"Mất ăn, mất ngủ" vì vay ngân hàng "ôm" nhà đất, "tậu" ô tô gặp dịch Covid-19
H.Anh
Chủ nhật, ngày 05/09/2021 07:04 AM (GMT+7)
Nhiều khách hàng vay ngân hàng "ôm đất, mua nhà và mua xe như “ngồi trên đống lửa” khi không biết kiếm tiền ở đâu để trả nợ. Thậm chí, có những khách hàng “mất ăn mất ngủ” vì lo ngân hàng siết nợ vì mất khả năng thanh toán.
Theo phản ánh mới đây của bà Nguyễn Thị Hương Thanh (TP.HCM), cho biết đã ký hợp đồng vay ngân hàng để mua đất. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, gia đình bà gặp khó khăn trong việc trả lãi khoản vay.
Bà Thanh đề nghị cơ quan chức năng xem xét có chính sách hỗ trợ cho những trường hợp như bà tạm dừng đóng các khoản lãi vay.
Trả lời thắc mắc của bà Thanh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá đáp ứng các điều kiện như: Không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19; có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại; khoản vay, cho thuê tài chính phát sinh nghĩa vụ nợ, trả nợ gốc, lãi trong thời gian quy định (nợ phát sinh trước ngày 10/6/2021,..) thì được tổ chức tín dụng xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định.
Theo đó, việc xem xét có cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi,…cho khách hàng hay không thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng. NHNN đề nghị bà Thanh làm việc với các tổ chức tín dụng để được xem xét, xử lý theo đúng quy định.
Trường hợp của bà Thanh không phải cá biệt, ông Đỗ Thanh Nhân (TP.HCM) có vay một ngân hàng chi nhánh Sài Gòn số tiền hơn 400 triệu đồng để mua 1 căn chung cư tại quận 8. Do tình hình dịch Covid-19 kéo dài gây ảnh hưởng đến công việc khiến kinh tế gia đình ông gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ hàng tháng.
Vì vậy, ông Nhân cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ người dân được tạm ngừng thanh toán các khoản vay trong 3 kỳ tiếp theo để ổn định cuộc sống.
Trên thực tế, trong các đợt sốt đất vừa qua, không ít nhà đầu tư cá nhân đã "đánh liều" vay ngân hàng để mua đất nhằm lướt sóng kiếm lãi. Tuy nhiên, thị trường biến động mạnh khiến họ không kịp trở tay, chưa kịp bán đã phải gánh thêm khoản nợ.
Năm ngoái, vợ chồng chị Nhung (Hà Nội) gom góp được hơn 500 triệu và mượn của người thân để mua một mảnh đất, sau vài tháng, chị Nhung sang lại căn nhà này và lãi được 270 triệu đồng.
Tưởng đầu tư bất động sản "dễ ăn", đầu năm nay chị tiếp tục gom góp và dùng sổ đỏ vay ngân hàng để tiếp tục lướt sóng theo đất, và lần này "chơi lớn" đầu tư hẳn lô đất hơn 3 tỷ đồng.
Thế nhưng, lần này không may mắn như trước, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường đi xuống khiến giá trị mảnh đất sụt giảm. Chị Nhung chủ động bán cắt lỗ nhưng không được.
Hai tháng nay, chị Nhung phải vay tiền người thân để trả ngân hàng, song cũng chỉ là giải pháp trước mắt. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, hai vợ chồng chị chưa đi làm trở lại, rất có thể anh chị sẽ phải đối mặt với việc bị ngân hàng siết nợ. Đây mới là điều khiến vợ chồng chị Nhung lo tới mất ăn mất ngủ.
Anh Nguyễn Thế Hưng - một nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư đất nền ở Hà Nội thừa nhận, kể từ đầu năm đến nay không ít nhà đầu tư F0 non kinh nghiệm "sa lầy" trong cơn sốt nhà, đất. Không ít người lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, tán gia bại sản vì vay quá nhiều tiền ngân hàng để lao vào đầu tư bất động sản.
Người vay ngân hàng mua xe "còng lưng" trả nợ
Không chỉ với bất động sản, nhiều khách hàng vay ngân hàng mua xe cũng rơi vào cảnh "khốn đốn" phải cầu cứu tới Ngân hàng Nhà nước.
Ông Bùi Th.(TP.HCM) là lao động tự do phản ánh, ông vay ngân hàng mua xe ô tô trả góp hàng tháng để làm phương tiện đi làm và chở khách để có thêm thu nhập. Nhưng do tình hình dịch bệnh phức tạp, ông Thái phải nghỉ việc nên không có khả năng trả góp cho ngân hàng.
Ông Th. có tham khảo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về việc xin gia hạn và cơ cấu nợ vay. Tuy nhiên, hiện do tình hình dịch Covid-19 phải cách ly nên ông Th. vẫn chưa xin được "ưu ái" của ngân hàng bởi vẫn còn loay hoay với yêu cầu phải nộp đơn xin gia hạn trực tiếp tại ngân hàng.
Tương tự, theo phản ánh của ông Lê Quốc Vinh làm việc tại đơn vị vận tải tư nhân ở tỉnh Bình Dương, ông và nhiều đơn vị vận tải khác đều phải vay ngân hàng mua xe tải trả góp để kinh doanh vận tải. Do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, các đơn vị xe tải tư nhân đều nghỉ để phòng chống dịch, do vậy không có tiền để trả góp cho ngân hàng.
Ông Vinh đã trao đổi với Ngân hàng về vấn đề hỗ trợ nhưng được trả lời ngân hàng chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp, còn doanh nghiệp vận tải tư nhân thì được giảm lãi, tiền gốc vẫn phải trả theo định kỳ. Ngoài ra, do không có quy định về vấn đề này nên khách hàng bắt buộc phải trả cả gốc lẫn lãi; nếu không trả đúng ngày thì sẽ bị thu hồi xe.
Ông Vinh đề nghị cơ quan chức năng xem xét, sớm có chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho các đơn vị vận tải như đơn vị ông tạm thời trả lãi và hoãn trả tiền gốc.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị ông chủ động làm việc với tổ chức tín dụng nơi ông vay tiền để được xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 cho phù hợp với diễn biến mới của dịch Covid-19.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.