Mắt thấy, tai nghe ở "thành phố bãi vàng"

Thứ sáu, ngày 20/08/2010 18:23 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ở bãi vàng Mà Xa Phìn, có người trúng lớn mua được cả nhà lầu, xe hơi. Thế nhưng, cũng có những người chỉ mong kiếm đủ tiền để hút hít qua ngày...
Bình luận 0
img
Những quán bán hàng với giá cắt cổ.

Phận “dẹo”

Theo “tướng” Việt, làm vàng bây giờ khác xưa nhiều. Bởi thế, đã làm với ông thì không có chuyện phu vàng bị vắt sức.

“Làm vàng mà vắt sức quân thì chỉ có tai nạn sập tiệm thôi. Bây giờ người ta phải ăn, phải nghỉ mới làm được chứ, chế độ của bọn anh áp dụng 1 ngày 3 lạng thịt là đủ 3 lạng/người không ăn thiếu, không ăn thừa, cứ 9 giờ là quân phải vào lán đi ngủ, có việc ra ngoài phải xin phép.

Một tháng cấp 300.000 tiền điện thoại, không đứa nào được gọi hơn. Riêng khoản thuốc phiện thì cấm tiệt, nhiều người nghiện vào đội của bọn anh làm đã cai được. Lương đảm bảo thanh toán 3 tháng 1 lần, về quê nghỉ còn cấp thêm cả tiền tàu xe.

Bọn anh xác định nghề làm vàng là chung thân rồi, tuy có lúc được lúc mất, nên phải làm nghiêm chỉnh. Có những quả cắt hầm tốn cả tỷ bạc, xôi hỏng bỏng không phải về bán nhà trả lương cho quân, đối với bọn anh cũng là chuyện bình thường” - “tướng” Việt cho biết.

Tuy nhiên, những người may mắn gặp được chủ tốt như “tướng” Việt cũng không phải là nhiều. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở bãi vàng này, đội quân “dẹo bãi” cũng có đến hàng trăm. Tất cả đều là những kẻ nghiện ma tuý, không chủ nào dám chứa.

Bán bao đất có vàng được 100 nghìn đồng, Bình - một dân “dẹo” quê ở Chợ Đồn (Bắc Kạn) chạy vào quán mua luôn 2 gói ma tuý để xài gấp. Sau cơn phê, hắn bảo, đã 20 năm nay, cứ bãi nào rộ là hắn tìm đến. Hắn nghiện ma tuý từ khi còn làm vàng ở Ma Lu (Bắc Kạn).

“Ngày xưa chủ nuôi cả cơm, cả thuốc, bây giờ thuốc đắt không ai kham nổi, tao thành người tự do, ngày làm vài ba bao đất bán lại cho bưởng kiếm tiền hút hít. Nhiều lúc bọn nó cấm không cho vào hang, đói tao toàn phải đi xin cơm thừa, bạ chỗ nào ngủ chỗ đó. Ở bãi vàng này, chết sống lúc nào chẳng ai biết. Năm ngoái có thằng “dẹo” như tao đi trộm nẹp khoác về, đêm trượt vách núi chết mà không có ai biết quê quán ở đâu. Người trên bãi đành cắt ván rồi vùi tạm trên núi. Mưa gió mối xông chỉ vài năm là mất cả xác!”.

Đang kể chuyện đời với tôi, thì Bình được mấy ông cùng cảnh rủ đi liên hoan tiếp. Hoá ra mấy ngày lở đất đá người ta đánh mìn phá đá tìm người, vô tình đã đánh đúng chỗ có vàng, nên bọn “dẹo” như hắn chỉ việc nhặt bán không phải đi đẽo trộm nẹp nữa. Thấy Bình đi khuất, một gã thanh niên đứng gần tôi bảo: “Bọn này như kền kền ấy. Mỗi năm có vài vụ sập hầm thì ấm lắm đây!”.

Ổ tệ nạn

Ông Nguyễn Thanh Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn cho biết, huyện đã bất lực trong việc quản lý bãi vàng Xa Phìn. Theo ông Tân, sở dĩ có việc buông lỏng trên là do bãi vàng quá xa trung tâm, thêm vào đó, huyện lại ít người cũng như thiếu các cơ sở pháp lý để quản lý.

Mà Xa Phìn hiện tại có khoảng 40 quán bán hàng phục vụ nhu cầu ăn uống của cả nghìn người. Các chủ quán thì lúc nào cũng vô tư chém thẳng tay khiến nhiều ông chủ vàng cò con rơi vào cảnh túng quẫn.

Đang ngồi thưởng thức ấm nước trà buổi sáng thì lán của “tướng” Việt có khách. Ông bạn đồng hương tên Mạnh cũng là một “bưởng” vàng từng lên voi xuống chó, mới kéo quân lên được 2 tuần, gãi đầu gãi tai bảo: “Ông còn tiền không, cho tôi vay chục trai tạm nuôi quân ít bữa. Ở đây cái gì cũng đắt như cắt cổ!”. Cầm cục tiền trong trong tay, “bưởng” Mạnh lượn ra khu quán bán thực phẩm. Sau vài cái chỉ tay, cục tiền chục triệu của “tướng” Mạnh chỉ còn vài đồng bạc mỏng dính.

Ngồi ở lán nhìn mấy cửu vạn gùi hàng về, “bưởng” Mạnh nói: “Chưa một bãi vàng nào đắt như ở đây! Thứ nào cũng đắt gấp đôi, thậm chí gấp ba. Theo “bưởng” này thì ở đây chỉ có ma tuý là vừa rẻ vừa nhiều, mua lúc nào cũng có.

Nhờ sự “mở đường” của “tướng” Việt, tôi tới lán của “tướng” Chính. “Tướng” Chính được coi là thổ địa ở bãi vàng này vì đã có thâm niên 2 năm bám bãi. Như đã hẹn, cứ sau giờ cạo máng gom vàng, các “bưởng” lại tụ tập về lán này cùng nhau đánh xóc đĩa.

Chẳng cần thăm dò vì đã có quy định bất thành văn, mỗi lần xuống thấp nhất là 1 triệu “trống cửa”, nếu “tướng” nào kết thì đặt cao bao nhiêu tuỳ thích. Ngay từ những lần xóc đầu tiên, tiền các “bưởng” xuống chiếu khiến tôi hoa cả mắt.

Sau mấy lần mua chẵn chết chẵn, mua lẻ chết lẻ, “tướng” Vinh mất ngót trăm triệu, phủi quần đứng dậy hắn bảo: “Đen quá, các bố chơi đi tôi kiếm chỗ giải đen đây!”. Thấy Vinh đang lúi húi xỏ ủng vào chân, “tướng” Chính mách: “Hôm nay ra suối con Tuyết nó mở hàng rồi đấy!”. Nghe vậy, Vinh ừ một tiếng rồi lặn mất dạng.

Trận xóc đĩa sát phạt nhau đúng theo quy định đến 10 giờ thì nghỉ. Các “tướng”, “bưởng” từng tốp dắt nhau ra “khu đèn đỏ”. Thấy các đại ca có máu mặt ở bãi xuất hiện, Tuyết chạy ra đón. “Chắc lại vừa tan xóc đĩa chứ gì!? Không gọi sớm để em bảo chúng nó hoãn khách, các sếp không phải đợi, mất hứng!” - cô ả mau miệng.

Tôi tranh thủ tỉ tê với Tuyết về cái nghề mua vui ở bãi vàng này. Tuyết bảo: “Bọn em có 12 đứa, toàn chồng chết, chồng bỏ nên mới lên đây đánh đu kiếm ăn thôi! Lên đây không bị chê nhiều và kiếm ăn cũng đều đều!”.

Một đêm ở bãi vàng chỉ được kết thúc sau những đợt vào cữ thuốc. Ở đây không ai có thể thống kê hết được những con nghiện nhưng theo quan sát của chúng tôi, có đến 80% dân ở bãi vàng này đều liên quan hoặc nghiện ma tuý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem