Long đong dự án đường 2/9
Mới đây, Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG) do ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla) làm Phó Chủ tịch HĐQT và bà Nguyễn Thị Như Loan (mẹ ông Cường) làm Chủ tịch HĐQT vừa chịu án tạm ngừng cấp phép xây dựng và chuyển nhượng bất động sản tại Tổ hợp Khu dân cư Thương mại - Dịch vụ đường 2/9, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng (gọi tắt là dự án đường 2/9).
Lý do được cơ quan chức năng đưa ra là Quốc Cường Gia Lai chưa đầu tư hệ thống cung cấp điện cho dự án dù được Sở Xây dựng phê duyệt quy hoạch hạ tầng kỹ thuật ngày 30.3.2016 và Sở Công Thương thẩm định thiết kế bản vẽ thi công ngày 14.10.2016. Vì vậy, nhiều cá nhân mua đất tại khu vực dự án không có điện để sinh hoạt, kinh doanh.
Cơ quan chức năng TP. Đà Nẵng đề nghị Quốc Cường Gia Lai khẩn trương đầu tư hệ thống điện trong ranh giới dự án; đồng thời, đề xuất các sở, ngành tạm ngừng cấp phép xây dựng và chuyển nhượng bất động sản tại dự án này cho đến khi công ty đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo Luật Kinh doanh bất động sản.
Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng, đề nghị tạm ngừng cấp phép xây dựng và chuyển nhượng bất động sản tại dự án Tổ hợp Khu dân cư, Thương mại - Dịch vụ ở đường 2/9 của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (Ảnh minh họa)
Đây là dự án Quốc Cường Gia Lai của nhà Cường Đôla mua từ Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) vào năm 2016.
Trên báo cáo tài chính hợp nhất quý IV.2016, dự án đường 2/9 được xem là yếu tố giúp doanh thu của công ty nhà Cường Đôla tăng gấp 4 lần cùng kỳ năm 2015. Công ty cho biết đã chuyển nhượng đất nền dự án này.
Tuy nhiên, trong danh sách hàng tồn kho sau đó, Quốc Cường Gia Lai vẫn ghi nhận bất động sản dở dang 62,4 tỷ đồng từ dự án. Do đó có thể thấy QCG mới chỉ chuyển nhượng một phần dự án đường 2/9.
Đến quý I.2017, tồn kho dự án này vẫn là 57 tỷ đồng. Tuy nhiên từ 30.6.2017 đến nay, QCG của nhà Cường Đôla không còn ghi nhận tồn kho BĐS dở dang từ dự án này.
Dự án đường 2/9 nằm bên bờ sông Hàn với mặt tiền sông trải dài 900m. với tổng diện tích 40.749 m2. Các hạng mục xây dựng gồm đất ở chia lô; đất ở xây dựng căn hộ, khách sạn, thương mại; đất thương mại dịch vụ, khách sạn và căn hộ cao tầng.
Dự án Khu dân cư Phước Kiển với giá trị tồn kho lên tới 4.786,23 tỷ đồng (Ảnh: Zing)
Trước dự án đường 2/9, vụ việc công ty Tân Thuận ký chuyển nhượng phần diện tích đất đã đền bù tại khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM) cho Quốc Cường Gia Lai hơn 30 ha với giá 1,29 triệu đồng/m2 cũng khiến công ty nhà Cường Đôla gặp không ít rắc rối.
Thuyết minh báo cáo tài chính cho biết, số dư các khoản phải trả khác tại ngày 30.06.2018 tăng khoảng 600 tỷ đồng so với cuối năm 2017 lên mức 6.333 tỷ đồng. Biến động này do QCG phải trả cho bên thứ ba tăng thêm khoảng 760 tỷ đồng; khoản tiền nhận của Sunny Island cho dự án Phước Kiển là 2.882,8 tỷ đồng, không có biến động so với cuối năm 2017.
6 tháng đầu năm 2018, QCG của nhà Cường Đôla nổi bật trên thị trường về những “rắc rối” với tài sản công hơn 32 ha đất tại Phước Kiển, Nhà Bè, TP. HCM. Trong thương vụ này, QCG đã chi ra 632 tỷ đồng bao gồm cả VAT tính đến cuối quý I.2018 để sở hữu hơn 32 ha đất từ Công ty Tân Thuận – đơn vị trực thuộc Thành ủy TP. HCM.
Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhận thấy, việc ký kết hợp đồng không đúng theo quyết định 1087-QĐ/TU ngày 31.3.2009 của Ban Thường vụ Thành ủy về ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài sản là nhà, quyền sử dụng đất tại các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc sở hữu của Đảng bộ TP.
Thương vụ đã bị kết luận vi phạm và buộc các bên phải đàm phán hủy hợp đồng mua bán lô đất nói trên. Tại kỳ họp thường niên, lãnh đạo của QCG cho biết doanh nghiệp này đã trả lại mặt bằng cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận.
Còn trong năm 2017, công ty có một số dự án đã bàn giao không đúng kế hoạch như dự án Marina và một số dự án do chuyển đổi công năng loại hình, thủ tục pháp lý quá chậm nên kế hoạch kinh doanh bị ảnh hưởng.
Cuộc đảo nợ của nhà Cường Đôla
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II của Quốc Cường Gia Lai, doanh thu và lợi nhuận của công ty đều giảm sâu. Cụ thể, dù chi phí bán hàng giảm mạnh 95% so với cùng kỳ năm trước, QCG lại ghi nhận chi phí quản lý doanh nghiệp tăng tới 380% lên 12,6 tỷ đồng.
Doanh thu thuần giảm 71% còn 86,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 98% còn 4,5 tỷ đồng. Lãi sau thuế thuộc cổ đông Công ty mẹ đạt 4,6 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, Quốc Cường Gia Lai đạt doanh thu thuần 437 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 53,5 tỷ đồng. Con số này lần lượt giảm 23% và 81% cùng kỳ năm trước. Như vậy, công ty chỉ hoàn thành 24% doanh thu và 17% kế hoạch lợi nhuận năm.
Một số chỉ tiêu kinh doanh trong Quý II.2018 của Quốc Cường Gia Lai (Ảnh: I.T)
Trong cơ cấu doanh thu, phần doanh thu bất động sản giảm 99% còn 2,57 tỷ đồng. Quốc Cường Gia Lai cho biết chưa bàn giao căn hộ cho khách hàng. Một phần lý do khác ảnh hưởng đến lợi nhuận là trong kỳ công ty không có thu nhập từ chuyển nhượng đầu tư tài chính như cùng kỳ năm trước (204,4 tỷ đồng).
Tính tới cuối quý II.2018, tổng tài sản của Quốc Cường Gia Lai đạt hơn 12.000 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho chiếm hơn 50%, lên tới hơn 7.100 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở dự án Khu dân cư Phước Kiển với giá trị tồn kho lên tới 4.786,23 tỷ đồng. Đây là một dự án khiến doanh nghiệp nhà Cường Đôla bế tắc trong 10 năm qua do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, chưa thể triển khai.
Bà Nguyễn Thị Như Loan và gia đình cho Quốc Cường Gia Lai vay gần 770 tỷ đồng, gấp 22 lần năm 2016
Trong khi đó, nợ phải trả vẫn chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản của Quốc Cường Gia Lai. Tính tới cuối quý II.2018, tổng nợ phải trả ở mức 7.992 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,93 lần.
Theo cơ cấu, có 586 tỷ đồng vay nợ ngân hàng, chiếm 5% tổng tài sản, đồng nghĩa với việc chiếm 7% tổng nợ phải trả, so với 44% vào cuối 2016. Cơ cấu nợ của Quốc Cường tập trung tới 79% vào khoản phải trả ngắn hạn khác, bao gồm hơn 2.882 tỷ tiền nhận đặt cọc của Sunny cho Dự án Phước Kiển, 1.500 tỷ đồng phải trả bên thứ 3 và 1.950 tỷ phải trả bên liên quan.
Trong con số 1.950 tỷ đồng là các khoản vay của công ty nhà Cường Đôla với các tổ chức và cá nhân liên quan, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc cho vay 259,5 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt và bà Nguyễn Ngọc Huyền My là em gái và con ruột bà Loan cũng cho vay 510 tỷ đồng. Như vậy bà Loan và gia đình cho công ty vay gần 770 tỷ đồng, gấp 22 lần năm 2016.
Trong khi đó, ông Lại Thế Hà, Thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc cùng con gái là bà Lại Thị Hoàng Yến cũng cho công ty vay 333 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.