Mặt bằng trên "đất vàng" Sài Gòn rao bán, cho thuê mấy năm vẫn không ai rớ

Hồng Phúc Thứ năm, ngày 23/03/2023 08:47 AM (GMT+7)
Nhiều mặt bằng trên đất vàng Sài Gòn cho thuê mấy năm qua cũng không ai đụng. Thậm chí, nhiều cửa hàng tiếp tục bỏ rời đi khi hết hợp đồng khiến bức tranh chung về mặt bằng cho thuê khu vực trung tâm thêm ảm đạm.
Bình luận 0

Mặt bằng đất vàng Sài Gòn mấy năm không ai rớ

Hàng loạt mặt bằng khu vực trung tâm quận 1 và quận 3, nơi được xem là “đất vàng” tại TP.HCM vẫn đang đóng cửa, chưa có người thuê.

Những tưởng sau dịch Covid-19, hoạt động thương mại - dịch vụ sôi động thì tỷ lệ khách thuê mặt bằng ở khu vực trung tâm TP.HCM sẽ cao hơn, nhưng thực tế tình hình vẫn không mấy khả quan.

Mặt bằng trên "đất vàng" Sài Gòn rao bán, cho thuê mấy năm vẫn không ai rớ - Ảnh 1.

Chi chít mặt bằng tìm chủ ở khu vực quận 1, TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc

Ghi nhận của Dân Việt cho thấy nhiều mặt bằng trên các trục đường Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi mấy năm qua chưa có người thuê. Thậm chí, từ đầu năm đến nay, chủ một số cửa hàng bắt đầu trả mặt bằng khiến thị trường khu vực trung tâm TP.HCM càng thêm ảm đảm.

Trên đường Lý Tự Trọng, một loạt 3 mặt bằng nằm liền kề chi chít số điện thoại cho thuê từ trước dịch Covid-19 đến nay vẫn chưa có chủ. 3 cửa hàng này trước đây đều kinh doanh các mặt hàng thời trang như quần áo, giày dép. Cách đó vài căn, một mặt bằng cũng đang bỏ trống.

Hầu hết các mặt bằng trên đường Lý Tự Trọng và khu vực trung tâm TP.HCM đều kinh doanh thời trang hoặc nhà hàng nhưng đến nay, tỷ lệ lấp đầy mặt bằng cho thuê tại tuyến đường này vẫn không cao.

Một nhà hàng Nhật Bản cách cửa Nam chợ Bến Thành, chi chít số điện thoại cho thuê. Đây là một trong những mặt bằng “rớt đài” mới nhất trên “đất vàng” khu vực này.

“Khách vẫn không có thì thuê làm gì. Giá thuê bây giờ cũng trở lại như trước dịch rồi, không còn giảm mà bán không được thì đâu có ai thuê. Nhiều cửa hàng quần áo sau dịch họ cũng chuyển sang bán online, đỡ tốn tiền thuê mặt bằng”, anh Hoài An - quản lý một quán ăn trên đường Lý Tự Trọng, lý giải.

Mặt bằng trên "đất vàng" Sài Gòn rao bán, cho thuê mấy năm vẫn không ai rớ - Ảnh 2.

Một mặt bằng chi chít biển cho thuê trên đường Hai Bà Trưng, quận 3, TP.HCM mấy năm qua vẫn chưa có chủ. Ảnh: Hồng Phúc

Thậm chí, ngay cả tuyến đường Lê Lợi vừa thông xe từ trước Tết, nối liền giữa chợ Bến Thành và phố đi bộ Nguyễn Huệ, vốn rất đông khách nhưng đến nay, mặt bằng rao cho thuê đang chiếm áp đảo. Ghi nhận cho thấy, chỉ một số “ông lớn” trong ngành cà phê có cửa hàng nhỏ, còn lại, hầu hết đều đóng cửa im ỉm.

Tính ra, kể từ khi công trường được dựng lên và sau 2 năm dịch, các mặt bằng cho thuê trên tuyến đường này đã đóng cửa im ỉm mấy năm qua. Cánh môi giới tích cực rao cho thuê nhưng cũng chưa có người “vớt”.

Làn sóng rao bán khách sạn chưa dừng lại

Không chỉ mặt bằng bán lẻ mà một loạt khách sạn ở khu vực trung tâm TP.HCM cũng đang rao bán hoặc cho thuê, dù hoạt động du lịch đã và đang phục hồi đáng kể.

Mặt bằng trên "đất vàng" Sài Gòn rao bán, cho thuê mấy năm vẫn không ai rớ - Ảnh 3.

Nhiều khách sạn tại TP.HCM vẫn đang rao bán dù du lịch đã và đang hồi phục. Ảnh: Hồng Phúc

Ghi nhận trên đường Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Lê Lai, Đỗ Quang Đẩu… khá nhiều khách sạn đang đóng cửa im lìm. Các khách sạn này đã ngưng hoạt động từ khi dịch Covid-19 xảy ra. Không quá bát nháo, chi chít số điện thoại như các mặt bằng nhỏ lẻ nhưng nhiều khách sạn trong số này thực chất đang rao bán.

Khách sạn California Hotel 12 tầng lầu, 105 phòng tiêu chuẩn 4 sao tại phường Bến Thành có đang được rao với giá 760 tỷ đồng. Khách sạn Golden Central Sài Gòn 4 sao nằm ở mặt tiền đường Lý Tự Trọng có 128 phòng cũng đang được rao bán với giá gần 1.000 tỷ đồng.

Số liệu thống kê từ Nhà Tốt cho biết, lượng tin đăng rao bán khách sạn bắt đầu tăng trưởng vào quý III/2022. Nguyên nhân chính là tình hình kinh doanh ảm đạm của ngành du lịch nói chung và khách sạn nói riêng.

Một khảo sát của Savills cho thấy, năm 2022, công suất phòng khách sạn tại TP.HCM đạt 45%, thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước dịch Covid-19 và không đủ để các chủ khách sạn phục hồi vì đã chịu quá nhiều tổn thất từ ảnh hưởng của Covid-19.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem