Mánh khóe của "ông trùm" Công ty Việt Á khiến cựu Phó Chủ tịch Quảng Ninh hầu tòa
Quảng Ninh: Mánh khóe của Tổng Giám đốc Công ty Việt Á và thuộc cấp khiến nhiều lãnh đạo Đông Triều hầu tòa
PV Đông Bắc
Thứ tư, ngày 26/07/2023 20:22 PM (GMT+7)
Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Quảng Ninh mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại thị xã Đông Triều liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (gọi tắt là Công ty Việt Á).
Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Quảng Ninh vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh liên quan đến Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (gọi tắt là Công ty Việt Á).
Phiên tòa được xét xử công khai, dự kiến diễn ra trong 2 ngày (26-27/7). Trong vụ án trên, bị cáo Phạm Văn Thành – cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cựu Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều và Nguyễn Văn Bình – cựu Phó Ban Dân vận Thị ủy Đông Triều, cựu Phó Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều bị truy tố về tội án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Ngoài ra, còn có 3 bị cáo khác cùng bị truy tố cùng tội danh trên, gồm: Nguyễn Thị Thanh Hảo – cựu Trưởng phòng Phòng Tài chính Kế hoạch thị xã Đông Triều; Nguyễn Xuân Tiến – cựu Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều và Nguyễn Thành Định – cựu Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều.
Lợi dụng kẽ hở pháp luật và "lòng tin" của lãnh đạo thị xã Đông Triều
Theo cáo trạng, trên cơ sở điều tra đã xác định, xuất phát từ việc ông Phạm Văn Thành tham dự cuộc họp chống dịch do Tỉnh ủy Quảng Ninh chủ trì vào ngày 4/2/2021, được nghe một số người giới thiệu về Công ty Việt Á có năng lực sản xuất, cung cấp số lượng lớn test xét nghiệm; đồng thời, văn bản số 777 ngày 5/2/2021 của UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo: "... các địa phương, đơn vị sử dụng kit xét nghiệm của Công ty Việt Á, giao Bệnh viện Thụy Điển chịu trách nhiệm tổ chức tiếp nhận và thực hiện xét nghiệm".
Trước tình hình dịch Covid 19 lan nhanh trên địa bàn thị xã đặt ra yêu cầu cấp thiết, với mong muốn chủ động "khoanh vùng, dập dịch", ông Phạm Văn Thành đã liên hệ với Phan Quốc Việt - Tổng Giám đốc Công ty Việt Á và được biết "Công ty Việt Á cùng Học viện Quân y đã nghiên cứu, sản xuất và cung ứng bộ kit xét nghiệm Covid-19, đơn vị sử dụng được Công ty hỗ trợ miễn phí máy xét nghiệm PCR và Kỹ thuật viên, phương pháp xét nghiệm theo tỷ lệ 1:1,1". Theo đó, 1 ống mẫu bệnh phẩm cần sử dụng ít nhất 1 kit xét nghiệm, 1 kit tách chiết (bộ kit test) và 10% tiêu hao.
"Do dịch Covid-19 mới bùng phát, hiện Sở Y tế chưa có hướng dẫn về định mức tiêu hao sinh phẩm xét nghiệm, nên Thành tin tưởng đây là phương án hiệu quả nhất để nhanh chóng dập dịch trong thời gian ngắn nhất. Thành đã thống nhất với Việt về việc mua vật tư, sinh phẩm xét nghiệm của Công ty Việt Á, địa phương sẽ tìm nguồn để thanh toán, hồ sơ đấu thầu sẽ được hoàn thiện sau", cáo trạng của VKSND Quảng Ninh nhận định.
Cũng theo cáo trạng, sau đó, phía thị xã Đông Triều đã nhận của Công ty Việt Á 35.345 bộ ống môi trường, que tăm bông, giao cho các tổ lấy mẫu tại các cơ sở y tế xã, nhận lại mẫu bệnh phẩm và chuyển toàn bộ về Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển có trụ sở tại TP.Uông Bí để xét nghiệm (Công ty Việt Á đã đặt máy xét nghiệm PCR và bàn giao trực tiếp kit test xét nghiệm cho Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển để thực hiện việc xét nghiệm).
Đến khoảng giữa tháng 4/2021, Phan Quốc Việt và Vũ Đình Hiệp - Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á đề nghị UBND thị xã Đông Triều đẩy nhanh tiến độ thanh toán vật tư, sinh phẩm xét nghiệm cho Công ty Việt Á. Lúc này, Phạm Văn Thành giao nhiệm vụ các phòng, ban chuyên môn lập hồ sơ thanh toán cho Công ty Việt Á theo hình thức chỉ định thầu, Trung tâm Y tế chủ trì, phối hợp với Phòng Tài chính – Kế hoạch tổng hợp chứng từ, hồ sơ gửi Sở Y tế thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt.
Ban đầu, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển tiến hành xét nghiệm mỗi mẫu sử dụng 1 bộ kit test (gồm 1 kit tách chiết tự động và 1 kit xét nghiệm). Khi có hướng dẫn của Bộ Y tế về xét nghiệm mẫu gộp trong phòng xét nghiệm, Bệnh viện đã xét nghiệm gộp 1 kit test cho 2 mẫu, nếu các mẫu này đều không thuộc đối tượng F1.
Tuy nhiên: "Lợi dụng việc chưa có hướng dẫn cụ thể về định mức tiêu hao kit xét nghiệm khi tiến hành xét nghiệm, với mục đích thanh toán theo tỉ lệ 1:1,1 như đã thỏa thuận trước đó, Việt đã chỉ đạo Hiệp đưa ra các thông tin không xác thực với những người có chức năng, nhiệm vụ thuộc UBND thị xã Đông Triều về việc gộp mẫu xét nghiệm, số lượng kit test thực tế tiêu hao cũng như đơn vị tiến hành xét nghiệm.
Vì vậy, khi làm việc với các phòng ban chuyên môn thị xã, Hiệp giải thích: Mỗi ống mẫu xét nghiệm tiêu hao ít nhất 1 bộ kit test xét nghiệm cộng thêm 10% tiêu hao, Công ty chỉ tính tiền theo mức giá đã hiệp thương với Bộ Y tế là 470.000 đồng/1 kit test tách chiết và 160.000 đồng/kit test xét nghiệm (tổng 630.000 đồng/bộ. Hiệp còn nơi ý với Thành trích lại 10% nhưng Phạm Văn Thành từ chối và đề nghị đối trừ vào giá", cáo trạng của VKSND Quảng Ninh nêu rõ.
Về số lượng kit test, VKSND Quảng Ninh xác định, bị cáo Nguyễn Thành Định yêu cầu đề nghị Công ty Việt Á cung cấp hồ sơ vật tư, sinh phẩm xét nghiệm đã ứng trước cho thị xã Đông Triều, Hiệp gửi Bảng thống kê "Tổng kết chi phí xét nghiệm tại Đông Triều", thể hiện tổng số sử dụng 35.345 kit test tách chiết tự động và 35.345 kit test xét nghiệm với giá xét nghiệm 693.000 đồng/1 bộ, được trừ 10% giá trị nên giá còn 630.000 đồng/1 bộ và Nguyễn Thành Định đã sử dụng tài liệu này để báo cáo Nguyễn Xuân Tiến.
"Do tin vào số liệu do Hiệp cung cấp, Tiến đã ký văn bản số 463/TTYT ngày 31/3/2021 gửi Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, đồng kính gửi Thành, Bình, Phòng Tài chính – Kế hoạch và Phòng Y tế với nội dung: Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều đã gọi mua sắm vật tư hóa chất sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 năm 2021 hết số tiền 29.784.350.000 đồng, trong đó ống mẫu xét nghiệm 35.345 với đơn giá xét nghiệm 630.000/ống, trị giá 22.267.350.000 đồng, đề nghị Sở y tế Quảng Ninh bố trí kinh phí mua kit test phòng chống dịch. Nhưng sau đó, Sở Y tế không trả lời", cáo trạng nêu.
Luôn đưa ra thông tin sai sự thật, "có việc em phải phiền đến ông anh"
Cũng theo cáo trạng của VKSND Quảng Ninh trình bày tại phiên tòa, từ ngày 25-28/5/2021, Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á chuyển cho Nguyễn Thị Thu Hà (Trưởng phòng quản lý chất lượng Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển) để trình Giám đốc ký các Biên bản bàn giao hóa chất sinh phẩm giữa Công ty Việt Á và Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển, với số lượng kit xét nghiệm và tách chiết mỗi loại là 35.345.
Cùng với đó, Hiệp cũng gặp lãnh đạo Phòng Kế hoạch tổng hợp và Phòng vật tư Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển đề nghị ký biên bản này, nhưng đều từ chối, vì số đề nghị xác nhận cao hơn số lượng thực tế Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển đã thực nhận là 16.548 kit tách chiết tự động và 16.539 kit xét nghiệm tại công văn số 1916 Bệnh viện đã trả lời cho Đông Triều.
Mặc dù bị từ chối, thế nhưng, trong thời gian này, Hiệp luôn đưa ra thông tin sai sự thật khi trao đổi với các phòng, ban của thị xã Đông Triều về việc: "Công ty Việt Á cùng song song với Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển xét nghiệm số mẫu của Đông Triều", cụ thể: Các ngày 29/5 và 3/6/2021 Hiệp 2 lần nhắn tin nhờ ông Trần Viết Tiệp - Giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển: "Nếu Đông Triều có hỏi thì xác nhận miệng là làm 35.345 mẫu, Việt Á làm thì Bệnh viện không thể xác nhận được" và "nếu Đông Triều có hỏi thì xác nhận hai nội dung là số mẫu làm hơn 35.000 mẫu, có việc Bệnh viện và Việt Á mỗi bên tự làm phần mình và mỗi bên không thể xác nhận được phần kit của bên còn lại được mà chỉ căn cứ trên mẫu vì lúc đó cấp bách".
Ông Tiệp nhắn tin trả lời Việt là: "Việt Á xác nhận với Đông Triều số Việt Á làm"; vào các ngày 31/5 và 2/6/2021, Hiệp trao đổi qua điện thoại với Dung và Định về việc: "Chưa xác nhận được số liệu với Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển vì công ty Việt Á cũng tham gia chạy xét nghiệm, Bệnh viện không thể xác nhận số Việt Á chạy".
Đến ngày 3/6/2021, Phạm Văn Thành và Nguyễn Văn Bình đã chủ trì họp với tham gia của Vũ Đình Hiệp (đại diện Công ty Việt Á) và đại diện các phòng ban chuyên môn. Tại cuộc họp, các đơn vị, phòng ban của thị xã Đông Triều báo cáo rằng hồ sơ không có "Biên bản bàn giao kit xét nghiệm" và "Biên bản trả kết quả xét nghiệm" (bản có đóng dấu) nên không thực hiện thanh toán được; số lượng sinh phẩm xét nghiệm tiêu hao do Công ty Việt Á đề xuất chưa khớp với số liệu Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển xác nhận, phần Công ty Việt Á chạy máy chưa có số liệu.
Về phía Công ty Việt Á, tại cuộc họp trên, Hiệp cho biết Công ty Việt Á cùng tổ chức xét nghiệm độc lập và song song với Bệnh viện, nhưng Bệnh viện chưa xác nhận. "Thấy vậy, Thành điện thoại đề nghị Giám đốc Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển xác nhận số lượng sinh phẩm tiêu hao Công ty Việt Á thực hiện xét nghiệm, nhưng ông Tiệp không đồng ý và có nói: "Việt Á làm thì Đông Triều xác nhận", cáo trạng nêu và cho rằng: "Do tin vào lời giải thích của Hiệp và một số thông tin trong báo cáo của các cơ quan chuyên môn, Thành đã lầm tưởng Công ty Việt Á cũng trực tiếp xét nghiệm trên thực tế, nên kết luận: "Chia Bệnh viện chạy và Việt Á chạy; hóa chất (tạm giao) bàn giao cho Bệnh viện, Bệnh viện xác nhận; bàn giao cho Việt Á, thị xã xác nhận..." để hoàn tất thủ tục thanh toán", cáo trạng của VKSND Quảng Ninh thể hiện.
"1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 179, 308 và 376 của Bộ Luật này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm tù hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
…
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7-12 năm:
…
c) Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên.
Từ kết luận của Phạm Văn Thành, ngày 4/6/2021, theo đề xuất của Đào Thị Kim Dung (Phó Chủ tịch Hội đồng mua sắm vật tư sinh phẩm), Thành đã ký văn bản số 211 (đề lùi ngày thành 28/1/2021) do Nguyễn Thị Thanh Hảo soạn thảo với nội dung: "Phòng Y tế bàn giao các loại vật tư, sinh phẩm xét nghiệm cho Trung tâm y tế thị xã (ống môi trường; tăm bông), Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển và Công ty Việt Á (bộ kit chẩn đoán SARS-CoV-2 ; iVAaDNA/RNA...); giáo Trung tâm Y tế tổ chức lấy mẫu...; tổng hợp, đối chiếu số liệu sử dụng vật tư, sinh phẩm xét nghiệm với các đơn vị xét nghiệm (Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển, Công ty Việt Á)".
Sau đó, Hảo đã giao cho nhân viên Phòng Tài chính – Kế hoạch cùng Kế toán Phòng Y tế và Hiệp lập 3 Biên bản giao nhận thể hiện: Phòng Y tế và Phòng Tài chính – Kế hoạch nhận sinh phẩm xét nghiệm của Công ty Việt Á, sau đó giao cho Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển và Công ty Việt Á, số lượng 35.345 kit xét nghiệm và 35.345 kit tách chiết. Hảo và Hiệp cùng ký tên đóng dấu, Dung không ký (do chưa có chữ ký của Bệnh viện), sau đó Hảo đã chuyển 3 biên bản trên cho Hiệp đi gặp chị Nguyễn Thị Thu Hà (Trưởng phòng Quản lý chất lượng) để trình Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển xác nhận, nhưng ông Trần Việt Tiệp (Giám đốc Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển) từ chối.
Bị lãnh đạo Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển từ chối, ngày 10/6/2021 Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt nhắn tin cho Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều Phạm Văn Thành nội dung: "Có việc em phải phiền đến ông anh rồi. Hợp đồng Việt Á ký với Đông Triều, Uông bí không liên quan trực tiếp với Đông Triều nên không thể ký nhận hóa chất với Đông Triều, mà phải Việt Á nhận 100% từ Đông Triều và giao lại một phần cho Uông Bí, Uông Bí sẽ ký nhận với Việt Á. Hiện nay Uông Bí thì không thể ký... PYT thì không chịu... em xin phép để Hiệp chạy xuống báo cáo anh rõ hơn ạ".
Một ngày sau (11/6/2021), Bí thư, Chủ tịch Phạm Văn Thành đã nhắn tin chỉ đạo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Bình rằng: "Anh chỉ đạo Phòng Y tế, Phòng Tài chính - Kế hoạch ký ngay Hợp đồng với Việt Á đi, làm các biên bản nhận hàng; còn chuyển cho Bệnh viện không nhất thiết nó phải ký nhận, chỉ phần nào họ chạy thì họ ký thôi". Ngay lúc đó, Bình đã chuyển tiếp nội dung tin nhắn của Thành đến Hảo và Dung, kèm nội dung: "Y tế với tài chính xem như thế nào".
Đến ngày 18/6/2021, Hảo giao giao nhân viên phối hợp với Kế toán phòng Y tế lập các biên bản giao nhận thể hiện: Phòng Y tế và Phòng Tài chính – Kế hoạch ký đại diện nhận vật tư, sinh phẩm kit xét nghiệm, kit tách chiết của Công ty Việt Á, rồi giao cho Trung tâm Y tế ký đại diện tiếp nhận số lượng 35.345 kit xét nghiệm, 35.345 kit tách chiết.
"Để phù hợp với nội dung chỉ đạo trên, Thành đã ký văn bản số 211 thứ hai, thay thế văn bản số 211 thứ nhất, bỏ nội dung Công ty Việt Á là đơn vị nhận sinh phẩm xét nghiệm và thực hiện xét nghiệm cho thị Đông Triều, mà thể hiện: Phòng Y tế bàn giao các loại vật tư, sinh phẩm xét nghiệm cho Trung tâm y tế thị xã…
Căn cứ các biên bản giao nhận hàng nêu trên và tài liệu kèm theo, ngày 21/7/2021, Phòng Y tế đã chuyển và đề nghị Kho bạc Nhà nước thị xã Đông Triều giải ngân, thanh toán 70% giá trị khối lượng nghiệm thu, tương ứng hơn 18 tỷ đồng cho Công ty Việt Á.
Như vậy, việc lập hồ sơ nghiệm thu, thanh toán không đúng số lượng kit test thực tế đã tiêu hao, sử dụng, làm chênh lệch tăng 16.539 kit xét nghiệm trị giá hơn 7,7 tỷ đồng và 16.548 kit tách chiết trị giá hơn 2,6 tỷ đồng, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước và Công ty Việt Á được hưởng lợi bất hợp pháp số tiền trong số tiền đã thanh toán hơn 7,2 tỷ đồng", cáo trạng xác định.
Cựu Bí thư, Chủ tịch Đông Triều Phạm Văn Thành nộp lại 10 tỷ đồng
Cáo trạng của VKSND Quảng Ninh cho biết, cuối tháng 12/2021, khi biết tin CDC Hải Dương bị Bộ Công an xử lý vì liên quan đến Công ty Việt Á, thông qua UBND thị xã Đông Triều, Phạm Văn Thành, Nguyễn Văn Bình đã chủ động huy động các doanh nghiệp hơn 18 tỷ đồng, trong đó: Phạm Văn Thành nộp 10 tỷ đồng; Nguyễn Văn Bình nộp 2 tỷ đồng; còn lại do một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn hỗ trợ.
Quá trình điều tra, các bị can Phạm Văn Thành, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Thị Thanh Hảo, Nguyễn Xuân Tiến, Nguyễn Thành Định và Đào Thị Kim Dung, khai nhận hành vi phạm tội của mình như đã nêu trên".
VKSND Quảng Ninh cũng cho biết, các bị cáo Phan Quốc Việt và Vũ Đình Hiệp có hành vi che giấu thông tin, gian dối với thị xã Đông Triều để được thanh toán số lượng kit xét nghiệm có lợi cho Công ty Việt Á.
"Nhưng do Việt và Hiệp đang là bị can trong các vụ án khác do Cơ quan CSĐT - Bộ Công an thụ lý. Do đó, để đảm bảo xử lý toàn diện vụ án, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh chuyển tài liệu liên quan cho Cơ quan CSĐT - Bộ Công an để xử lý đồng thời có biện pháp thu hồi các khoản tiền Công ty Việt Á hưởng lợi bất hợp pháp".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.