“Mất” ba cầu Cần Thơ mỗi năm

Thứ sáu, ngày 29/07/2011 08:57 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tại buổi đối thoại về thách thức của việc phát triển đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong đến sinh thái của ĐBSCL, nhiều chuyên gia tiếp tục lên tiếng cảnh báo, bày tỏ sự lo ngại về hậu quả của những công trình này...
Bình luận 0

TS Lê Anh Tuấn - Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) cho rằng, mỗi năm sông Mekong tải một lượng bùn cát rất lớn từ thượng nguồn ra cửa biển. Từ đó sẽ bổ sung nguồn vật liệu xây dựng, duy trì hệ sinh thái ngập nước, tạo dinh dưỡng đất và cây trồng, phát triển rừng, hạn chế xói lở bờ sông và ven biển, giảm độ chua và cải tạo đất… Nhưng tương lai của hệ sinh thái phong phú nói trên đang đứng trước thách thức to lớn và sẽ vĩnh viễn bị thay đổi!

img
Sạt lở ở ĐBSCL do biến đổi dòng chảy ngày càng nghiêm trọng và đe dọa cuộc sống người dân.

Lý do là trong thời gian vừa qua, thông tin về 12 đập thủy điện được đề xuất xây dựng trên dòng chính Mekong. Bậc thang thủy điện liên hoàn này (bao gồm 8 dự án ở Lào, 2 dự án thuộc các đoạn sông giữa Lào và thái Lan và 2 dự án tại Campuchia) sẽ chia dòng sông thành một loạt hồ chứa liên tiếp. Do ĐBSCL của Việt Nam ở cuối vùng hạ lưu, nên việc xây dựng 12 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong sẽ phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất.

TS Dương Văn Ni - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An, nói: “Việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong làm giảm sản lượng thủy sản, lượng phù sa bồi đắp hàng năm cho khu vực ĐBSCL… Đồng thời các dự án bảo tồn đa dạng sinh học cũng bị ảnh hưởng. Nếu lũ không về, đồng cỏ bàng, cỏ năn sẽ biến mất. Khi đó, cuộc sống của hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng và sếu đầu đỏ sẽ không về…”.

Đối với thủy sản, ước tính hàng năm ĐBSCL sẽ tổn thất khoảng 240.000 - 280.000 tấn cá trắng, tương đương với số tiền khoảng 0,5 - 1 tỷ USD. Con số mất mát chỉ tính mỗi năm như thế có thể xây 1-3 cây cầu Cần Thơ.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập, Trưởng Nhóm Tư vấn quốc gia đánh giá môi trường chiến lược 12 đập thủy điện dòng chính Mekong cảnh báo: Đối với thủy sản, hàng năm ĐBSCL sẽ tổn thất khoảng 240.000 - 280.000 tấn cá trắng, tương đương 0,5 - 1 tỷ USD. Con số mất mát chỉ tính mỗi năm như thế có thể xây 1-3 cây cầu Cần Thơ.

Hàng năm, lượng phù sa sông Mekong tải về hạ lưu khoảng 160 - 165 triệu tấn. Nếu toàn bộ 12 con đập thủy điện được xây dựng trên dòng chính sông Mekong thì lượng phù sa sẽ giảm ¼ - tương đương 42 triệu tấn. Mất phù sa sẽ gia tăng sạt lở bờ sông và bờ biển do hiện tượng “nước đói phù sa”. Đất đai bị chai do mất dinh dưỡng. ĐBSCL sẽ bị sụt lún và chìm rất nhanh xuống dưới mực nước biển.

Qua cuộc đối thoại, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng một khi các đập thủy điện được xây dựng trên thượng nguồn sẽ tác động rất lớn đến đa dang sinh học, sự phát triển kinh tế. Ngoài ra, sẽ gây ra họa sạt lở nghiêm trọng do thiếu phù sa, kéo theo là sự lún tự nhiên thì ĐBSCL sẽ như con tàu bị chìm nhanh hơn xuống biển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem