|
Ông Lò Văn Bun chăm sóc vườn cà phê hơn 10 năm tuổi. |
Trong căn nhà ngói 7 gian vững chãi dưới chân núi Pu Ta Cao, ông Bun kể cho tôi nghe về những tháng ngày đói khổ của người dân Noong Lào cách đây hơn một thập kỷ.
“Thung lũng chết”
Xưa kia, Noong Lào vốn là nơi ngụ cư của đồng bào Xá. Nhưng “thung lũng chết” này chẳng có nguồn nước nào đáng kể để họ có thể đảm bảo lấy nửa năm no ấm, tất tật trông chờ vào cây trồng trên nương. Gặp năm thiên tai, mất mùa coi như củ nâu cầm bữa - gốc chuối cầm hơi. Rồi sức chịu đựng cũng đến cái ngưỡng cuối cùng, người Xá rời đi định canh nơi khác, không một lời tạm biệt đất Noong Lào.
Tiếp quản vùng đất này, ban đầu bà con người Thái ở Chiềng Pha cũng chỉ coi Noong Lào là mảnh đất nương cằn để làm thêm bát cơm, củ sắn. Thế rồi đất chật, người đông, dân kéo dần ra lập bản, bám vào sườn núi Pu Ta Cao và Pu Tếnh Hươn mà dựng nhà, lập nghiệp.
Gần chục năm nay, người Noong Lào không còn ai sợ đói, chỉ lo làm giàu thôi.
Ông Lò Văn Bun
Dẫu chăm chỉ làm ăn, chịu khó khai hoang, tăng gia trồng trọt nhưng do địa hình cao, dốc nên dù có tổng diện tích gần 100ha đất, cả bản cũng chẳng thể nào có lấy một mét đất ruộng. Người Thái Noong Lào lại tiếp tục sự nghiệp "dệt hay" (làm nương) thuần khiết như người Xá khi xưa, để no - đói tại trời...
Mở lối sản xuất hàng hoá
Noong Lào hôm nay ngợp màu xanh của chè và cà phê; thấp thoáng dưới các sườn đồi là những ngôi nhà lợp ngói to, rộng, ấm áp tiếng tivi, loa đài. "Hơn 10 năm trước, nhà nước đưa cây cà phê, cây chè vào đây vận động chúng tôi trồng.
Đang đói nghèo, thấy bảo cây nào cũng sau 3-5 năm mới có thu hoạch nên dù cán bộ vận động đến mỏi mồm dân vẫn lắc đầu quầy quậy. Khi ấy tôi cũng lo lắm, chỉ lo miếng ăn trong nhà mà cái bồ thóc đã đầy bao giờ đâu. 7 đứa con như 7 cái tàu há mồm, chúng chén một ngày tới cả yến lương thực, bớt đi ha đất nương là bớt đi miếng ăn của con cái mình.
Thêm vào đó, cây chè ở đất này từng phát triển mạnh trong thập kỷ 80 trước rồi lại chìm xuống, phải phá chè để làm nương cho khỏi đói. Nhưng tôi lại nghĩ, chả lẽ nhà nước lại muốn dân nghèo? Vậy là tôi vận động được hơn 10 hộ mạnh dạn tham gia trồng cây công nghiệp" - ông Bun kể.
Nói là mạnh dạn nhưng thực ra ngày ấy các hộ tiên phong cũng chỉ dám bỏ ra 1.000 - 2.000m2 đất nương để trồng cà phê, chè, vừa mang tính chất động viên cán bộ tuyên truyền, vừa để thử nghiệm cái mới và không sợ cây công nghiệp làm họ đói. Ông Bun cho biết: "Sau 3 năm, thấy chè, cà phê cho thu hoạch, hiệu quả hơn hẳn cây sắn, cây ngô, tôi lại vận động mọi người nâng diện tích lên. Bây giờ thì hầu hết diện tích ở đây là cà phê và chè rồi. Gần chục năm nay, người Noong Lào không còn ai sợ đói, chỉ lo làm giàu thôi".
Đến với những hộ trong bản, như gia đình ông Chum, ông Thuông, ông Pâng... chúng tôi được chứng kiến cuộc sống khá giả nhờ mức thu cao tới cả trăm triệu đồng/hộ/năm. Nói về sự đi lên của Noong Lào, ông Lò Văn Pâng một người dân ở bản Noong Lào, gật gù: “Ấy cũng là nhờ có những người mạnh dạn đi đầu như ông Bun... Chúng tôi tín nhiệm và bầu ông ấy làm Bí thư chi bộ bản Noong Lào hơn chục năm nay rồi đấy".
Kiều Thiện
Vui lòng nhập nội dung bình luận.