“Mắc kẹt” trong thương chiến Mỹ - Trung, Việt Nam đối đầu “đội lốt thương mại, đầu tư”

Lê Thúy Thứ ba, ngày 27/08/2019 06:30 AM (GMT+7)
Theo các chuyên gia, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang đang khiến tăng trưởng kinh tế thế giới, Trung Quốc và Mỹ bị chậm lại và có thể suy giảm mạnh. Trong khi đó, các nền kinh tế khác bị "mắc kẹt" trong cuộc chiến này vì cả hai đều là đối tác kinh tế quan trọng của nhiều nước. Riêng với Việt Nam, vấn đề "đội lốt thương mại, đầu tư" đang và tiếp tục diễn biến phức tạp.
Bình luận 0

img

Ảnh minh họa

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến khó lường với mức độ ngày càng gia tăng kể từ tháng 3/2018 đến nay. Ngày 23/8/2019, căng thẳng thương mại giữa hai nước được đẩy lên nấc cao mới khi hai bên tuyên bố sẽ áp mức thuế quan cao hơn để trả đũa lẫn nhau.

Lấy lòng cử tri bằng thỏa thuận thương mại Mỹ - Nhật?

Theo đó, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp mức thuế 5 hoặc 10% đối với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ (hiệu lực từ ngày 1/9 và 15/12/2019). Ngoài ra, đối với hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Mỹ là ô tô và phụ tùng ô tô, Trung Quốc sẽ áp thêm thuế lần lượt là 25% và 5%, từ 15/12/2019.

Ngay lập tức, Tổng thống Donald Trump tuyên bố đáp trả bằng cách sẽ nâng mức thuế lên 30% (thay vì mức đang áp dụng 25%) đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc (hiệu lực từ ngày 1/10/2019) và sẽ áp mức thuế 15% đối với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại từ Trung Quốc từ 1/9/2019 (thay cho mức 10% như kế hoạch trước đó; trong đó có một số mặt hàng sẽ bị áp thuế từ 15/12/2019); đồng thời, Mỹ cũng tuyên bố có kế hoạch có thể rút các doanh nghiệp Mỹ ra khỏi Trung Quốc.

Như vậy, nếu không có gì thay đổi, gần như toàn bộ hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước sẽ bị áp thuế cao hơn, với thời điểm xa nhất là ngày 15/12/2019. Tuy nhiên, sáng ngày 26/8/2019, Chính phủ Trung Quốc cũng đã dịu giọng hơn và tuyên bố sẵn sàng đàm phán. Dù vậy, diễn biến của cuộc thương chiến này vẫn rất khó lường và có thể lan rộng sang các lĩnh vực khác như công nghệ, đất hiếm, tài chính…

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), động thái mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đang trái với suy luận chung của thị trường về việc ông Donald Trump cần đạt được thỏa thuận với phía Trung Quốc nhằm ghi điểm trước cử tri. Tổng thống Trump đã gây bất ngờ khi tuyên bố sẵn sàng hy sinh ngắn hạn để có thể đạt được 1 chiến thắng lâu dài cho nước Mỹ.

BVSC cho rằng, động thái đáp trả của Mỹ cho phía Trung Quốc không thể sử dụng việc cuộc bầu cử đang đến gần để đẩy chính quyền Donald Trump vào thế yếu trên bàn đàm phán và đồng thời giúp cho ông ghi thêm điểm trong mắt các cử tri như một vị tổng thống sẵn sàng đặt lợi ích quốc gia lên trên mục đích cá nhân.

“Để giải quyết bài toán nông sản dư thừa cho nông dân Mỹ, nhiều khả năng Mỹ và Nhật sẽ có thỏa thuận thương mại và có thể sẽ ký ngay trong tháng 9 tới. Qua đó, Nhật Bản sẽ nhập khẩu các nông sản bị dư thừa sản lượng do chiến tranh thương mại Mỹ – Trung như ngô. Điều này có thể giúp cho ông Donald Trump làm hài lòng lực lượng cử tri nòng cốt và trung thành của mình”, BVSC nhấn mạnh.

Các nền kinh tế khác bị "mắc kẹt" trong cuộc chiến Mỹ - Trung

Theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, các tổ chức quốc tế (như IMF, WB,...) đều cảnh báo căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang khiến tăng trưởng kinh tế thế giới, Trung Quốc và Mỹ bị chậm lại và có thể suy giảm mạnh. Trong khi đó, các nền kinh tế khác bị "mắc kẹt" trong cuộc chiến này vì cả hai đều là đối tác kinh tế quan trọng của nhiều nước. 

Dẫn chứng cho sự chậm lại và có thể suy giảm mạnh của tăng trưởng kinh tế, nhóm tác giả này cho hay, theo Oxford Economics, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới có thể giảm 0,5 điểm %, của Mỹ sẽ giảm 0,5 điểm % và của Trung Quốc giảm khoảng 1,3 điểm % năm 2020. Gần đây nhất, bộ phận nghiên cứu của Citibank cũng đánh giá, trong hai năm tiếp theo, chính sách áp thuế nêu trên có thể làm tăng trưởng của Trung Quốc giảm từ 1-1,8 điểm %; của Mỹ giảm khoảng 0,1-0,4 điểm % và kinh tế thế giới giảm khoảng 0,2-0,8 điểm %.

img

Tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại và có thể suy giảm mạnh

Đối với nền kinh tế Việt Nam, trong ngắn hạn xuất khẩu của Việt Nam chịu tác động tiêu cực, chủ yếu do cầu giảm, do Trung Quốc thúc đẩy tiêu dùng và bảo hộ thị trường trong nước nhiều hơn, và dịch chuyển đầu tư đòi hỏi thời gian. Trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam chỉ tăng 7,5% (so với mức tăng 15,3% cùng kỳ năm 2018).

Trong dài hạn, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tích cực hơn khi đối tác tìm kiếm hàng hóa thay thế và các cơ sở sản xuất mới sau khi dịch chuyển đầu tư bắt đầu kinh doanh và xuất khẩu. Đối với ngành hàng, nếu doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành hàng như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thủy sản, đồ gỗ, nội thất… nhanh nhạy, chủ động thông tin, tìm ra những lợi thế để khai thác, tranh thủ cơ hội để vươn lên, chiếm lĩnh thị phần, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng được tiêu chuẩn, nhu cầu và tăng khả năng xuất khẩu, thì sẽ nắm bắt cơ hội tốt hơn.

Ngược lại, với thị trường trong nước, các ngành hàng như thép, da giầy, dệt may, nông sản, hàng điện tử,… sẽ chịu thêm áp lực cạnh tranh khi các mặt hàng này có thể dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế.

img

Kinh tế Việt Nam trong năm 2020 vẫn tăng khá (6,5-6,6%), nhưng sẽ thấp hơn so với năm 2019 (6,7-6,8%).

Về đầu tư, hiện tượng dịch chuyển dòng vốn đầu tư sản xuất từ Trung Quốc, Hồng Kông sang ASEAN và Việt Nam đã xuất hiện, trong đó Việt Nam được đánh giá tương đối tích cực.

Cùng với đó, thị trường bất động sản công nghiệp cũng sẽ hưởng lợi. Trong 7 tháng năm 2019, có sự dịch chuyển vốn đáng chú ý của các nhà đầu tư Trung Quốc và Hồng Kong vào Việt Nam với tổng vốn FDI đạt gần 7,6 tỷ USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước, chiếm 19,5% tỷ trọng vốn đăng ký FDI vào Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đề "đội lốt thương mại, đầu tư" đang và tiếp tục diễn biến phức tạp; đòi hỏi Việt Nam tỉnh táo ngăn chặn, sàng lọc và chủ động tăng khả năng hấp thụ.

Ngoài ra, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã và đang làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu; gây ra gián đoạn, trì hoãn sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp FDI ở nhiều nước tham gia chuỗi, trong đó có Việt Nam. Bộ phận nghiên cứu của Citibank nhận định Việt Nam, Đài Loan, Thái Lan và Hàn Quốc chịu ảnh hưởng khá lớn trong rủi ro chuỗi cung ứng.

Với diễn biến như trên, nhóm tác giả của BIDV có cùng quan điểm với nhận định của các tổ chức lớn (như WB, IMF, ADB….) dự báo kinh tế Việt Nam trong năm 2020 vẫn tăng khá (6,5-6,6%), nhưng sẽ thấp hơn so với năm 2019 (6,7-6,8%).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem