TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Đề nghị mức án với 2 ông Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân; bắt kẻ cướp tiệm vàng

A.Đ (T/H) Thứ năm, ngày 09/01/2025 06:00 AM (GMT+7)
Đề nghị mức án với 2 ông Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân; bắt nghi phạm cướp tiệm vàng ở Quảng Nam; Bộ Công an nói gì về tin đồn "lãnh đạo ACB đánh bạc, chuyển tiền ra nước ngoài"?... là những tin nóng 24 giờ qua.
Bình luận 0

Đề nghị mức án với 2 ông Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân

Chiều 8/1, tại phiên toàn xét xử bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân và các bị cáo đã bước vào phần tranh luận, đại diện Viện KSND tỉnh đã đề nghị mức án cho bị cáo.

Cụ thể, mức án Viện Kiểm sát đề nghị như sau:

Bị cáo Phạm Minh Cường (SN 1986, thường gọi là Cường "quắt", huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình): 7 đến 8 năm về tội "Cưỡng đoạt tài sản", tổng hợp hình phạt của các bản án trước buộc bị cáo chấp hành theo quy định.

Bị cáo Vũ Đăng Phương (SN 1982, Thái Thuỵ, Thái Bình, lao động tự do): 6 đến 7 năm về tội "Cưỡng đoạt tài sản", tổng hợp hình phạt với các bản án trước buộc bị cáo chấp hành theo quy định.

Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng bị đề nghị từ 13 đến 15 năm 6 tháng tù - Ảnh 1.

Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng và các bị cáo tại tòa. Ảnh: Đ.X

Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng - cựu Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù tội "Cưỡng đoạt tài sản"; 10 đến 12 năm tù tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", tổng hợp buộc ông Nhưỡng chịu mức án từ 13 đến 15 năm 6 tháng tù.

Bị cáo Lê Thanh Vân (SN 1964, cựu Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, cựu Đại biểu Quốc hội khoá XV): Từ 7 đến 9 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".

Bị cáo Nguyễn Văn Vương (SN 1976, Đặng Xá, Gia Lâm, TP.Hà Nội, cựu chuyên viên Vụ Pháp luật – Văn phòng Chủ tịch nước: 13 đến 14 năm tù tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".

Trước đó, vào buổi sáng 8/1, trả lời thẩm vấn của HĐXX, trước những lời khai của bị cáo Nguyễn Văn Vương - cựu chuyên viên Vụ pháp luật - Văn phòng Chủ tịch nước khai cho ông Lưu Bình Nhưỡng suất đất ngoại giao ở huyện Đông Anh, bị cáo Nhưỡng nói không đúng.

Bị cáo Nhưỡng trình bày, với suất đất đó, bản thân ông sẽ phải trả tiền thuế và các phí liên quan. Sau này ông được một người quen cho biết suất đất trên là bất hợp pháp, đang nằm trong quy hoạch, không thể giao dịch.

"Hôm nay, bị cáo cảm ơn anh Vương trước thanh thiên, bạch nhật và HĐXX đã nhận là nói dối tôi" – bị cáo Lưu Bình Nhưỡng nói.

Bị cáo Nhưỡng khai, cho suất này là để lại suất rẻ, tham gia đầu tư ngay từ đầu chứ không phải là cho không suất đất. Ông Nhưỡng nghe dự kiến đây sẽ là dự án kết hợp thương mại du lịch, tuy nhiên mức độ quan tâm của bị cáo này với chỗ đất được cho không cao.

Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng bị đề nghị từ 13 đến 15 năm 6 tháng tù - Ảnh 2.

Bị cáo Lê Thanh Vân trình bày trước toà, liên quan đến dự án 36ha, ông chuyển đơn đến Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh thời điểm đó thay vì UBND tỉnh là do có vai trò của Bí thư. Ảnh: Truyền hình Thái Bình

Liên quan đến dự án khu dân cư dịch vụ phía Bắc kênh làm mát Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh (Dự án 36ha), ông Nhưỡng xác nhận được Vương nhờ chuyển đơn lên cơ quan chức năng và cho rằng "đây cũng là trách nhiệm bình thường" của mình, nhưng ông "không sốt sắng".

Bị cáo này cũng xác nhận đã 2 lần chuyển đơn liên quan dự án này vì lần đầu tiên đọc văn bản trả lời của tỉnh Quảng Ninh không thấy thỏa đáng nên tiếp tục chuyển đơn đến Thủ tướng.

Trả lời thẩm vấn về việc chuyển đơn, ông Nhưỡng nói khi là đại biểu Quốc hội phải đeo bám đến cùng sự việc, đại biểu Quốc hội có thể được dùng nhiều cách để giám sát việc chuyển đơn và đại biểu Quốc hội cũng có thể chuyển đơn đến các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền.

Cũng tại phiên xử sáng cùng ngày, luật sư đã nêu vấn đề về bộ cánh cổng gỗ mà Cường "quắt" (Phạm Minh Cường, 1 bị cáo trong vụ án) tặng nhà thờ gia đình ông Nhưỡng bị quy kết là tang vật vụ án, ông Nhưỡng nói nếu bộ cánh cổng này Cường "quắt" tặng với mục đích giải quyết việc cho Bùi Văn Thao (người làm của Cường, có xảy ra tranh chấp đất đai ở TP.Hải Phòng và nhờ ông Nhưỡng can thiệp) sẽ là một sự "ô nhục" và phải tháo ra.

Với ông Lê Thanh Vân, bị cáo này khai bản thân và bị cáo Vương không thỏa thuận gì với nhau về việc cho suất đất ngoại giao.

Bị cáo Vân nói bản thân luôn xác định lô đất này để đầu tư chứ không phải món quà được tặng. Bị cáo Vân khai rằng đã liên tục nhắc bị cáo Nhưỡng khi nào dự án thành công nhớ nhắc mình chuẩn bị tiền trước 10, 15 ngày để nộp cho chủ đầu tư.

Về việc đứng tên đất, bị cáo Nhưỡng bảo bị cáo Vân phải có một người đứng ra cho tên vào hồ sơ nên ông Vân mới gửi căn cước công dân của con trai mình.

Ông Vân cũng trình bày đến giờ cũng không biết mảnh đất được nói tới nằm cụ thể ở đâu. Bị cáo Vân gửi lời cảm ơn bị cáo Vương hôm nay đã nói ra sự thật về lô đất trên.

Với việc ông Vân chuyển đơn cho ông Nguyễn Xuân Ký (Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh thời điểm đó) mà không phải cơ quan chức năng có thẩm quyền đối với Dự án 36ha là UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Vân cho biết do đã gọi điện cho một lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, được biết việc xem xét dự án còn phải do chủ trương chung, ở đây có vai trò của Bí thư nên mới chuyển đơn như thế.

Về việc chuyển đơn nhiều lần, bị cáo Vân khai chuyển nhiều lần là theo nguyên tắc, khi có đơn thì với vai trò là đại biểu Quốc hội thì lại chuyển đơn.

Cơ quan truy tố cáo buộc, ông Lê Thanh Vân từ tháng 8/2020 đến tháng 11/2023 là đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Ngân sách, Quốc hội, mặc dù không thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh và không thuộc lĩnh vực phụ trách của Uỷ viên thường trực Ủy ban Ngân sách, Quốc hội nhưng trong tháng 6, 7, 8, 12/2020, ký 4 văn bản can thiệp đến lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ để đồng ý cho Công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện Dự án 36ha, hưởng lợi 1 lô đất trị giá hơn 1,8 tỷ đồng ở xã Vân Nội, nhằm hưởng lợi 1.000m2 đất trị giá 1,95 tỷ đồng ở dự án.

Bắt nghi phạm cướp tiệm vàng ở Quảng Nam

Ngày 8/1, thượng tá Nguyễn Văn Đây - Trưởng Công an huyện Tuy Phước (Bình Định) cho biết, trên địa bàn huyện vừa xảy ra một vụ cướp tiệm vàng và nghi phạm đã bị bắt ngay sau đó khi đang trốn trên ngọn cây dừa.

Theo thượng tá Đây, khoảng 20h30 ngày 6/1, đối tượng Trần Quốc Việt (45 tuổi, trú tỉnh Gia Lai) mặc áo khoác đen, đội mũ, đeo khẩu trang, găng tay, đi xe máy không gắn biển số, mang theo bình xịt hơi cay, búa đến tiệm vàng M.N (nằm trên quốc lộ 1, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) để cướp.

Khi ông T.V.A (55 tuổi, chủ tiệm vàng) vừa hỏi về nhu cầu mua, bán thì Việt đã dùng bình xịt hơi cay và búa tấn công ông A. Tiếp đó, Việt dùng búa phá tủ kính cướp vàng rồi tẩu thoát.

Sự thật bất ngờ về gã trai dùng búa cướp tiệm vàng rồi leo lên ngọn cây dừa trốn- Ảnh 1.

Gã trai dùng búa cướp tiệm vàng rồi leo lên ngọn cây dừa trốn. Ảnh: CA.

Thượng tá Đây cho hay, ngay sau khi tiếp nhận thông tin vụ việc, Công an huyện Tuy Phước đã huy động hơn 100 người để khoanh vùng và truy bắt thủ phạm.

Tìm kiếm nhiều nơi dưới mặt đất nhưng không có kết quả, lực lượng chức năng leo lên mái nhà dân và cây cối để tìm.

"Lúc leo lên cây, chúng tôi phát hiện Việt đang đu trên ngọn cây dừa để trốn. Thấy công an, Việt nhảy xuống định bỏ chạy nhưng đã bị khống chế. Chúng tôi đã thu giữ một số nữ trang, vàng trên người của Việt", thượng tá Đây nói.

Làm việc với công an, đối tượng Việt khai do cần tiền tiêu xài, trả nợ nên đã chuẩn bị phương tiện, hung khí đi dọc quốc lộ 1 từ TP.HCM qua các tỉnh để tìm mục tiêu cướp tài sản. Khi tới tiệm vàng nói trên thấy ít người qua lại nên Việt ra tay.

Công an huyện Tuy Phước đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ đối với Trần Quốc Việt để điều tra tội cướp tài sản.

Được biết, Việt là người có 2 tiền án về tội Trộm cắp tài sản.

Bộ Công an nói gì về tin đồn "lãnh đạo ACB đánh bạc, chuyển tiền ra nước ngoài"?

Chiều 8/1, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, đại diện Bộ Công an trả lời báo chí về các vụ việc thông tin thất thiệt, bịa đặt trên mạng xã hội, cụ thể là thông tin lãnh đạo Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đánh bạc, chuyển tiền ra nước ngoài hàng chục triệu USD.

Bộ Công an nói gì sau khi ACB "vướng" tin thất thiệt - Ảnh 1.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên - Phó Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an. Ảnh: VGP

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên - Phó Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, việc đưa tin thất thiệt, có tính chất vu khống, bịa đặt là hiện tượng rất đáng lo ngại, là dấu hiệu xuống cấp của đạo đức xã hội.

"Những hành vi nêu trên, tuỳ mức độ có thể xử phạt hành chính đến xử lý hình sự. Ví dụ năm qua bà Nguyễn Phương Hằng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam đã bị Công an TP.HCM xử phạt về hành vi thông tin sai sự thật", Thiếu tướng Tuyên nói.

Về vụ thông tin thất thiệt liên quan Ngân hàng ACB, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, đến nay các cơ quan chức năng chưa nhận được đơn thư của các bên có liên quan. Ông Tuyên khẳng định khi nào có đơn thư, cơ quan công an sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

Thiếu tướng Tuyên cũng nhấn mạnh sẽ xử lý nghiêm đối với các hành vi đưa tin thất thiệt, không chính xác, vu khống, bôi nhọ trên mạng xã hội, nhất là các hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ, an ninh đầu tư. Đồng thời, ông Tuyên bày tỏ mong muốn các cơ quan truyền thông phối hợp đưa tin tuyên truyền, đẩy lùi những thông tin xấu độc.

Trước đó, một số cá nhân đã sử dụng mạng xã hội livestream đưa thông tin về "lãnh đạo ACB đánh bạc, chuyển tiền ra nước ngoài". Sau đó, tối 4/1, ACB phát hành thông cáo chính thức bác bỏ những thông tin sai lệch đang lan truyền trên mạng xã hội liên quan đến lãnh đạo cấp cao.

ACB cho biết, ngân hàng đã nhận được thông tin về một số cá nhân lợi dụng mạng xã hội để phát sóng trực tiếp (livestream) đưa thông tin thất thiệt về lãnh đạo ACB đánh bạc, chuyển tiền ra nước ngoài hàng chục triệu USD… Ngân hàng khẳng định nội dung trên là bịa đặt.

Bộ Công an nói gì sau khi ACB "vướng" tin thất thiệt - Ảnh 2.

ACB phản bác các tin đồn thất thiệt. Ảnh: Ngân hàng ACB

Theo thông báo của ACB, các thông tin sai sự thật này có nguy cơ gây xáo trộn, hoang mang dư luận, ảnh hưởng xấu đến an ninh tài chính, tiền tệ của ngành tài chính, ngân hàng tại Việt Nam.

Phía ngân hàng đã thực hiện thu thập toàn bộ những nội dung đăng tải, lan truyền thông tin sai sự thật theo đúng trình tự pháp luật để báo cáo sự việc đến các cơ quan quản lý có thẩm quyền xử lý theo đúng pháp luật.

Triệt phá đường dây lập 80 công ty "ma", bán hóa đơn khống giao dịch hơn 10.000 tỷ đồng

Ngày 8/1, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) cho biết đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Lê Thiện Nhật Thi (SN 1989), Lò Ái Nhi (SN 1991) cùng trú tại Quận Gò Vấp, TP.HCM; Trần Vinh Sơn (SN 1988), trú tại tỉnh Ninh Thuận và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Tô Diễm Xuân (SN 1994), trú tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế về hành vi mua bán trái phép hoá đơn.

Triệt phá đường dây bán hóa đơn khống hơn 10.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Công an thành phố Gia Nghĩa làm việc với nhóm đối tượng lập hơn 80 công ty ma để bán hóa đơn khống.

Theo kết quả điều tra, đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng do Lê Thiện Nhật Thi cầm đầu đã thành lập trên 80 công ty để thực hiện hành vi bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng khống.

Từ năm 2022 đến nay, Lê Thiện Nhật Thi, Lò Ái Nhi, Trần Vinh Sơn, Diễm Xuân và một số đối tượng khác đã xuất bán hơn 20 ngàn hóa đơn giá trị gia tăng cho các công ty, doanh nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước với tổng số tiền giao dịch qua tài khoản ngân hàng là hơn 10 ngàn tỷ đồng, tổng số tiền hàng hóa sau thuế ghi trên hóa đơn khoảng 2.150 tỷ đồng, thu lợi bất chính nhiều tỷ đồng.

Triệt phá đường dây bán hóa đơn khống hơn 10.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Tang vật thu giữ trong quá trình điều tra nhóm đối tượng bán hóa đơn khống.

Thượng tá Nguyễn Xuân Đức, Trưởng Công an thành phố Gia Nghĩa cho biết, vụ án đang được Cơ quan CSĐT Công an thành phố Gia Nghĩa tiếp tục mở rộng điều tra để xử lý nghiêm các đối tượng liên quan, trong đó có các đối tượng mua hoá đơn trái phép của các đối tượng này.

Diễn biến mới vụ lăng Chúa Nguyễn Phúc Khoát bị kẻ gian đào hố nghi để tìm vàng

Về vụ lăng Chúa Nguyễn Phúc Khoát ở Huế bị kẻ gian đào hố nghi để tìm vàng, ngày 8/1, theo tin từ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cơ quan này đã làm việc với công an địa phương và đề nghị công an vào cuộc điều tra vụ lăng Chúa Nguyễn Phúc Khoát bị kẻ gian đào hố nghi để tìm vàng, châu báu.

Diễn biến mới vụ lăng Chúa Nguyễn Phúc Khoát bị kẻ gian đào hố nghi để tìm vàng- Ảnh 1.

Diện tích hố đào tại lăng Chúa Nguyễn Phúc Khoát khoảng 50cm x 60cm. Hiện hố đào này đã được lấp tạm lại bằng đất đá. Ảnh: Đ.S.

Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho hay, tình trạng đào trộm lăng mộ của các ông hoàng bà chúa được chôn cất ở Huế để tìm vàng bạc, châu báu, đồ tùy táng có giá trị từng diễn ra từ cách đây khoảng 40 năm. Nhiều năm trở lại đây gần như không còn xảy ra tình trạng này, nên vụ đào trộm ở khu lăng Chúa Nguyễn Phúc Khoát là chuyện hy hữu.

Cùng với việc đề nghị công an vào cuộc điều tra, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cũng đã báo cáo vụ việc đến UBND thành phố Huế để kịp thời có những chỉ đạo liên quan nhằm ngăn chặn hành vi xâm phạm các di tích, lăng mộ trên địa bàn.

Hiện Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã chỉ đạo Phòng Quản lý bảo vệ tăng cường lực lượng ứng trực, tuần tra ở lăng các chúa Nguyễn và các di tích trong khu vực. Các lăng chúa Nguyễn nằm tập trung trên địa bàn phường Long Hồ, thuộc khu vực thượng nguồn sông Hương, nên Tổ bảo vệ cụm lăng Gia Long là lực lượng kiêm nhiệm công tác tuần tra bảo vệ và dọn dẹp vệ sinh ở các lăng này.

Diễn biến mới vụ lăng Chúa Nguyễn Phúc Khoát bị kẻ gian đào hố nghi để tìm vàng- Ảnh 2.

Một phần đất đá sau khi đào được kẻ gian đưa ra đổ phía sau vòng tường thành bên trong lăng Chúa Nguyễn Phúc Khoát. Ảnh: Đ.S.

Trước đó, Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc (hoàng tộc nhà Nguyễn) báo cáo đến Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Huế và các cơ quan liên quan vụ việc di tích lăng Trường Thái - nơi an nghỉ của Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714 - 1765) bị kẻ gian đào trộm nghi để tìm vàng, châu báu.

Ông Tôn Thất Vĩnh - Trưởng hệ 9 của Nguyễn Phúc tộc cho biết: Vào khoảng 9h ngày 5/1, ông và một số người đến dâng hương tại lăng Trường Thái (thuộc địa phận phường Long Hồ, quận Phú Xuân, thành phố Huế) thì phát hiện có một khu vực ở lăng bị đào bới. Ban đầu, khu vực này sau khi bị đào được lấp lại và rải lá khô phía trên để ngụy trang nên mọi người không để ý.

Sau đó, khi quét dọn lá khô, nhân viên bảo vệ phát hiện ra hố đào. Ngoài ra kẻ gian cũng đưa một phần đất đá đổ phía vòng thành phía sau lăng.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại lăng Trường Thái, kẻ gian đã đục phá bê- tông để đào một hố có kích thước khoảng 50cm x 60cm ngay phía đầu huyệt mộ. Hiện trường khu vực đào đã được lấp lại đất đá và một phần đất đá sau khi đào được đưa ra đổ phía sau vòng tường thành bên trong lăng.

Diễn biến mới vụ lăng Chúa Nguyễn Phúc Khoát bị kẻ gian đào hố nghi để tìm vàng- Ảnh 3.

Lăng Trường Thái- nơi an nghỉ của Chúa Nguyễn Phúc Khoát thuộc địa phận phường Long Hồ, quận Phú Xuân, thành phố Huế. Ảnh: Đ.S.

Một số người có mặt tại hiện trường phát hiện sự việc nhận định, khả năng hành vi đào trộm tại lăng Chúa Nguyễn Phúc Khoát diễn ra trong vài ngày trở lại đây, vì các dấu vết và đất đá còn rất mới, chưa có dấu hiệu bị tác động bởi thời tiết.

Chúa Nguyễn Phúc Khoát là vị chúa thứ 8 trong 9 chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Khoát được xem là "ông tổ" của áo dài Việt Nam. Những năm qua, ngành văn hóa Huế thường tổ chức lễ hành hương, tri ân Chúa Nguyễn Phúc Khoát trong các sự kiện tôn vinh áo dài.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem