Mê Linh, Hà Nội: Khốn khổ vì ruộng bị “hóa vàng”

Thứ hai, ngày 24/02/2014 06:42 AM (GMT+7)
Năm 1992, một số hộ dân ở xã Vạn Yên lên Nông trường chè Tân Phú (xã Mỹ Thuận, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) theo diện “di dân”. Gần 20 năm qua, phần nhiều trong số họ rơi vào tình cảnh không tấc đất cắm dùi …
Bình luận 0
Di dân hay… công nhân hợp đồng?

Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, năm 1992, ở xã Vạn Yên có 35 hộ thuộc diện “di dân” lên Nông trường Tân Phú; nhưng sau có 3 hộ rút lui. Lúc đó mỗi hộ được chính quyền huyện hỗ trợ 6 tháng lương thực và xã trợ cấp chừng 160.000 đồng “tranh tre nứa lá” để xây dựng nhà trên “quê hương mới”.

Gia đình ông Nguyễn Văn Nhất đã được tạm giao 1 sào ruộng, nhưng chưa biết đến bao giờ mới được giao hết định suất.
Gia đình ông Nguyễn Văn Nhất đã được tạm giao 1 sào ruộng, nhưng chưa biết đến bao giờ mới được giao hết định suất.

Tuy nhiên các hộ dân không đi cả nhà, đa phần trong số họ “chia quân số làm đôi”, nửa đi nửa ở… Năm 1993, khi Nhà nước có chủ trương giao đất cho dân theo Nghị định 64, các HTX nông nghiệp (xã Vạn Yên có 3 HTX) lúc đó lại không chia ruộng cho họ. Ban chủ nhiệm các HTX đã “hóa vàng” toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của 32 hộ nói trên cho các cá nhân với giá 650.000 đồng/sào, thời hạn 20 năm. Quê mới khó khăn, quay về quê cũ thì “không một thước đất cắm dùi”, cái nghèo cái đói đeo bám họ…

Ông Nguyễn Văn Duy (một trong số các hộ thuộc diện di dân) nói: “Khi trở về quê cũ, chúng tôi ra xã đề nghị trả lại ruộng đất, cán bộ xã nói rằng chúng tôi đã “di dân theo diện kinh tế mới”, thực tế chúng tôi không hề đi kinh tế mới, Nông trường chè Tân Phú chỉ ký hợp đồng lao động với chúng tôi với mức lương 176.000 đồng/tháng...”.

Mất ruộng vì di dân hay… nợ sản?


Trong khi người dân không có một tấc đất cắm dùi thì theo kết luận của Thanh tra thành phố, năm 2004, ông Hồ Xuân Lợi - Chủ tịch UBND xã Vạn Yên đã ký hợp đồng cho ông Nguyễn Văn Lục (thôn Yên Nội) thuê hơn 1,6ha (thời hạn 30 năm) để xây dựng trang trại. Năm 2005, ông Lợi lại tiếp tục cho các ông Nguyễn Văn Việt, Nguyễn Văn Thắng đấu thầu hơn 2ha (thời hạn 20 năm) để trồng lúa, nuôi cá, vịt…

Ông Nguyễn Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Yên khẳng định: Thời điểm năm 1992, các hộ dân đã đồng ý di dân lên Nông trường Tân Phú. Trước lúc đi, họ được huyện, xã trợ cấp lương thực, tiền vật liệu làm nhà, đồng thời xóa toàn bộ nợ sản phẩm. Hộ khẩu của họ cũng đã cắt về Phú Thọ từ thời điểm ấy…

Nhưng khi chúng tôi đề nghị ông Tuấn cho kiểm tra một số trường hợp bị cắt ruộng nhưng vẫn còn hộ khẩu (nhờ công an xã tra cứu), ông Tuấn cho biết: Đa phần trong số họ vẫn chưa chuyển hết hộ khẩu đi…

Trả lời câu hỏi của phóng viên, tại sao HTX lại có quyền bán ruộng của các hộ nói trên, ông Tuấn cho rằng: Thời điểm ấy các hộ bị cắt ruộng có thể do nợ sản phẩm, mặt khác khi ấy đất ruộng vẫn do HTX quản lý – thu của ai, bán cho ai là quyền của… HTX! Để giải quyết khó khăn cho các hộ dân nói trên, chúng tôi đã tạm giao cho mỗi hộ khoảng 1 sào (có trường hợp nhiều hơn) để họ có đất sản xuất. Tuy nhiên để giao hết đất cho họ, xã không có thẩm quyền...

Sau nhiều năm “dài cổ” đợi chờ và khiếu kiện lên xuống, đến nay những hộ như ông Nguyễn Văn Duy, ông Nguyễn Văn Nhất… đã “bước đầu có ruộng”. Nhưng khi nào họ được chia hết định suất, bao giờ họ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho mảnh ruộng của mình, tất cả còn phụ thuộc vào một quyết định “có tình, có lý” của UBND huyện Mê Linh và TP.Hà Nội.

Trần Thụ (Trần Thụ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem