Mầm non chất lượng cao - Xả láng tự phong

Chủ nhật, ngày 22/04/2012 06:46 AM (GMT+7)
Ngay cả những trường công lập dẫn đầu Thủ đô về chất lượng giáo dục vẫn đang phải dò dẫm “tìm đường” thì nhiều trường mầm non trong khối tư thục lại thoải mái… trưng biển trường chất lượng cao để hút học sinh.
Bình luận 0

Trường chất lượng cao trên biển hiệu

Trường mẫu giáo Mai Ca nằm ở ngõ 19A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. Không có sân chơi cho trẻ, lớp học dành cho trẻ dưới 3 tuổi chỉ rộng khoảng 20 m2 với trên 10 trẻ đứng ngồi. Thế nhưng, tấm biển hiệu treo cao ngay mặt đường Nguyễn Trãi vẫn ghi “trường chất lượng cao”. Chủ trường Mai Ca cho biết, gọi là trường “chất lượng cao” vì tại đây trẻ được học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài, được học nhiều môn năng khiếu và ăn 3 bữa… ngon tại trường…

img
Không phải trường mầm non nào cũng đạt tiêu chuẩn. Ảnh chỉ có tính minh họa.

Một trường tư thục khác mang tên Việt Hưng cũng trưng biển chất lượng cao chỉ là một ngôi nhà 4 tầng, nằm ngay sát mặt đường Vũ Trọng Phụng. Trường hoàn toàn không có không gian, không sân chơi. Ban ngày, ngôi trường luôn đóng cửa sắt kín mít. Vì là nhà ở nên cơ cấu phòng học, lối lên xuống rất chật, không đảm bảo quy chuẩn xây dựng tối thiểu của trường học chứ chưa nói đến… “chất lượng cao”.

Nhân viên tại trường cho biết: PHHS cứ yên tâm vì đã “tìm được môi trường ưu việt nhất cho con yêu” rồi bật mí: “Cố vấn hoạt động của trường là các giáo viên giỏi đang giảng dạy tại trường mầm non Tràng An và Thanh Xuân Nam (hai trường công lập top đầu của quận Thành Xuân)”.

Thế nhưng, trong khi Sở GD-ĐT đã nghiêm cấm các trường không được “dạy chữ” trước cho HS mẫu giáo thì ngay trong tờ quảng cáo, trường “cao cấp” này lại úp mở là có “lớp luyện chữ theo yêu cầu của phụ huynh do cô giáo tiểu học đảm nhiệm”.

“Thê thảm” hơn nữa là trường mầm non Oanh vàng ở ngõ 192 Lê Trọng Tấn. Trưng biển là cao cấp nhưng trường chỉ gồm một gian nhà nhỏ, phía ngoài lợp tôn xanh. Bên trong nhà chia làm hai phòng học cho 2 đối tượng trẻ nhỏ và lớn hơn.

Trong căn phòng bí và nóng phía sau, hơn chục bé đang ngồi bệt trên nền thảm. Phía ngoài, các bé lớn hơn được “nhốt” cả trong một phòng với đồ dùng đồ chơi nghèo nàn. Biết tôi muốn xin học cho con 3 tuổi, chủ trường nhiệt tình quảng cáo: “Con 3 tuổi cũng sẽ được học luôn chương trình 4 tuổi”. Chẳng ai hiểu nổi độ “cao cấp” của trường này nằm ở đâu!

Đó chỉ là 3 trong số rất nhiều trường mầm non đang công khai treo biển chất lượng cao ở Hà Nội. Ngoài ra, còn rất nhiều trường không trưng biển nhưng vẫn được tin tưởng là trường chất lượng cao do mức học phí khủng.

Trên web riêng, trường Vietkids khẳng định “là một chỉnh thể thống nhất các trường tư thục từ mầm non đến tiểu học, được phát triển trên ý tưởng tạo lập một môi trường giáo dục chất lượng cao dành cho học sinh VN”. Sau khi nhập học, trẻ sẽ phải đóng phí nhập học 1,5 triệu (không hoàn lại trong bất kỳ tình huống nào), chi phí (ăn học)/tháng là 2,780 triệu đồng.

Tuy nhiên, nhiều PHHS cho biết, cơ sở mà con em họ đang học ở phố Nguyễn Khuyến khá chật chội, thiếu không gian và dường như yếu tố “cao” mới chỉ… cao rõ ràng ở học phí.

Chưa đạt chuẩn đừng mơ “chất lượng cao”

Theo bà Bùi Thị Sáu, nguyên hiệu trưởng trường mầm non Việt Bun, so với trường công lập, các trường tư thục “thua” về hai yếu tố là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. “Trường tư thục có thể thuê giáo viên trình độ đại học nhưng đa phần là giáo viên trẻ, mới ra trường, trình độ có nhưng kinh nghiệm trông trẻ không nhiều…”.

Thế nhưng, trong khi ngay cả trường công lập hàng đầu TP còn “dè dặt” lúng túng khi “nhận về mình danh hiệu trường chất lượng cao” thì nhiều trường mầm non tư thục, thua trường công nhiều mặt lại xả láng tự phong để hút học sinh.

Bà Bùi Thị Vân Anh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho biết, trong khi trường Mầm non Mai Dịch đang thí điểm cung ứng dịch vụ chất lượng cao chỉ thu học phí ở mức 850.000 đồng/tháng lớp mẫu giáo và 1 triệu đồng/tháng lớp nhà trẻ thì cùng địa bàn đó, nhiều trường tư thục thu phí tới 200-250 USD/tháng nhưng không có điều kiện sân chơi, các dịch vụ cung ứng chưa đảm bảo chất lượng cao. Các trường này tự nhận là trường chất lượng cao vì đưa vào trường chương trình học tiếng Anh với thầy Tây.

Theo bà Sáu, chất lượng cao không phải chỉ là phòng học lát sàn gỗ, điều hòa hay.. có thầy Tây dạy tiếng Anh. “Khi trẻ đi học, ngoài việc được ăn uống tốt, các em còn phải vận động, được tắm nắng, có sân chơi ngoài trời… Trước khi đạt chất lượng cao, trường phải đảm bảo tiêu chuẩn của một trường mầm non.

Hiện nay, Hà Nội mới chỉ có một trường như trường mầm non tư thục Minh Hải được công nhận là trường chuẩn quốc gia. Phần lớn các trường mầm non tư thục còn lại đều không chuẩn về diện tích/đầu trẻ. Thậm chí, nếu theo dự thảo quy định về chuẩn thiết bị đồ chơi ngoài trời, sân chơi phải có ít nhất 20 loại thiết bị đồ chơi để phục vụ các kỹ năng tối thiểu của trẻ như chạy nhảy bò luồn, cúi leo trèo… thì các trường tư thục càng khó “đạt chuẩn” của trường mầm non chứ chưa nói là trường “chất lượng cao”.

Bà Sáu cho rằng, chúng ta cần quản lý chặt, không nên để tình trạng “trưng biển chất lượng cao tràn lan” khiến PHHS bị “nhiễu”. Còn chính PHHS cũng phải tỉnh táo khi chọn trường cho con, không nên quá tin vào “biển chất lượng cao” cũng như những dịch vụ “có tên kêu” mà trường đưa vào để tạo sức hút. Ngoài ra, cần sớm có tiêu chuẩn thống nhất về trường chất lượng cao để trường và PHHS có căn cứ đánh giá, thẩm định thay vì chọn trường qua biển hiệu như hiện nay.

Theo Phụ nữ Thủ đô
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem