức khoẻ lứa tuổi học đường. Liệu có dẹp được tình trạng này không?
Bình luận 0

Có dẹp bỏ được hàng quán ăn vặt cổng trường?

Trước thực trạng "ma trận" đồ ăn vặt lạ bủa vây ở cổng trường, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho hay, việc nhiều trẻ em sử dụng đồ ăn mất an toàn tại khu vực quanh cổng trường đã được cảnh báo từ lâu xong nhiều phụ huynh vẫn lơ là, không quan tâm.

"Ma trận" đồ ăn vặt lạ bủa vây ở cổng trường: Có dẹp bỏ được không? - Ảnh 1.

Quán ăn vặt vỉa hè vây quanh khu vực Trường tiểu học Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

"Bản thân người bán đồ ăn vặt ở quanh khu vực cổng trường cũng tốt chứ không có ý định gì hại trẻ nhỏ khi họ cũng muốn sinh kế. Tuy nhiên, có sự lỏng lẻo không ai quản lý. Những loại đồ ăn không có lợi cho sức khỏe, người sản xuất không có trách nhiệm nên cứ hàng ngày đến tay học sinh. Thực tế, có những người sản xuất, buôn bán có trách nhiệm, nhưng vì lợi nhuận nên sẽ bán đồ không đảm bảo. Đã rẻ mà còn sinh ra lợi nhuận nữa sẽ khó có thể đảm bảo sự an toàn", ông Thịnh nhấn mạnh.

Theo ông Thịnh, thức ăn ở cổng trường chủ yếu là đồ nướng, rán, chế biến sẵn, rồi bim bim, bỏng ngô, các loại kẹo, đồ uống chứa nhiều phẩm màu... đều có khả năng gây độc hại cho trẻ con. Nếu cứ ăn thường xuyên sẽ khiến cho trẻ em rất sớm tiếp cận với những tác nhân có nguy cơ gây ung thư.

"Ma trận" đồ ăn vặt lạ bủa vây ở cổng trường: Có dẹp bỏ được không? - Ảnh 2.

Nhiều gói bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ học sinh. Ảnh: Gia Khiêm

Đồng quan điểm trên, PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho hay, những thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản, chế biến theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ dễ gây ra các nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Theo bà Lâm, việc sử dụng thực phẩm không an toàn có thể gây ra các triệu chứng cấp tính tức thời như: đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm… 

"Về lâu dài, việc tiêu thụ các thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể và dễ gây ra các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì… Đặc biệt, các chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng… còn tồn dư trong các loại thực phẩm không nguồn gốc sẽ từ từ ngấm vào cơ thể, sau đó tích tụ lại gây bệnh ung thư", bà Lâm lưu ý.

"Ma trận" đồ ăn vặt lạ bủa vây ở cổng trường: Có dẹp bỏ được không? - Ảnh 3.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, ban giám hiệu nhà trường, hội đồng phụ huynh có trách nhiệm rất quan trọng trong việc tìm ra biện pháp hợp lý để người khác không bán những hàng hoá thực phẩm không đảm bảo an toàn. Ảnh: Gia Khiêm

Chia sẻ về giải pháp, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, chúng ta phải xác định trách nhiệm xã hội của vấn đề này bởi không xảy ra thường xuyên, hàng ngày nhưng chỉ cần không lâu lại xảy ra vụ việc ngộ độc thực phẩm sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ trong quá trình học tập của lứa tuổi học trò. 

"Trước hết phải khẳng định, Ban giám hiệu nhà trường, hội đồng phụ huynh phải có trách nhiệm trước vấn đề quan sát, tìm ra biện pháp hợp lý để người khác không bán những hàng hoá thực phẩm không đảm bảo an toàn. Bố mẹ khuyên răn các con không nên ăn vặt ở cổng trường. Nhà trường tuyên truyền học sinh không được mang đồ ăn vặt vào lớp. Việc này vừa vận động, vừa giáo dục trẻ tác hại của đồ ăn vặt và vừa dùng biện pháp đoàn thể đưa phong trào vệ sinh lịch sự để trẻ noi theo", ông Thịnh nói thêm.

Lo ngại học sinh bị dụ dỗ sử dụng thực phẩm đồ uống pha trộn ma túy 

Bên cạnh lo ngại về đồ ăn vặt quanh cổng trường, thời gian gần đây, nhiều trường tại Hà Nội đã phát đi cảnh báo phụ huynh, học sinh về hiện tượng kẻ xấu dụ dỗ học sinh hút thuốc lá điện tử, tặng tiền, thậm chí tinh vi hơn đó là pha trộn chất gây nghiện vào thực phẩm, đồ uống...

Trước vấn đề này, thượng tá Phạm Quỳnh, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay, trên thị trường, ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp có mẫu mã, hình thức, thành phần chất ma túy, chất gây nghiện, chất hướng thần mới. Ma túy thậm chí được pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống. Đây là thủ đoạn tinh vi của tội phạm nhằm che giấu cơ quan chức năng để vận chuyển, mua bán trót lọt, thực chất đó là ma túy pha trộn với thực phẩm và đồ uống.

"Ma trận" đồ ăn vặt lạ bủa vây ở cổng trường: Có dẹp bỏ được không? - Ảnh 4.

UBND Quận Ba Đình, Hà Nội hồi tháng 3 vừa qua cũng đã phát đi cảnh báo hiện tượng kẻ xấu rủ rê học sinh hút thuốc lá điện tử. Ảnh chụp màn hình

"Từ thực tiễn công tác nắm tình hình, đấu tranh tội phạm ma túy, cũng như qua các vụ bắt giữ, cho thấy các đối tượng thường pha trộn ma túy trong thực phẩm chủ yếu để thuận lợi trong giao dịch, mua bán, vận chuyển nhằm hạn chế sự kiểm tra, phát hiện của cơ quan chức năng cũng như là đáp ứng nhu cầu của khách hàng là có thể mang ma túy về cất giấu trong nhà mà người thân trong gia đình không phát hiện được. 

Đối với các loại thực phẩm chứa ma túy được các đối tượng sản xuất với hình thức, màu sắc, mùi vị không khác gì thực phẩm thông thường. Do đó, nếu chỉ thông qua cảm quan như nhìn, ngửi hoặc chạm vào thì không phân biệt được, chỉ có thể xác định thực phẩm có chứa chất ma túy hay không thông qua công tác giám định hàm lượng chất ma túy trong thực phẩm hoặc thông qua các biểu hiện bất thường về tâm sinh lý của người sử dụng", thượng tá Quỳnh cho hay.

Theo thượng tá Quỳnh, mỗi một loại ma túy có tác động khác nhau đến tâm, sinh lý của người sử dụng. Việc sử dụng thực phẩm chứa chất ma túy cũng gây hại lên cơ thể người sử dụng tương tự như sử dụng ma túy trực tiếp và quan trọng là nó sẽ gây ra tình trạng "nghiện" ở người sử dụng, tức là lệ thuộc hoàn toàn vào chất ma túy, sử dụng một thời gian sẽ dẫn đến tình trạng "rối loạn thần kinh" thậm chí có thể gây nguy cơ tử vong nếu sử dụng quá mức độ chịu đựng của cơ thể (hay còn gọi là "sốc ma túy").

"Đối với môi trường học đường, nếu như học sinh, sinh viên sử dụng ma túy (dưới bất cứ hình thức nào kể cả thông qua các loại thực phẩm có chứa ma túy) sẽ dẫn đến việc những người đó sẽ không còn hứng thú với việc rèn luyện và tiếp thu các kiến thức cần thiết mà chỉ có xu hướng muốn hưởng thụ các tệ nạn xã hội. 

Không chỉ vậy, các đối tượng này có thể sẽ lôi kéo thêm những bạn học của mình tham gia vào tệ nạn ma túy thậm chí hoạt động phạm tội về ma túy. Đặc biệt đáng lo ngại khi học sinh sử dụng ma túy dẫn đến tình trạng ảo giác, loạn thần sẽ có nguy cơ tự thương, tự sát hoặc gây nguy hiểm cho những người bạn học cùng gây mất an toàn học đường và dư luận xấu trong xã hội", thượng tá Quỳnh nói.

Để phòng ngừa việc học sinh sử dụng các loại thực phẩm có chứa chất ma túy, thượng tá Quỳnh cho rằng cha mẹ, học sinh và nhà trường trước hết phải thường xuyên cập nhật các tin từ về hình ảnh cũng như thủ đoạn mới của tội phạm ma túy thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hoạt động truyền thông của cơ quan chức năng. Trên cơ sở này, chính phụ huynh sẽ nâng cao kiến thức và kỹ năng cảnh giác trước sự lôi kéo của các đối tượng.

Bên cạnh đó, nhà trường và phụ huynh cần thường xuyên quan tâm, kiểm soát chặt chẽ sinh hoạt và các mối quan hệ của học sinh, khi phát hiện các biểu hiện bất thường cần sử dụng các biện pháp y tế tại gia đình hoặc phối hợp với cơ quan y tế địa phương xét nghiệm ma túy cho học sinh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem