Với người dân vùng bãi ngang Lộc Hà, họ chẳng nhớ được cái nghề này gắn bó với mình từ bao giờ, lúc nhỏ họ theo bố mẹ ra biển, sau dần cứ thế nghề đi thụt lùi ăn sâu vào đời sống của họ.
Với dụng cụ rất thô sơ là chiếc cán tre dài khoảng 2 mét, cuối thân là một lưỡi bằng thép được uốn hình chữ U, cứ thế họ đi thụt lùi trên biển để tìm những con ngao nằm vùi sâu trong lòng cát.
Mùa nạo ngao bắt đầu từ tháng 3 đến hết tháng 7 dương lịch; nạo phụ thuộc vào con nước, thường từ 5h sáng cho đến 11h trưa mới kết thúc.
Khi cào ngao phải cúi khom người, hai tay nắm chắc dây và thanh tre, dùng lực ấn mạnh lưỡi nạo xuống cát, sâu khoảng 10 cm, cứ thế đi thụt lùi.
Để bắt được ngao, không chỉ phải dùng lực tay ấn mạnh mà ngư dân còn phải kết hợp điêu luyện cả đôi chân, khi gặp được ngao phía chân nào thì dùng chân bên đó để bắt .
Loại ngao lớn được bán với giá 40 nghìn đồng, loại nhỏ 20 đến 30 nghìn đồng/kg.
Mỗi lần ra biển, một người dân kiếm được khoảng từ 120 nghìn đến 150 nghìn đồng.
Để có số tiền ít ỏi trên, mỗi người dân nơi đây phải dầm mình 5 đến 6 tiếng đồng hồ dưới làn nước biển mặn chát. Nếu không cẩn thận, sức khỏe yếu có thể bị sóng biển đánh ngã, thậm chí bị cuốn ra xa.
Nụ cười hạnh phúc khi hôm nay con nước lên nhanh, cuốn lượng ngao vào bờ nhiều, ngư dân kiếm được khoản tiền kha khá.
Anh Tấn (Báo Hà Tĩnh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.