Mang thai hộ: Hoạt động ngầm mới nổi tại biên giới Quảng Ninh

Nguyễn Quý Thứ năm, ngày 11/04/2019 09:00 AM (GMT+7)
Tại ngôi nhà treo biển cafe Famyli số 79, tổ 2B, khu 1A, phường Hồng Hải, TP.Hạ Long (Quảng Ninh), người dân thấy thường xuyên xuất hiện một số người phụ nữ đang mang thai với những biểu hiện nghi vấn. Những người này sau khi giao con thành công sang Trung Quốc sẽ nhận được từ 300 đến 340 triệu đồng.
Bình luận 0

Quy trình của những bào thai “mang hộ”

Ngày 10.4, Cơ quan CSĐT Công an TP.Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt khẩn cấp đối với Phạm Thị Huế, sinh năm 1984, HKTT xã Song Mai, TP.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang và Ninh Thị Hải Yến, sinh năm 1988, ở phường Quán Thánh, quận Ba Đình, TP.Hà Nội về tội danh “Tổ chức mang thai hộ nhằm mục đích thương mại”.

img

Ngôi nhà mà Huế thuê để dưỡng thai cho các sản phụ.

Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an TP.Hạ Long nhận được tin báo của quần chúng nhân dân tại ngôi nhà có treo biển cafe Famyli số 79, tổ 2B, khu 1A, phường Hồng Hải, TP.Hạ Long diễn ra một số hoạt động bất thường, có nghi vấn về việc tổ chức mang thai hộ nhằm mục đích thương mại.

Ngày 13.3.2019, Cơ quan CSĐT Công an TP.Hạ Long đã phối hợp cùng Công an phường Hồng Hải tiến hành kiểm tra nhân, hộ khẩu xác định bên trong ngôi nhà có 3 người đang tạm trú gồm: Phạm Thị Huế, sinh năm 1984, hộ khẩu thường trú tại xã Song Mai, TP.Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang; Trần Văn Khải, sinh năm 1998, hộ khẩu thường trú tại xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình và Phạm Thị Hồng T, sinh năm 1989, đăng ký hộ khẩu thường trú tại TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Do thời điểm kiểm tra không có T ở nhà nên Cơ quan Công an đã triệu tập Huế và Khải về trụ sở để làm việc.

Qua khai thác bước đầu, Huế khai nhận, cuối năm 2017, đối tượng này bán hàng tại Trung Quốc có quen một người đàn ông họ Dương (không rõ thông tin lai lịch, địa chỉ) là giám đốc một bệnh viện Trung Quốc. Huế đã thỏa thuận với giám đốc họ Dương nếu tìm được người Việt Nam sang Trung Quốc mang thai hộ sẽ được số tiền từ 50 đến 60 triệu đồng/người và tiền công chăm sóc người mang thai hộ là 1.000 tệ (tương đương số tiền 3.400.000 đồng/1 người/ tháng).

img

Đối tượng Phạm Thị Huế.

Sau đó, Huế về Việt Nam, thông qua mạng xã hội tìm người Việt Nam sang Trung Quốc mang thai hộ. Huế đã tự liên hệ và tìm được 4 người có nguyện vọng mang thai hộ trong đó có Ninh Thị Hải Yến, sinh năm 1988 ở phường Quán Thánh, quận Ba Đình, TP.Hà Nội. 3 người kia được Huế đưa sang Trung Quốc cấy phôi thành công, riêng Yến không đủ điều kiện để mang thai nhưng cũng đã giới thiệu cho Huế 5 người đủ điều kiện mang thai hộ và số này đã cấy phôi thành công tại Trung Quốc.

Trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 10.2018, Huế đưa toàn bộ số người trên sang một bệnh viện ở Quảng Châu, Trung Quốc, đồng thời đối tượng này được giám đốc họ Dương thuê phiên dịch, chăm sóc cho tổng số 17 người, trong đó có 15 người mang thai và Ninh Thị Hải Yến và Phan Anh (không rõ nhân thân, lai lịch cụ thể).

Cuối tháng 11.2018, giám đốc họ Dương yêu cầu Huế về Việt Nam tìm thuê nhà để đưa một số phụ nữ đang mang thai từ Trung Quốc về chăm sóc. Sau đó đối tượng này đã thuê nhà số nhà 79, tổ 2B, khu 1A, phường Hồng Hải, TP.Hạ Long để chăm sóc cho những người đang mang thai hộ. Thời gian này có một người đã đẻ xong được Huế nhờ đến nấu cơm và chăm sóc những người mang thai trên.

img

Đối tượng Ninh Thị Hải Yến.

Tổng số tiền Huế đã thu được từ việc giới thiệu và chăm sóc 15 người mang thai hộ là 260.000.000 đồng. Ninh Thị Hải Yến được số tiền môi giới người mang thai hộ do Huế trả là 30 triệu đồng. Những người mang thai hộ sau khi giao con thành công sẽ được từ 300.000.000 đồng đến 340.000.000 đồng.

Ngoài ra, tại nhà riêng ở phường Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, Ninh Thị Hải Yến đã môi giới cho một đối tượng tên Thủy (là người Việt Nam hiện đang ở Trung Quốc) 5 người phụ nữ Việt Nam mang thai hộ. Số tiền Yến hưởng lợi qua việc môi giới cho Thủy là 30.000.000 đồng/người.

Huế khai nhận, hiện còn 9 người Việt Nam mang thai hộ đang ở Trung Quốc. Cơ quan CSĐT Công an TP.Hạ Long đã tiến hành khám xét khẩn cấp các đối tượng liên quan thu giữ một số giấy khám sức khỏe của các thai phụ, 1 quyển sổ ghi chép và số tiền liên quan đến việc mua bán thực phẩm chăm sóc những người mang thai.

Hiện Công an TP.Hạ Long đã chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh để tiếp tục xác minh làm rõ nội dung vụ việc.

Buôn người kiểu mới

Trao đổi về vụ việc hồi cuối năm 2018, lực lượng chức năng tại TP.Móng Cái (Quảng Ninh) phát hiện 8 phụ nữ (đều quê ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long) đang mang thai bị đưa đến khu vực biên giới. Đại tá Thái Hồng Công (Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh) cho biết, qua điều tra, 8 phụ nữ này thừa nhận, khoảng tháng 4.2018 đã vượt biên trái phép từ đường biên giới Lạng Sơn sang Quảng Đông, Trung Quốc để tham gia dịch vụ mang thai hộ. Sau khi mang thai, mỗi người được phát hơn 2.000 nhân dân tệ (gần 7 triệu đồng) để chi tiêu sinh hoạt và sống tập trung tại một khu vực do một người Trung Quốc trông coi. Tuy nhiên, sau đó lực lượng công an Trung Quốc phát hiện ra và trục xuất 8 phụ nữ trên về nước qua Móng Cái.

Đáng lưu ý, những phụ nữ này đều xuất thân ở những vùng quê, có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí có người mới 15-16 tuổi. Qua các đối tượng môi giới, họ được gặp đàn ông Trung Quốc, sau đó thụ thai, được một thời gian thì các đối tượng tổ chức vượt biên trái phép sang Trung Quốc với mục đích sinh nở, bàn giao con rồi nhận tiền.

img

Ảnh minh họa.

“Chúng tôi cho rằng đây là hành vi mua bán người với hình thức, thủ đoạn mới hoàn toàn. Trước đây thì họ sinh nở ở Việt Nam rồi mới đưa sang Trung Quốc bán, nhưng bây giờ họ lại đưa phụ nữ đang mang thai sang Trung Quốc chăm sóc để tiện đường giao con. Các trường hợp này đều được xác định là phôi người Việt Nam, gen người Trung Quốc.

Ở đây có dấu hiệu của 2 loại hình tội phạm. Thứ nhất là tổ chức môi giới đưa người đi nước ngoài trái phép, thứ hai là tổ chức mang thai hộ với mục đích thương mại. Với trường hợp 8 phụ nữ nói trên, vì chưa đẻ, chưa giao con nên chúng tôi không xử lý được, chỉ có thể đưa về địa phương”, đại tá Thái Hồng Công nói.

Trước đó, vào ngày 4.12.2018, nhận được tin báo từ quần chúng nhân dân, tổ công tác Công an TP.Móng Cái tiến hành kiểm tra hành chính các phòng nghỉ 204, 303, 305, 307 tại nhà nghi Sa Chi (khu 8, phường Hải Hòa) phát hiện 8 người phụ nữ đang mang thai có biểu hiện nghi vấn.

Danh tính những người này gồm: Trương Thị M (19 tuổi), Nguyễn Thị Kim H (28 tuổi), Lê Thị Triệu V (15 tuổi), Lê Thị Ngọc M (16 tuổi) cùng trú tại tỉnh An Giang; Nguyễn Thị U (23 tuổi) trú tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu; Lê Thị Y (35 tuổi) trú tại huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; Trần Thị L (29 tuổi) và Trần Thị H (30 tuổi) cùng trú tại huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Qua điều tra, 8 phụ nữ này thừa nhận khoảng thời gian từ tháng 4.2018 đã vượt biên trái phép từ đường biên giới Lạng Sơn sang Trung Quốc để mang thai hộ. Đến ngày 30.11.2018 thì bị Công an Trung Quốc phát hiện, bắt giữ và trả về Việt Nam theo đường biên giới tại TP.Móng Cái, sau đó thuê phòng tại địa chỉ trên để nghỉ ngơi.

Không ai biết rằng đã có bao nhiêu phụ nữ Việt Nam mang thai hộ cho người Trung Quốc để kiếm một khoản tiền từ 150 - 300 triệu đồng. Một số người bị bắt giữ rồi trả về Việt Nam khi đang mang thai mới chỉ ở độ tuổi 15-16.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem