Mắt mù, thân hình teo nhỏ, vẫn điều hành gia trại

Thứ tư, ngày 13/02/2013 06:39 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đôi mắt mù lòa, thân hình teo nhỏ như cái phích, anh Sơn dù nằm một chỗ vẫn đang điều hành gia trại đạt hiệu quả kinh tế mà nhiều người lành lặn còn phải học theo.
Bình luận 0

Người ta gọi anh là Sơn "phích". Bởi, đôi mắt của anh bị mù lòa, thân hình teo nhỏ như cái phích. Giờ anh nằm một chỗ, không thể tự mình làm bất cứ việc gì, nhưng đang điều hành một gia trại đạt hiệu quả kinh tế mà nhiều người lành lặn còn phải học theo.

Số phận nghiệt ngã

Anh Trịnh Thanh Sơn sinh năm 1970 trong một gia đình nghèo tại thôn Đồng Đội, xã Nga Lĩnh huyện Nga Sơn, (Thanh Hoá). Sơn sinh ra cũng lành lặn như bao đứa trẻ khác. Lúc vừa tròn 1 tuổi, mẹ qua đời, còn bố bỏ đi biệt xứ, Sơn được vợ chồng ông Trịnh Văn Toại, bà Đồng Thị Xuyên (anh em họ ngoại) nhận về nuôi. Những tưởng cuộc đời Sơn sẽ được xoa dịu bớt nỗi đau không cha, mất mẹ, sống trong tình thương của bố mẹ nuôi, thì số phận nghiệt ngã một lần nữa lại tìm tới cậu bé bất hạnh.

img
Anh Sơn "phích" luôn nằm liệt trên chiếc giường này, nhưng vẫn điều hành gia trại hiệu quả.

Năm Sơn tròn 10 tuổi, trong lúc đi hái lá dâu giúp mẹ nuôi tằm, Sơn bỗng thấy chân mình đau, các khớp ở đầu gối, ngón chân, ngón tay sưng tấy rồi không thể đi lại được. Bố mẹ nuôi đưa Sơn đi khắp các bệnh viện điều trị nhưng không khỏi. Các bác sĩ kết luận, Sơn bị viêm đa khớp nặng, sau này sẽ không thể đi lại được. Từ một cậu bé nhanh nhẹn, hoạt bát, Sơn bỗng chốc sống như một đứa trẻ, suốt ngày nằm trên giường.

Số phận như trêu đùa với anh khi cùng năm đó, người cha nuôi của anh cũng bị căn bệnh lạ cướp đi, để lại cậu bé tật nguyền và người mẹ nuôi gầy gò, ốm yếu, sớm hôm tần tảo vừa chăm sóc anh, vừa lo kiếm miếng cơm manh áo. Ngần ấy bất hạnh dường như vẫn chưa đủ, năm 1996, anh Sơn bị viêm giác mạc dẫn đến mù loà, mặc dù đã chạy chữa nhiều nơi nhưng không được. Hiện giờ, tuy đã ở tuổi 42, nhưng Trịnh Thanh Sơn chỉ cao chừng 1m, tay chân teo tóp khiến anh không thể tự mình đi lại cũng như tự sinh hoạt cá nhân.

Không chịu khuất phục số phận

Người bình thường, việc học tập và làm kinh tế đã rất khó khăn, nhưng với người không thể đi lại, mọi sinh hoạt đều dựa vào người khác như anh Sơn còn khó hơn nhiều. Vậy mà Sơn vẫn tìm kế làm ăn để tự lo cho mình và nuôi mẹ.

Ban đầu buôn bán vặt và chăn nuôi nhỏ nhưng không thành công, năm 1998, anh quyết định nhờ bạn bè chở đi thăm các mô hình phát triển trang trại, gia trại trên địa bàn huyện để học hỏi kinh nghiệm kỹ thuật nuôi gà lấy trứng và lấy thịt. Do không có vốn, anh vay mượn anh em mua được 30 con gà giống. Chỉ sau 1 năm, số gà của anh đã tăng lên tới hơn 100 con gà mái đẻ và 30 gà trống. Thấy số lượng gà tăng, anh bắt đầu bán thu vốn và xây chuồng, tường bao quanh để nhốt gà. Không toại nguyện với những gì mình làm được, anh Sơn tiếp tục mày mò đi học vận hành máy ấp trứng, rồi mua một chiếc máy ấp trứng với công suất 500 quả/lần ấp.

Đầu năm 2013, tin vui đã tới với anh Sơn “phích” khi có một phụ nữ đồng ý nên duyên vợ chồng với anh, tình nguyện làm mắt, làm cánh tay, là chỗ dựa để cùng anh đi suốt cuộc đời. Gặp anh, chúng tôi thấy niềm vui rạng rỡ trên gương mặt...

Thế nhưng năm 2009, do dịch cúm gia cầm (H5N1), đàn gà của anh chết sạch. Mẹ anh khóc cạn nước mắt vì tiếc công, tiếc của và thương con. Quyết tâm vượt qua khó khăn, anh Sơn chờ hết dịch và kiên trì làm lại.

Anh Mai Văn Quang - Bí thư Huyện đoàn Nga Sơn cho biết, cảm phục nghị lực của anh, chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện cho anh vay vốn, tổ chức lại sản xuất. Bản thân anh Sơn thì nghĩ: "Mình không thể nằm chờ sự giúp đỡ của người khác mãi được, phải tự nghĩ ra cách cứu mình”. Sau hơn 3 tháng, anh gây được đàn gồm 150 con gà thịt và gần 100 gà mái đẻ. “Tôi như chết đi sống lại, mừng không sao kể hết"- anh Sơn kể lại.

Những tưởng những tháng ngày gian khó mẹ con cố gắng vượt qua giờ là những ngày vui hưởng hạnh phúc, thì mẹ nuôi của anh qua đời do bạo bệnh. Một lần nữa, Trịnh Thanh Sơn như héo hon hơn, đôi mắt đã loà của anh dường như không còn nước mắt để khóc cho mẹ, khóc cho số phận của mình. Không còn mẹ bên cạnh, anh chỉ biết trông chờ sự giúp đỡ của anh em, bạn bè, hàng xóm và người cha đỡ đầu.

Giờ đây, ông Tịnh (người nhận anh Sơn là con đỡ đầu), mỗi ngày 2 buổi đến giúp anh mọi công việc của gia trại, từ việc chăm sóc chuồng trại đến xuất bán gà giống. Nhiều người dân địa phương chứng kiến sự thành công của anh Sơn trên con đường vượt lên số phận đã không khỏi ngạc nhiên trước nghị lực phi thường ấy của anh. Hiện nay, gia trại của anh sau khi trừ chi phí mỗi năm thu về 50 triệu đồng. Sắp tới anh dự định sẽ nhân rộng lên 300 gà mái đẻ và xuất bán mỗi tháng hơn 5.000 con gà giống cho các thương lái trong huyện và tỉnh Ninh Bình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem