"Mất trắng" hàng tỷ đồng do bão Yagi: Người dân mất khả năng trả nợ, ngân hàng nhập cuộc
"Mất trắng" hàng tỷ đồng do bão Yagi: Người dân không còn khả năng trả nợ, ngân hàng nhập cuộc
Huyền Anh
Thứ sáu, ngày 13/09/2024 14:35 PM (GMT+7)
Cơn bão Yagi càn quét khiến nhiều tài sản bị cuốn trôi, hàng chục nghìn tỷ đồng dư nợ vay ngân hàng của người dân và doanh nghiệp “mất trắng”, không còn khả năng trả nợ. Các ngân hàng thương mại đã bắt đầu nhập cuộc triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại.
Người dân mong được hoãn nợ, giãn nợ, vay thêm vốn hồi phục sản xuất
Thống kê sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Quảng Ninh, TP. Hải Phòng cho thấy dư nợ bị ảnh hưởng lớn sau bão số 3 (Yagi) thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh và thương mại, công nghiệp, xây dựng, thủy sản…
Tại Hải Phòng, số liệu thống kê cho thấy, đến hết ngày 10/9, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. Hải Phòng ghi nhận 890 khách hàng với tổng dư nợ là 15.686 tỷ đồng bị ảnh hưởng sau bão Yagi.
Tại Quảng Ninh, có tổng số 11.058 khách hàng, với tổng dư nợ 10.654 tỷ đồng (chiếm 5,6% tổng dư nợ toàn địa bàn) đã bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả bão Yagi để lại.
Chị Ngô Thị Thúy, Khu Thống Nhất 2, Tân An, Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh cho biết: Chị đầu tư 60 ô nuôi cá, mỗi ô có khoảng 500 con tại Cẩm Phả và 45 ô cá tại bến Giang. Qua một đêm bão, những gì còn lại chỉ là ít cá con giữ được tại lồng.
Chị Thúy chia sẻ, gia đình vay ngân hàng trên địa bàn 4 tỷ đồng để đầu tư vào bè cá, giờ đây chỉ mong sao được ngân hàng hoãn nợ, giãn nợ và cho vay mới để có thể hồi phục.
"Thiệt hại của gia đình lên tới 12 tỷ đồng. Chỉ cần ngân hàng tin tưởng cho chúng tôi vay vốn để nhanh chóng mua cá con thả kịp thời thì 2 năm thôi, chúng tôi có thể vực dậy và có tiền trả nợ ngân hàng", chị nói.
Ông Vũ Văn Cường, Khu 3 Tân An, thị xã Quảng Yên cũng bày tỏ xót xa khi gia đình thiệt hại gần 14 tỷ đồng vì mưa bão.
"Còn gì nữa đâu, 3 bè cá của gia đình tôi thiệt hại gần 14 tỷ đồng, có những nhà bên cạnh thiệt hại 20, 30 tỷ đồng. Nếu giờ ngân hàng siết nợ, chúng tôi cũng chẳng biết làm thế nào. Chỉ mong ngân hàng thương mà hoãn nợ, giãn nợ cho bà con, cho bà con vay tiền để làm lại", ông Cường bày tỏ.
Ngân hàng nhập cuộc
Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của bão Yagi, ngày 9/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều ngân hàng triển khai giảm lãi suất, cơ cấu nợ,… để hỗ trợ người dân đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Yagi tại nhiều tỉnh thành phố.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tiên phong, khi công bố triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân hiện hữu chịu ảnh hưởng do bão Yagi.
Theo đó, VPBank sẽ giảm trực tiếp lãi suất cho vay cho tất cả các khách hàng cá nhân có khoản vay hiện hữu tại ngân hàng và có tài sản bảo đảm. Cụ thể, các khoản vay trung và dài hạn sẽ được VPBank giảm 1% lãi suất, các khoản vay ngắn hạn được giảm 0,5% lãi suất. Chương trình hỗ trợ lãi suất của VPBank được triển khai từ 13/9 đến hết 31/12/2024, áp dụng tại tất cả các tỉnh thành phố đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Yagi như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái …
Bên cạnh giảm lãi suất vay, VPBank cũng điều chính mức ưu đãi lãi suất hấp dẫn chỉ 6,5%/năm cố định 12 tháng đầu tiên cho toàn bộ các khách hàng có nhu cầu vay trả nợ trước hạn tại ngân hàng khác hoặc vay mua BĐS, vay xây dựng sửa chữa nhà.
Một ngân hàng khác là Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng đã nhập cuộc. Cụ thể, từ nay đến 31/12/2024, MSB điều chỉnh giảm lãi suất cho vay 1%/năm so với lãi suất hiện hành dành cho các khách hàng là hộ kinh doanh đang vay vốn tại MSB với thời gian vay lên đến 60 tháng.
Đối với khách hàng mới là chủ hộ kinh doanh, MSB cung cấp các gói vay ưu đãi bao gồm hạn mức tín chấp lên đến 2 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 11,5%/năm và hạn mức thế chấp lên đến 20 tỷ đồng với lãi suất từ 5,8%. Hạn mức cao, thời gian vay dài hạn đồng thời được hỗ trợ đa dạng mục đích tài trợ vốn cũng như hình thức cấp tín dụng như khoản vay, thấu chi, bảo lãnh và thẻ tín dụng... thực sự là nguồn trợ lực lớn giúp các hộ kinh doanh vững vàng sau bão lũ.
Đối với khách hàng là doanh nghiệp nhỏ, MSB cũng đẩy mạnh các gói tín dụng cạnh tranh với hạn mức vay thế chấp lên đến 6 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 4,99% và hạn mức vay tín chấp lên đến 2 tỷ đồng, lãi suất từ 7,7%.
Về thời gian vay, doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ vay vốn lên đến 36 tháng và các hình thức vay đa dạng như cho vay bổ sung vốn lưu động, cho vay trung dài hạn, thấu chi, thẻ tín dụng và tài trợ thương mại... góp phần tháo gỡ khó khăn, thiệt hại do bão lũ đề lại.
Trong nhóm ngân hàng quốc doanh, ông Lê Hoàng Tùng _ Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, ước tính đã có gần 6000 khách hàng của Vietcombank bị ảnh hưởng với tổng dư nợ khoảng 71.000 tỷ đồng, trong đó riêng tại địa bàn Hải Phòng, Quảng Ninh có 230 khách hàng bị ảnh hưởng với tổng dư nợ khoảng 13.300 tỷ đồng.
Trong tình hình này, để hỗ trợ, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Vietcombank đã xem xét giảm lãi suất 0,5% trong giai đoạn từ ngày 6/9/2024 đến ngày 31/12/2024 đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, với dư nợ khoảng 130 nghìn tỷ và số lượng khách hàng được giảm lãi suất là gần 20.000 khách hàng. Chương trình giảm lãi suất áp dụng cho dư nợ hiện hữu cũng như dư nợ vay mới nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân có thể ổn định sản xuất, ổn định cuộc sống và tiếp cận với vốn tín dụng ngân hàng.
Ông Đoàn Ngọc Lưu - Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, Agribank cũng kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng, khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Cụ thể, Agribank đã chỉ đạo Công ty Bảo hiểm ABIC khẩn trương tiến hành các thủ tục hỗ trợ, đền bù đối với các khách hàng, đảm bảo hỗ trợ khách hàng kịp thời; Thành lập các Đoàn công tác gặp gỡ, động viên, chia sẻ trực tiếp với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3; nắm bắt, đánh giá tổng thể mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn, dự kiến dư nợ bị ảnh hưởng, khả năng trả nợ, các giải pháp triển khai hỗ trợ khách hàng cụ thể: Triển khai các biện pháp, cơ cấu đối với dư nợ cho vay theo Nghị định 55, cơ cấu lại dư nợ bị ảnh hưởng theo Thông tư 02, giảm lãi suất, cho vay mới, khẩn trương hỗ trợ khách hàng khôi phục, ổn định hoạt động kinh doanh…; Chủ động phối hợp với chính quyền, hỗ trợ người dân tại địa phương, thông qua công tác ủng hộ, anh sinh xã hội, góp phần khắc phục hậu quả để lại do cơn bão số 3.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.