Mang thứ bỏ đi về tỉ mẩn, người phụ nữ Nam Định bán được cả nghìn đô/tác phẩm

Hồng Cảnh Thứ hai, ngày 20/09/2021 19:10 PM (GMT+7)
Hơn 30 năm qua, từ những miếng vải vụn đủ màu sắc và chiếc kéo cắt vải, người phụ nữ này đã miệt mài cắt ghép để tạo nên những bức tranh “độc nhất vô nhị”, nhiều người sẵn sàng trả cả nghìn USD/tác phẩm.
Bình luận 0

Sinh ra trong một gia đình có bố là người am hiểu hội họa và đam mê nghệ thuật tại Nam Định, bà Trần Thanh Thục (SN 1960) cho biết, ngay từ nhỏ, bà đã rất thích thú khi được theo chân bố đi vẽ những bức tranh cổ động lớn. Cũng chính từ đây đã nhen nhóm lên tình yêu đối với hội họa và thôi thúc bà theo ngành mỹ thuật.

img

Niềm đam mê với những miếng vải vụn đủ sắc màu đã giúp người họa sĩ này sáng tạo ra những bức tranh độc nhất vô nhị.

Cơ duyên của bà đến với tranh ghép vải cũng hết sức tình cờ vào năm 1980, khi bà đang là sinh viên năm cuối của trường Mỹ Thuật. “Tình cờ khi về quê nghỉ hè, qua nhà cô bạn làm thợ may chơi và nhặt những miếng vải thừa của cô ấy ở tiệm may rồi dán lên một tấm bìa. Ai ngờ thấy đẹp quá, mang về nhà được bố và gia đình tấm tắc khen”, bà kể.

Sự tình cờ đó trở thành cơ duyên gắn bó bà với nghề làm tranh vải. Những sắc vải với bà có sức hút kỳ lạ giúp bà đi sưu tập vải vụn có họa tiết để làm tranh. Người thân, bạn bè đi đâu thấy có vải vụn cũng xin về đưa cho bà.

“Tôi đã từng vẽ tranh sơn dầu, vẽ tranh lụa, vẽ acrylic nhưng trước sau thì sắc vải lại kéo tôi đi theo đến tận bây giờ”, họa sĩ Thanh Thục nói.

Đã gọi là tranh thì các họa sĩ phải pha màu, có bút vẽ và có pallet nhưng với bà thì lại vẽ tranh bằng kéo và vải. Bà dùng kéo cắt vải và xếp họa tiết vải chồng lên nhau để tạo mảng màu thứ 3 sao cho ưng ý. Nhiều khi, phải xếp đến lớp vải thứ 4, thứ 5 mới ra được độ sáng, bóng tối mà bà cần.

img

Không cần bút vẽ hay bảng màu, người họa sĩ này vẫn ngày đêm miệt mài với công việc làm ra những bức tranh độc đáo.

Ban ngày đi làm việc tại một cơ quan nhà nước, tối về bà lại hì hục tìm tòi, cắt dán, có khi mải mê làm đến 3-4 giờ sáng. Thậm chí có rất nhiều đêm bà thức trắng để tìm cách xử lý, sáng tạo. Những bức tranh được làm từ vải của bà có xa có gần, có mảng thì mịn, mảng thì sần, được nhiều họa sĩ tên tuổi đánh giá là không có một chi tiết nào thừa.

“Ví dụ như để làm mái rơm, tôi phải cắt nhỏ vải, rút hết sợi ngang, chỉ để lại sợi dọc và xếp chồng lên nhau từng lớp, từng lớp nhỏ để tạo thành độ xốp của mái rơm. Không một ai hướng dẫn, không có một bức tranh mẫu nào để học, để xem trước”, bà nhấn mạnh.

Tự định hình ý tưởng rồi lại tự tay cầm kéo cắt từng họa tiết và lắp ráp thành tác phẩm, bà còn tìm mua bằng được loại keo dán giúp tranh không bị thay đổi màu vải và không bao giờ bị mốc.

img

Mỗi bức tranh là một sự sáng tạo không ngừng nghỉ của người nghệ sĩ đối với những sắc vải đa màu sắc.

Khi làm tranh, bà cho rằng, khâu khó nhất là làm sao tìm được những miếng vải có màu sắc tương đồng như cảnh vật mà họa sĩ định thể hiện. Vì vậy, thời gian rảnh, bà thường xách balo đi khắp mọi miền đất nước để lấy cảm hứng sáng tác, ngắm nhìn các khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp và tìm mua những mảnh vải có hoa văn, họa tiết, vân vải độc đáo.

Từ những bức tranh nhỏ chỉ 30cmx40cm, dần dần, bà có thể làm ra được những bức tranh khổ lớn, có bức dài 1,2m với chủ đề xuyên suốt là ngợi ca cảnh đẹp, con người Việt Nam.

“Tôi nhớ năm 2000, một cặp vợ chồng người Thụy Điển tìm đến nhà tôi mua tranh vải. Sau một hồi ngắm nghía, họ đã mua hết những bức tranh mà tôi treo trên tường nhà. Lúc đó, mấy nghìn đô có được từ việc bán tranh là một số tiền lớn, trở thành nguồn động lực lớn để tôi tiếp tục theo đuổi đam mê”, họa sĩ Thanh Thục kể.

img

Tất cả các bức tranh đều thể hiện tình yêu thiên nhiên, con người Việt Nam.

Từ việc làm tranh để thỏa đam mê và thỏa sức sáng tạo theo cách không giống ai, dần dần, tranh vải và tên tuổi của bà ngày càng được nhiều người biết đến và tìm mua tranh, nhiều người sẵn sàng trả cả nghìn đô cho 1 bức tranh phong cảnh, con người Việt Nam do bà sáng tạo ra.

Mất hơn 30 năm để tích lũy kinh nghiệm, kiến thức và mất một vài tháng để tìm kiếm họa phẩm, đưa ra ý tưởng và cắt dán thành những bức tranh, vì vậy, dù được trả giá cao nhưng họa sĩ Thanh Thục cho rằng, nói nghìn đô có vẻ “to” nhưng thực ra, vài chục triệu đồng cho mỗi tác phẩm “độc nhất vô nhị” mà người họa sĩ cần mẫn lao động cả tháng trời, chất chứa tâm huyết và tình yêu của người nghệ sĩ thì không phải số tiền quá lớn.

img

Nhiều khi vải vụn không đủ, bà đam mê đến độ, vì thích một họa tiết mà bà bỏ tiền ra mua cả tấm vải lớn.

img

"Mỗi bức tranh tôi làm ra là 1 tác phẩm duy nhất. Nếu yêu cầu tôi làm lại một bức tranh như vậy lần nữa thì tôi không làm được. Bởi vì, khi tạo hình một bức tranh vải, tôi không hề làm phác thảo, những họa tiết cứ thế hiện ra trong đầu một cách tình cờ và rất ngẫu hứng. Vì vậy, việc chọn được những chi tiết vải giống nhau y hệt để làm ra bức tranh thứ 2 là điều không thể”, bà khẳng định.

Theo họa sĩ Trần Thanh Thục, thời gian tới, bà sẽ tiếp tục theo đuổi niềm đam mê với tranh ghép vải để cho ra đời những bức tranh ngợi ca Việt Nam, ngợi ca tất cả những gì tươi đẹp nhất trên dải đất hình chữ S. Bà cũng hy vọng rằng, ngày càng nhiều những người yêu hội họa, yêu cái đẹp mở lòng đón nhận những bức tranh vải độc đáo này.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem