Từ phân bón, thuốc trừ sâu đến cả công bơm nước, công làm đất... tất cả đều thiếu chịu với lãi suất 6-10% cho chu kỳ thiếu nợ khoảng 50-60 ngày. Nông dân Nguyễn Văn Thành (xã Song Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) cho biết: “Nông dân chúng tôi thường “ăn trước trả sau”. Cứ đầu vụ lúa là phải mua thiếu giống, phân, thuốc, thậm chí công làm đất cũng phải thiếu, đến cuối vụ thu hoạch mới có thể trả được”. Sổ đỏ nhà ông mấy năm nay toàn nằm ở ngân hàng, cứ tới hạn trả thì chạy tiền “đảo nợ” chứ không thể trả nổi.
Ông Nguyễn Văn Mãng– đại lý vật tư nông nghiệp Ba Mãng (xã Long Thuận, Thủ Thừa, Long An) cho biết, đại lý nào giở sổ ra cũng toàn bán thiếu cho nông dân. “Giá bán thiếu lúc nào cũng cao hơn tiền mặt. Chúng tôi phải trả tiền mặt cho công ty nên phải vay ngân hàng để có tiền nhập hàng. Do đó, nông dân mua thiếu thì khoản lãi vay này nông dân phải gánh chứ đại lý không gánh nổi”– ông Mãng nói.
Phần lớn các đại lý vật tư nông nghiệp đều “kê” giá khi bán chịu cho nông dân với mức lãi suất cao hơn nhiều so với ngân hàng. Họ lập luận một số người thua lỗ không có khả năng thanh toán nên phải “kê” khoản lãi lên cao (khoảng 3–6%/tháng) để “bảo hiểm”.
Trong phân phối lợi nhuận giữa các tác nhân của chuỗi giá trị từ hạt gạo không thể bỏ qua khoản thu lãi từ việc nâng giá do bán chịu của các đại lý vật tư nông nghiêp, khoản chi này “cắn” vào thu nhập của nông dân từ 100- 150 đồng/kg thóc, chiếm 3-4% giá bán nhưng có thể chiếm tới 30% thu nhập của người trồng lúa.
|
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, chi phí đầu vào của hạt lúa hiện “cao khủng khiếp” không chỉ do nông dân thiếu kiến thức khoa học mà còn do nền nông nghiệp của ta đang quá lạc hậu và đang chạy theo thành tích. “Dù Việt Nam đang đứng nhất nhì về xuất khẩu lúa gạo nhưng thu nhập của người trồng lúa đang giảm đi từng ngày”.
GS Xuân đưa ra so sánh, ở Thái Lan, năng suất lúa của họ hàng chục năm nay vẫn chỉ 2 – 3 tấn/ha, mỗi năm làm 1–2 vụ rồi cho đất nghỉ. Chúng ta cố đẩy năng suất lên 6–7 tấn/ha, mỗi năm làm đến 3 vụ. “Rơi vào vòng luẩn quẩn, nông dân càng lúc càng nghèo, chỉ có doanh nghiệp ngành phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thương nhân xuất khẩu gạo là ngày càng giàu”– GS Võ Tòng Xuân khẳng định.
Tình trạng “mất mùa” bởi chi phí quá mức về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật do đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ đang là hiện thực phổ biến ở ĐBSCL. Thêm vào đó, sự bế tắc nguồn vốn để đầu tư cho sản xuất của người trồng lúa nói riêng, của nông dân nói chung biến nông thôn thành thị trường cho các nhà “đầu tư tài chính” ở rất nhiều cách, khai thác với lãi suất cao cũng là dạng mất mùa trước thu hoạch, vắt kiệt sức nông dân.
Phương Dung (Phương Dung)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.