Nguyễn Văn Tùng là người cá tính, nhưng sống rất tình cảm. Anh là con thứ hai (là con trai duy nhất) trong gia đình mà bố mẹ làm nghề kinh doanh. Tùng có một chị gái cũng đã lập gia đình, sống tại TP.Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa).
Hình ảnh trung úy Nguyễn Văn Tùng lúc còn sống đang thực hành bay huấn luyện.
Trên trang Facebook của Tùng nhắc nhiều đến hình ảnh người mẹ khéo léo, tần tảo, đảm đang, nấu ăn rất ngon và hết mực yêu thương các con. Lần nào về thăm nhà, Tùng cũng đều được mẹ tận tay chuẩn bị những món ăn ngon. Lúc còn sống, chàng phi công trẻ này thường thích nhất những đồ hải sản như: Tôm, mực, ghẹ…
Đọc những dòng tâm sự thầm kín mà Tùng gửi bố mẹ trên Facebook năm nào nhiều người không thể cầm được nước mắt: “Lại xa nhà nữa rồi, đã là năm thứ 5 đối diện với cảnh này mà sao không thể cười thật tươi lên xe vào Nha Trang. Thật sự thấy rất buồn, buồn vì xa nhà chỉ là một phần, cái mà buồn nhiều là mình đi rồi tối đến chỉ có mình bố và mẹ ở nhà. Thương lắm bố mẹ ơi, nhưng con là con trai nên chẳng bao giờ thể hiện ra cả…”.
Hình ảnh phi công Nguyễn Văn Tùng lúc ngồi học.
Lúc còn sống Tùng rất thân với mẹ và chị. Nhiều bạn bè còn tỏ ra ghen tỵ vì Tùng với mẹ thân thiết như bạn bè.
Những dòng tâm sự cách đây không lâu, nhân ngày kỷ niệm 8 năm vào quân ngũ Tùng đã từng viết: “3.9.2009 – 3.9.2016, 7 năm trước là cái ngày nhập ngũ và cũng là cái ngày nhớ nhà da diết nên mình đã có một quyết định táo bạo: Mua vé tàu- trốn ra ga- đào ngũ – bỏ về nhà. Lần đó chẳng may bị phát hiện, đã bị bắt về phơi nắng cột cờ khoảng 5 tiếng giữa cái nắng Nha Trang. Ngay sau đó, bố đã phải bay vào Nha Trang để gặp và định hướng lại về công việc và tương lai của mình… ở nhà thì mẹ quá sốc với quyết định này nên đã lăn ra ốm, không tin là thằng con dại của mình nó lại manh động đến thế! Nhưng mẹ ạ, con xin lỗi vì con nhớ mẹ, nhớ nhà quá… Nói thế thôi nhưng đời lính vui lắm nhé, cứ nhập ngũ đi là biết”, những dòng tâm sự cuối cùng của Tùng trước ngày ra đi.
Chị gái Tùng từng tâm sự, nghề phi công là niềm đam mê của cậu em. Năm 2012 lúc gần tốt nghiệp, không chỉ Tùng mà cả ba mẹ, chị gái cậu đều rất vui mừng chờ đón thời khắc cậu chính thức trở thành phi công, được bay trên bầu trời.
Những lời động viên của chị gái trước giờ bay đầu tiên của cậu em, những tin nhắn nhớ mong, chờ đợi… ngập tràn trên Facebook thể hiện tình cảm của người chị giờ sẽ không thể gửi trao cho người em xấu số được nữa.
Trung úy Nguyễn Văn Tùng là học viên K38 lớp Phi công quân sự trường Sĩ quan không quân. Anh tốt nghiệp tháng 12.2013, sau đó tiếp tục theo học ngành phi công quân sự.
Những bức ảnh chụp chung với mẹ hiếm hoi của phi công trẻ Nguyễn Văn Tùng.
Trước đó, lúc 7h40 ngày 18.10, máy bay trực thăng EC130 số hiệu VN 8632 của Trung tâm huấn luyện Tổng công ty trực thăng VN (Binh đoàn 18, Bộ Quốc Phòng), cất cánh từ sân bay Vũng Tàu để thực hiện bay huấn luyện.
Đến 8h03 cùng ngày máy bay này mất liên lạc, vị trí mất liên lạc thể hiện trên tiêu đồ ở khu vực núi Dinh (thuộc địa bàn huyện Tân Thành và TP.Bà Rịa). Ngay sau đó, các đơn vị chức năng đã vào cuộc tìm kiếm và xác định vị trí máy bay gặp nạn tại khe núi Ba Quang (nằm trong dãy núi Dinh, thuộc địa phận xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành). Sau gần 2 ngày băng rừng, vượt địa hình hiểm trở, đến chiều 19.10, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy xác máy bay gặp nạn và thi thể 3 phi công. 15h30 chiều 19.10, thi thể 3 phi công được đưa xuống dưới chân núi Dinh, sau đó xe đưa 3 chiến sĩ về TP.HCM..
Vui lòng nhập nội dung bình luận.