Máu đổ trên đầm phá

Thứ sáu, ngày 19/07/2013 06:43 AM (GMT+7)
Chưa bao giờ dân nuôi trồng thủy sản trên phá Tam Giang (Thừa Thiên- Huế) lại hoang mang vì nạn thủy tặc ngang nhiên trộm, cướp thủy sản như hiện nay. Sự đụng độ giữa người dân và thủy tặc ngày càng gia tăng và máu đổ ngày càng nhiều trên đầm phá.
Bình luận 0
“Thủy chiến”
Giữa trưa, nắng như đổ lửa, nhưng vừa nghe tin chúng tôi có mặt ở nhà ông Nguyễn Khôi - Trưởng thôn Mai Dương (xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền), rất nhiều người dân đã hớt hải chạy đến để bày tỏ sự bức xúc và nỗi lo sợ trước sự hoành hành của thủy tặc. “Tức nước vỡ bờ, vừa có đối tượng bị cả thôn vây bắt và đánh trọng thương. Rứa mà chúng vẫn ngày càng ngang ngược”- ông Khôi kể.
Ngày càng có nhiều diện tích hồ nuôi của người dân thôn Mai Dương bị thủy tặc cắt lưới xông vào vét sạch thủy sản.
Ngày càng có nhiều diện tích hồ nuôi của người dân thôn Mai Dương bị thủy tặc cắt lưới xông vào vét sạch thủy sản.

Vụ “thủy chiến” mà ông Khôi nói xảy ra trước hôm chúng tôi có mặt mấy bữa. Tối hôm đó, hồ nuôi của anh Nguyễn Chi bị 2 thủy tặc cắt lưới xông vào dùng xung điện đánh bắt tôm, cá. Biết rõ nếu đơn thương đương đầu với thủy tặc sẽ thiệt thân nên anh Chi phải huy động dân làng hỗ trợ. Một lát sau, hàng chục người dân mang theo gậy gộc dong thuyền ra phá đuổi thủy tặc.
Thấy người dân ùa ra, 2 thủy tặc lập tức lăm lăm hung khí và xung điện nghênh chiến. Sự manh động của thủy tặc khiến mọi người “sôi máu”, nên tập kích tới tấp. Sau khoảng 20 phút quần đảo nhau trên phá, thuyền của thủy tặc bị thuyền của dân tông chìm. Bơi lặn giỏi nên thủy tặc không bó tay chịu trói mà lặn trốn dưới nước. Người dân dùng sào, gậy gộc xăm tới tấp xuống phá một lúc thì bắt được thủy tặc nữ.
Phải 2 tiếng đồng hồ sau, khi một khoảng đầm phá rộng lớn bị người dân xăm nát thì thủy tặc nam mới ngoi đầu lên. Thủy tặc này sa lưới trong tình trạng bị 3 vết thương lớn ở đầu và gò má do bị người dân xăm trúng. Đối tượng được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện với máu me đầm đìa. Danh tính của 2 thủy tặc được xác định là Trần Quốc Thông và Đặng Thị Thu, ngụ thôn Thủy Tú (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà). Thông và Thu là vợ chồng.
Tiếp đó, đêm 7.7, được sự phối hợp của lực lượng công an xã và huyện, người dân Mai Dương lại ùa ra phá vây bắt thủy tặc. Bị tập kích bất ngờ trong đêm tối nhưng 2 thủy tặc Huỳnh Cháu và vợ là Huỳnh Thị My (ngụ thôn Thủy Phú, xã Hương Vinh) vẫn lăm lăm hàng nóng và xung điện chống trả. Sau một lúc quần nhau, thuyền của vợ chồng Cháu bị thuyền của dân tông chìm. Rất giỏi bơi lặn nhưng cặp vợ chồng này không thể thoát thân trước sự bủa vây điệp trùng của lực lượng truy bắt.
Đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ “thủy chiến” trên vùng đầm phá của thôn Mai Dương cũng như nhiều thôn khác của huyện Quảng Điền và tỉnh Thừa Thiên - Huế trong thời gian qua. Trong cuộc đương đầu với thủy tặc, ngoài người dân, đã có không ít cán bộ từng bị thủy tặc tấn công gây thương tích. Điển hình là trường hợp các ông Võ Đà - Trưởng Công an thị trấn Sịa, Phan Gia Tý - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phước, Đặng Viết Nước - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng An…
Sạt nghiệp
Việc những thủy tặc trên sa lưới không khiến cho những đối tượng khác sợ hãi mà càng ngang ngược hơn. Đặc biệt, như để trả thù cho các “đồng nghiệp” đã bị người dân đánh và bắt giữ, nhiều thủy tặc khác sau đó đã cắt lưới hồ nuôi của hàng loạt hộ dân. Nhiều hộ vì sợ bị “trả thù dài hạn” nên nhiều khi thấy tài sản của mình bị xâm hại mà không dám ho he.
Được ông Nguyễn Khôi chèo thuyền dẫn ra khu vực đầm phá thôn Mai Dương, chúng tôi mới thấy được sự tàn phá khủng khiếp của thủy tặc. Hàng loạt hồ nuôi tôm, cá và cua của người dân nơi đây bị thủy tặc cắt lưới rách bươm chưa kịp vá lại. Nhiều diện tích hồ nuôi đã bị bỏ hoang sau khi thủy tặc dùng xung điện vét sạch. “Nhiều hộ đã bị đẩy vào cảnh sạt nghiệp vì nạn trộm, cướp trắng trợn này”- ông Khôi vừa nói vừa chỉ cho chúng tôi những hồ nuôi bị thủy tặc tàn phá.
Chúng tôi bắt gặp anh Nguyễn Thành đang loay hoay vá lại những khoảng lưới tại hồ nuôi của gia đình mình vừa bị thủy tặc cắt nát. “Hồ của tui bị chúng cắt lưới và đánh bắt hết lần này đến lượt khác. Mới đây, tôm, cá và cua mới thả được 2 tháng đã bị chúng vét sạch, thiệt hại khoảng 50 triệu đồng” - anh Thành kể với nét mặt thất thần. Đi dọc vùng đầm phá của thôn, chúng tôi chứng kiến hàng loạt hộ dân khác bị đẩy vào tình cảnh sạt nghiệp tương tự. Nhiều hộ nói họ đang tính bỏ quê để tha hương kiếm sống vì đã rơi vào đường cùng.
Tại các thôn Phước Lập, Phước Lý, Phước Lâm và Hà Đồ của xã Quảng Phước, các diện tích nuôi trồng thủy sản cũng bị thủy tặc đều đặn “ghé thăm” hàng đêm. Ông Nguyễn Quả - Phó Trưởng Công an xã Quảng Phước cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 700 hộ dân sống dựa vào nghề nuôi thủy sản trên phá Tam Giang. Mỗi đêm, tại vùng đầm phá của mỗi thôn có hàng chục thủy tặc xông đến trộm, cướp. Những đối tượng này hết sức manh động, sẵn sàng tấn công bất cứ người nào ngăn cản việc “làm ăn” của chúng. Tại nhiều địa phương khác của huyện Quảng Điền như Quảng An, Quảng Lợi, thị trấn Sịa… cũng ngày càng có nhiều hộ dân bị đẩy vào cảnh sạt nghiệp vì thủy tặc.
Bần cùng sinh đạo tặc
Tìm đến nhà Trần Quốc Thông (thôn Thủy Tú, xã Hương Vinh) - người vừa bị đánh trọng thương khi cùng vợ rạch lưới để trộm, cướp thủy sản của người dân thôn Mai Dương - mới hiểu vì sao vợ chồng Thông phải làm cái nghề phạm pháp này.

"Chính quyền tuyên truyền, vận động những hộ này chuyển nghề nhiều rồi nhưng không hiệu quả vì nếu không bám nghề thì họ không biết lấy chi mà ăn”.
Ông Cao Thắng -
Trưởng thôn Thủy Phú


Ngôi nhà xập xệ của vợ chồng Thông không có gì giá trị ngoài bộ bàn ghế và cái giường oải mục. Lúc chúng tôi đến, Đặng Thị Thu - vợ Thông - đang chuẩn bị đưa cơm cho chồng ở Bệnh viện T.Ư Huế. Thu buồn bã cho biết, chồng cô có khả năng phải điều trị dài ngày, vì ngoài 2 vết thương nặng ở đầu, anh này còn bị rạn xương gò má nên phải phẫu thuật. Hỏi về cái nghề bị gọi là “tặc” của vợ chồng mình, Thu cười méo xệch: “Vợ chồng em không có nghề chi, lại mù chữ nên phải liều mạng mới có cái ăn”.
Lời của Thu cũng là nỗi lòng của vợ chồng Huỳnh Cháu ở thôn Thủy Phú cạnh bên. Tiếp chúng tôi trên chiếc đò xập xệ đậu giữa dòng kênh đen ngòm, cặp vợ chồng này thành thật cho biết, sau khi bị vây bắt và tịch thu phương tiện ở Quảng Phước vào ngày 7.7, họ vẫn chưa xoay đủ tiền để sắm lại đồ nghề. “Chẳng ai muốn làm tặc hết, hoàn cảnh xô đẩy thôi”- Cháu nói sau tiếng thở dài.
Ở Thủy Tú và Thủy Phú, không chỉ các cặp vợ chồng Thu và Cháu mà rất nhiều gia đình khác cũng chuyên kiếm sống bằng nghề tương tự. Vì thế mà lâu nay các thôn này được coi là cái “nôi” của thủy tặc. Khác với sự manh động như là cách để sinh tồn trong bóng đêm dày đặc, khi ở nhà ai nấy trong số họ đều hiền khô.
An Sơn (An Sơn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem