Mâm cúng ông Táo 23 tháng Chạp ở miền Nam phải có thứ kẹo này

Đông Hoàng Thứ tư, ngày 15/01/2020 09:31 AM (GMT+7)
Lễ cúng ông Công ông Táo là tập tục dân gian phổ biến của người dân Việt Nam và diễn ra ở khắp cả 3 miền Bắc-Trung-Nam. Tuy nhiên, mỗi miền có những khác biệt trong việc tiến hành, trong đó có việc chuẩn bị cho mâm cúng ông Táo 23 tháng Chạp. Đối với người miền Nam, dứt khoát mâm cúng ông Táo 23 tháng Chạp, lễ ông Táo phải có kẹo mè đen, có nơi gọi là kẹo "thèo lèo cứt chuột".
Bình luận 0

Cứ đến ngày 23/12 âm lịch tức ngày 23 tháng Chạp, người miền Nam lại tiến hành Lễ tiễn ông Táo về trời. Ông Táo tương truyền là ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân.

Theo quan niệm dân gian, ông Táo là người cứ đến ngày 23 tháng Chạp là phải lên chầu trời, diện kiến Ngọc Hoàng thượng đế tấu trình những việc làm của gia chủ trong một năm vừa qua.

Việc chuẩn bị mâm cúng ông Táo 23 tháng Chạp ở mỗi vùng miền có sự khác nhau bởi quan niệm, hàm ý mong muốn hành trình ông Táo lên chầu trời và trở về diễn ra xuôn xẻ, mang lại sự may mắn cho gia chủ trong năm mới.

Đối với người miền Nam, mâm cúng ông Táo 23 tháng Chạp rất là đơn giản, bao gồm nhang đèn, 3 chung nước nhỏ, bộ "cò bay ngựa nhảy" và đặc biệt món không thể thiếu đó là kẹo mè đen mà nhiều nơi ở miền Nam còn gọi là kẹo "thèo lèo cứt chuột". Kẹo mè đen làm từ các nguyên liệu chính như mè đen, đậu phộng (lạc), đường mạch nha, đường trắng...

img

img

Kẹo mè đen hay còn gọi là kẹo "thèo lèo cứt chuột"-thứ kẹo không thể thiếu trong mâm cúng ông Táo 23 tháng Chạp của nhiều gia đình ở miền Nam. Ảnh: Internet.

Đến bây giờ nhiều người miền Nam cũng không rõ tại sao lại gọi thứ kẹo trong mâm cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp là kẹo "thèo lèo cứt chuột". Có người lý giải gọi như vậy là do những hạt mè đen trong kẹo về màu sắc hình dáng như viên cứt chuột. Đây thực ra chỉ là cách lý giải đơn giản hóa, trực quan hóa mang tính phổ biến.

Có một cách giải thích khác là miền Nam là khu vực có nhiều người gốc Hoa sinh sống nên một số phong tục dân gian, kể cả chuẩn bị mâm cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp cũng ít nhiều ảnh hưởng. Theo đó,"Thèo Lèo" là tiếng Triều Châu (Trung Quốc) đọc chữ Trà Liệu 茶料 mà ra nghĩa là "vật liệu dùng để ăn khi uống nước trà". Người miền Nam nghe Hoa kiều Triều Châu phát âm nghe như tề liếu/tề léo nên phiên thành thèo lèo. Còn "cứt chuột" là do người Việt Nam thêm vào dựa trên hình dáng, màu sắc của các hạt mè đen trên thanh kẹo?!

Đối với người miền Bắc thì vật cúng không thể thiếu trong mâm cúng ông Táo 23 tháng Chạp là con cá chép, nhiều nơi cúng cá chép còn sông, nhưng cũng có gia đình cúng cá chép bằng giấy thường có ở các cửa hàng, gian hàng bán đồ cúng ông Công ông Táo.

Đối với người miền Trung, lễ cúng, mâm cúng ông Táo 23 tháng Chạp không thể thiếu ngựa giấy với hàm ý mong muốn hành trình ông Táo chầu trời diễn ra xuôn xẻ, thuận buồm xuôi gió...

Dù có một số điểm khác nhau trong lễ cúng ông Công ông Táo giữa 3 miền Bắc-Trung-Nam, nhất là khác nhau trong chuẩn bị mâm cúng ông Táo 23 tháng Chạp, nhưng tựu trung lại đều mang ý nghĩa dọn dẹp, nhìn lại những việc năm cũ, cầu mong, hướng tới một năm mới với nhiều sức khỏe, may mắn, an khang, thịnh vượng...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem