Mất tiền "bí ẩn" trên những chuyến bay và quá trình bắt giữ "hành khách đặc biệt"

Bát Phong Thứ tư, ngày 08/01/2025 18:03 PM (GMT+7)
Cục Quản lý Xuất nhập cảnh cho biết kẻ phạm tội thường xuyên nhập và xuất cảnh tại Việt Nam với tần suất cao, lên đến hàng trăm lượt mỗi năm, liên tục thay đổi hành trình bay để tránh bị phát hiện rồi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản.
Bình luận 0

Ngày 8/1, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an thông tin về hai vụ trộm tài sản xảy ra trên các chuyến bay của một hãng hàng không vào cuối tháng 12/2024.

Theo nhà chức trách, ngày 23/12/2024, lực lượng An ninh trên không phối hợp cùng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh đã bắt giữ hai nghi phạm, gồm Han Qiang (51 tuổi) và Chen Heping (43 tuổi), để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản.

Cụ thể, trên chuyến bay VJ633 từ Đà Nẵng đến TP.HCM, Han Qiang bị bắt quả tang khi lén lút lục soát hộc hành lý xách tay và chiếm đoạt khoảng 60 triệu đồng từ tài sản của một hành khách người Việt. Trong khi đó, Chen Heping đã trộm 10 triệu đồng từ hành lý của một hành khách người Romania.

img

Một đối tượng người nước ngoài bị lực lượng chức năng bắt giữ. Ảnh: CACC.

Chỉ một ngày sau, vào 24/12/2024, trên chuyến bay VJ1630 từ TP.HCM đến Đà Nẵng, lực lượng an ninh đã phát hiện Chen Guangdong (54 tuổi) thực hiện hành vi tương tự, lấy cắp tài sản trị giá khoảng 43 triệu đồng từ anh T.N.S. (29 tuổi, trú tại Hải Dương), khi hành khách đang làm thủ tục lên tàu bay.

Cục Quản lý Xuất nhập cảnh đã khởi tố hai vụ án hình sự liên quan đến hành vi trộm cắp tài sản, đồng thời chuyển hồ sơ vụ việc đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM để xử lý theo thẩm quyền.

Cơ quan này cũng cho biết, trong năm 2024 (tính đến tháng 10), đã ghi nhận 30 vụ trộm cắp trên các chuyến bay quốc tế đến và đi từ Việt Nam, với 33 đối tượng là người nước ngoài bị đưa ra ánh sáng.

"Những hành vi trộm cắp trên các chuyến bay có xu hướng gia tăng, không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn ảnh hưởng đến uy tín của các hãng hàng không, cũng như hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế," đại diện Bộ Công an nhận định.

img

Tang vật của các đối tượng bị lực lượng chức năng thu giữ. Ảnh: CACC.

Theo Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, các đối tượng này thường hoạt động theo nhóm, với nhiệm vụ được phân chia rõ ràng. Một số thực hiện việc trộm cắp tài sản, số khác đảm nhiệm việc cất giấu và tẩu tán tang vật.

Những kẻ phạm tội thường xuyên nhập cảnh và xuất cảnh Việt Nam với tần suất cao, lên đến hàng trăm lượt mỗi năm. Chúng thay đổi chặng bay, hãng hàng không liên tục và có hành trình phức tạp, như nhập cảnh tại Tân Sơn Nhất rồi bay nội địa đến Đà Nẵng, Hà Nội, Cam Ranh hoặc Phú Quốc, trước khi xuất cảnh đi nước khác. Đáng chú ý, chúng thường không mang hành lý ký gửi và đặt vé sát giờ bay để tránh bị phát hiện.

Một số đối tượng còn chọn ghế ngồi ở vị trí thuận lợi để dễ dàng thực hiện hành vi phạm pháp. Thậm chí, chúng còn mua vé hạng thương gia nhằm nhắm vào các hành lý có giá trị cao hoặc lợi dụng chế độ ưu tiên để tiếp cận tài sản của người khác

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem