Thảm kịch máy bay A321 rơi trên sa mạc Sinai của Ai Cập ngày 31.10 có thể đẩy Tổng thống Putin lún sâu vào cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông.
Ngày 31.10, chiếc máy bay A321 của Nga gặp nạn khi đang trên đường từ thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập đến thành phố St. Petersburg của Nga với 224 hành khách và thành viên phi hành đoàn, phần lớn là công dân Nga.
Nó biến mất khỏi màn hình radar chỉ 23 phút sau khi cất cánh và sau đó, được xác định bị rơi xuống một vùng hẻo lánh trên bán đảo Sinai, nơi lực lượng an ninh Ai Cập đang chiến đấu chống các nhóm phiến quân khủng bố, trong đó bao gồm cả các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS).
Chiếc máy bay Nga gần như bị vỡ nát và bị thiêu rụi sau khi rơi xuống mặt đất. Ảnh chụp hiện trường vụ tai nạn từ trên không.
Ngay sau khi máy bay Nga gặp nạn, IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm đánh bom. IS tuyên bố, chúng bắn rơi máy bay để “trả đũa các cuộc không kích của Nga tại Syria đã giết hại hàng trăm tín đồ Hồi giáo trên khắp lãnh thổ nước này”.
Trong khi các chuyên gia về khủng bố và hàng không đều tin rằng, IS không có khả năng bắn hạ máy bay Nga khi nó đang bay ở độ cao hơn 9.000 m, vẫn còn một giả thiết khác, được cho là nhiều khả năng xảy ra hơn. Đó là chiếc phi cơ Nga xấu số đã bị cài bom.
Giáo sư Michael Clarke, Tổng giám đốc của Viện các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (Royal United Services Institute) ngày 2.11 nhấn mạnh, ông tin vào giả thiết, phi cơ Nga bị nổ tung trên bầu trời do bị đánh bom hơn là bị bắn hạ bởi tên lửa hoặc gặp trục trặc động cơ.
Theo ông Clarke, nếu máy bay gặp sự cố kỹ thuật, phi hành đoàn chắc chắn có đủ thời gian để gửi tín hiệu cấp cứu xuống mặt đất. Tuy nhiên, đã không có bất cứ tín hiệu cấp cứu nào từ chiếc máy bay xấu số được gửi đi.
Các điều tra viên tại hiện trường vụ tai nạn.
Bộ trưởng Hàng không Dân dụng Ai Cập Hossam Kamal cũng khẳng định, máy bay chở 224 người của Nga không phát tín hiệu cấp cứu trước khi rơi xuống sa mạc Sina và không có dấu hiệu phi cơ gặp trục trặc kỹ thuật trước khi rơi.
"Cho đến khi vụ tai nạn xảy ra, chúng tôi chưa bao giờ được thông báo về bất cứ vấn đề gì trên máy bay. Chúng tôi cũng không nhận được bất kỳ cuộc gọi cấp cứu nào", ông tuyên bố.
Ngoài ra, cả hai động cơ của máy bay Nga còn vừa được kiểm tra định kỳ vào ngày 26.10 và không có bất cứ vấn đề kỹ thuật nào được phát hiện.
Như vậy, theo Foreign Policy, nếu chiếc máy bay xấu số của Nga bị thực sự đánh bom và thảm kịch này có liên quan đến một một âm mưu khủng bố, Tổng thống Putin có thể bị đẩy vào một tình thế khó khăn.
Nhà lãnh đạo Nga đã triển khai chiến đấu cơ tới Syria để tiêu diệt IS cũng như các nhóm khủng bố khác đang hoạt động tại đây kể từ ngày 30.9.
Nếu các chiến binh khủng bố trả đũa động thái trên bằng cách cài bom máy bay Nga, Tổng thống Putin có thể buộc phải dành nhiều nguồn lực hơn cho cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố. Và quy mô của chiến dịch không kích chống IS của Nga có thể mở rộng ra ngoài lãnh thổ Syria.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.