Mang sinh kế về Thắng Mố

Đỗ Nga Thứ ba, ngày 13/07/2021 09:27 AM (GMT+7)
Thay vì trao "con cá" cho người dân nghèo tại xã biên giới Thắng Mố, các mạnh thường quân Hà Giang đã trao "cần câu" để bà con tự tạo ra kinh tế, có được thu nhập, tự thoát khỏi cái nghèo.
Bình luận 0

Vùng biên giới chồng chất khó khăn

Thắng Mố là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.

Theo ông Vàng Mí Dình - Bí thư Đảng ủy xã Thắng Mố, năm 2020, có 195 hộ trên tổng số 487 hộ dân xã Thắng Mố là hộ nghèo, chiếm 40,04%, 59 hộ cận nghèo, chiếm 12,11%.

Người dân xã Thắng Mố hầu hết là đồng bào các dân tộc thiểu số sống chung với núi đá khô cằn, quanh năm ăn mèn mén. Đất sản xuất nông nghiệp rất ít ỏi, nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế chưa cao dẫn đến chăn nuôi chưa phát triển.

Bà con sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp nhưng không trồng được lúa do thiếu nước chỉ trồng ngô một vụ và một số cây rau đậu.

anh-3.jpg

Xã Thắng Mố nằm trong khu vực khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, thiếu nước nhưng lại có thảm rừng trúc xanh quanh năm. Ảnh: Đỗ Quỳnh

Cuộc sống của bà con càng khó khăn hơn do khí hậu khắc nghiệt, từ tháng 11 dương lịch năm trước đến tháng 4 năm sau hầu như không có mưa. Nước phục vụ cho ăn uống, sinh hoạt, sản xuất chủ yếu từ nguồn tự nhiên thông qua hệ thống các khe suối, hồ, mạch ngầm trên núi, nhưng trữ lượng thấp người dân thường xuyên phải mua từng can nước ở thị trấn cách trung tâm xã 40km.

Ông Vàng Mí Dình cho biết: Năm nay dự kiến sẽ đói hơn nhiều, năng suất cây trồng giảm mạnh vì lượng mưa ít. Thời điểm bón phân cho cây ngô ở 2 giai đoạn đợt 1 và đợt 2 đều khô hạn làm cho cây kém phát triển, khiến cho cuộc sống người dân ngày càng khó khăn.

anh-4.jpg

Người dân xã Thắng Mố đang vót nan trúc để đan lát các sản phẩm quẩy tấu, sọt, mẹt,… Ảnh: Đỗ Quỳnh

Tạo sinh kế bền vững từ nguồn có sẵn

Chị Đỗ Thị Quỳnh - Giám đốc Công Ty TNHH Phát triển Giáo dục vì cộng đồng cao nguyên Hà Giang (EHC) chia sẻ: "Bà con Thắng Mố rất nghèo, nghèo đến mức chỉ có thể ăn ngô và rau rừng sống qua ngày. Rất ít trẻ em được đi học hết cấp 3, các em thường bỏ học từ lớp 7, 8 để lấy vợ/chồng, thậm chí có rất nhiều trường hợp kết hôn cận huyết thống. Cha mẹ chúng bỏ đi nơi khác hoặc sang Trung Quốc làm thuê".

"2-3 năm nay tôi thường xuyên từ thiện lúa, gạo, lương thực,… cho bà con nơi đây. Dần dần tôi nhận thấy bà con có tâm lý trông chờ vào Nhà nước, các đoàn từ thiện. Nhà đổ thì Nhà nước dựng lại, đồ ăn hết có các đoàn từ thiện lo. Thay vì cứ trao "con cá" tôi muốn trao "cần câu" để họ tự tạo ra kinh tế, tự thoát ra khỏi cái nghèo và phải trân trọng những thành quả lao động", chị Quỳnh nói.

Xã Thắng Mố nằm trong khu vực khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, thiếu nước nhưng lại có thảm rừng trúc xanh quanh năm.

Mang sinh kế về Thắng Mố - Ảnh 3.

Bước vào công đoạn cuối cùng để hoàn thiện sản phẩm . Ảnh: Đỗ Quỳnh

 Theo ông Vàng Mí Dình, từ thời xa xưa bà con xã Thắng Mố có nghề truyền thống đan lát chủ yếu đan quẩy tấu, sọt, mẹt,… phục vụ đời sống người dân trong vùng. Nguyên liệu của nghề đan lát truyền thống lấy từ rừng trúc thôn Sủng Pờ rộng khoảng 20 ha được trồng rải rác ở các bìa rừng.

Tuy nhiên, ngày nay, sản phẩm đan lát truyền thống không còn được ưa chuộng, do các sản phẩm công nghiệp ra đời phát triển thay thế như rổ nhựa, sọt nhựa,… có giá thành rẻ hơn, bền hơn hợp với túi tiền người dân. Làng nghề không còn, rừng trúc đẹp không được sử dụng, người dân chỉ lấy về làm củi.

Mang sinh kế về Thắng Mố - Ảnh 4.

Thường mất từ khoảng 2 đến 3 ngày để người dân xã Thắng Mố hoàn thiện được một sản phẩm. Ảnh: Đỗ Quỳnh

Nhìn thấy tiềm năng của "rừng vàng", chị Quỳnh quyết tâm đem sinh kế bền vững đến người dân.

"Họ có nghề và vùng nguyên liệu tốt, nhưng chưa biết tận dụng dẫn đến lãng phí. Tôi muốn cùng họ khôi phục và bảo tồn những giá trị vùng miền, vừa bảo vệ môi trường, tạo công việc ổn định cho bà con, vừa tạo ra nhiều sản phẩm an toàn đối với người tiêu dùng", chị Quỳnh cho biết.

anh-1.jpg

Những sản phẩm đan lát truyền thống của bà con xã Thắng Mố. Ảnh: Đỗ Quỳnh

Chương trình trao sinh kế bền vững hiện đang giúp bà con định hướng sản xuất theo nhu cầu của thị trường, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất bởi chuyên gia đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu. EHC cung cấp nguồn tài chính ứng trước cho việc sản xuất 2 triệu đồng/tháng, được bao tiêu sản phẩm, cam kết hợp tác và hỗ trợ dài hạn từ EHC để có thể phát triển bền vững.

Hiện nay, xã Thắng Mố phát triển chủ yếu 2 dòng sản phẩm, sản phẩm phục vụ cuộc sống như rổ, rá, sọt, mẹt… và các loại sản phẩm làm theo yêu cầu. Các sản phẩm đan lát truyền thống thân thiện với môi trường với giá thành hợp lý từ 100.000 đồng -120.000 đồng/sản phẩm.

Anh Giàng Mí Vư, thôn Sủng Pờ đang tham gia chương trình trao sinh kế bền vững không giấu được vui mừng kể: "Ngày trước nghèo, tôi phải đi làm thuê bên Trung Quốc, nhưng giờ có nghề rồi, mỗi tháng được trả 2 triệu đồng, nhà tôi đã có cơm ăn, trẻ con được đi học. Tôi thấy rất vui khi được EHC trao "cần câu" để ổn định cuộc sống.

Tôi rất tự hào khi có thể đóng góp một phần sức lực giúp đỡ người dân. Tôi mong muốn sẽ kết nối được với thêm nhiều doanh nghiệp, cơ sở tiêu thụ hàng mây tre đan, để từ đó làng nghề phát triển, tạo công ăn việc làm ổn định cuộc sống. Đặc biệt, tôi muốn những đứa trẻ ở bản sẽ được cắp sách tới trường, mai này về xây dựng bản làng thoát cái nghèo, cái đói."


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem