Mê tít giàn nho trĩu quả trên sân thượng 20m2 của mẹ đảm Sài Gòn

Huyền Trần Thứ sáu, ngày 15/10/2021 08:21 AM (GMT+7)
Nhìn giàn nho của chị Ngọc Trân ở Sài Gòn ai cũng phải ghen tị vì quả sai trĩu cành, đồng thời ngưỡng mộ vì sự mát tay vun trồng của bà mẹ trẻ.
Bình luận 0

Giàn nho trĩu quả trên vườn bê tông

Ngắm nhìn giàn nho với thân leo khỏe mạnh, lá xanh tươi, từng chùm quả đang chín dần, căng mọng của gia đình chị Ngọc Trân (quận Phú Nhuận, TP.HCM)  khiến không ít người cảm thấy thích thú và xuýt xoa, nung nấu ý định mua một cây nho về trồng.

Chị Trân cho hay, vì ở nhà phố, không có diện tích đất vườn nên chị chọn cách thiết kế giàn trên sân thượng, nơi có nhiều nắng để giúp nho phát triển dễ dàng hơn.

dg - Ảnh 1.

Chị Trân chọn giống nho Pháp ghép thân gỗ, cho thu hoạch sau 9 tháng.

Giàn nho chị trồng đã được 4 năm và thu hoạch rất nhiều vụ. Lần đầu tiên chị được thu hoạch những trái nho do chính mình chăm sóc vào khoảng 9 tháng sau khi trồng.

Chị Trân chia sẻ: "Trồng nho không chỉ giúp làm đẹp sân thượng, tạo không gian xanh cho ngôi nhà mà còn mang lại cảm giác thích thú trong khoảng thời gian vài tháng trời khi ngắm nhìn những cành nho vươn cành khắp giàn và cho ra hoa, kết trái từng chùm". 

dg - Ảnh 2.

Chị Ngọc Trân tiến hành trộn đất để trồng nho.

Chuẩn bị nguyên vật liệu để làm giàn nho trên sân thượng 

Về giống cây: Nên chọn giống nho đỏ 152 (cây nho chị Trân trồng là nho đỏ giống ghép thân gỗ, khi chín trái đỏ ngọt nhưng hạt hơi to), cây chịu mưa tương đối hơn giống nho xanh Phan Rang, thời gian đậu trái thu hoạch cũng sẽ mau hơn giống khác (9 tháng so với giống khác là 1 năm hơn)

Cách phân biệt nho ghép và nho dại: lá nho dại có lông tơ, lá nho ghép trơn láng

Chậu trồng và nơi trồng: Chậu trồng càng to càng tốt, kích thước cỡ 80x100 cm, nên trồng nơi nhiều nắng.

dg - Ảnh 3.

Theo kinh nghiệm của chị, trồng nho cần chú ý nhất là kích cành.

Đất trồng: trộn 1 bao Tribat 50 dm3 với 1 bao phân bò hoại mục 20 dm3. Trộn thật đều, bón vào 1/3 chậu, xong để gốc nho vào, bón tiếp hết 1 bao Tribat lấp thân. Lớp đất này chiếm 2/3 chậu, sau đó rải thêm 1 lớp dày 10cm đất trộn phân bò, san đất cho đều chậu.

Đặt chậu nơi dễ leo, cố định dây leo với thanh tre dài ép sát nơi cho leo mà mình muốn. Tưới nước cho đất mềm ẩm, tưới phun sương nhẹ quanh lá.

Cách chăm sóc nho trong từng giai đoạn

Theo kinh nghiệm của chị Ngọc Trân, để có được giàn nho như ý phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, tùy theo mỗi thời kỳ phát triển của cây.

Giai đoạn đầu tiên

- 4 ngày sau khi cắm gốc, trộn đều 200gr phân lân và 50gr phân ba màu, bón quanh gốc hoặc rải mặt chậu sau đó tưới ngập nước.

- Quan sát "cành cha", lựa chọn cành to nhất đẹp nhất và dài nhất, chuẩn bị xắt hết tất cả cành búp khác trên thân gốc chỉ chừa duy nhất "cành cha". Rồi chống cây tre cho dây nho leo giàn.

- Nếu trời mưa nhiều tưới nước ngày 2 lần.

- Nếu trời nóng không mưa tưới nước ngày 3-4 lần.

dg - Ảnh 4.

Những chùm nho đẹp mắt.

Giai đoạn kích cành

Giai đoạn này kéo dài 4-5 tháng tính từ lúc cắm gốc bón phân lần đầu tiên. Lặp lại những thao tác dưới đây cho tới khi cây nho leo đầy giàn.

- Việc cắt ngọn lần đầu tiên được thực hiện khi 1 “cành cha” (cành còn lại sau khi thực hiện cắt bỏ các cành khác ở giai đoạn 1) cao hơn giàn từ 15-20cm và cành chuyển thành màu nâu gỗ (chuyển thành thân gỗ).

- Dùng kéo bấm ở ngọn, vài ngày sau tại đó sẽ nứt ra 2,3 chồi con. Các chồi đó gọi là cành con “cấp 1”.

- Khi các cành con cấp 1 dài được khoảng 1m tới 1m2 và màu cành chuyển sang màu gỗ thì thực hiện cắt ngọn cho các cành con cấp 1 này.

- Tại mỗi vị trí cắt sẽ nứt ra thêm 2,3 cành con nữa, gọi là cành con “cấp 2”.

- Thực hiện kĩ thuật cắt cành tương tự 2 bước trên cho cành con “cấp 3,4... cấp n. Đến khi cây leo kín giàn ta chuyển sang giai đoạn kích trái cho giàn nho.

- Bón 50gr phân 3 màu khi bắt đầu giai đoạn kích cành, sau đó cứ 30 ngày/ 1 lần, mỗi lần 50gr phân 3 màu.

- Duy trì tưới nước 2 ngày 1 lần 

dg - Ảnh 5.

Giai đoạn kích trái

Giai đoạn này kéo dài 3-4 tháng kể từ khi nho đã leo kín giàn. Đây cũng là giai đoạn khó nhất, cần đọc kĩ các bước sau:

- Sau giai đoạn kích cành, giàn nho sẽ ra nhiều cành thân gỗ, tiếp tục bấm cành tại tất cả các cành thân gỗ sẽ mọc ra “cành non”.

- Vị trí trên cành non mà có lá nho mọc trên cành gọi là “mắc” cành nho. Ta sẽ tiến hành bấm (cắt) bỏ tại vị trí mắc từ 2-3cm trở đi, không cắt phần lá nho tại vị trí mắc.

Nếu tiến hành bấm đúng kĩ thuật thì:

- Sau 10-15 ngày sẽ ra hoa tại các vị trí “mắc” mà bạn đã bấm.

- 20 ngày kể từ khi ra hoa, hoa sẽ chuyển sang trái non.

- 20 ngày sau, trái non sẽ bắt đầu chuyển sang ửng đỏ.

- 1 tháng kể từ khi trái chuyển đỏ là nho chuẩn bị ăn được, trong giai đoạn này trái nho mới to dần ra để có thể thu hoạch được.

dg - Ảnh 6.

Mê mẩn với giàn nho xinh xinh.

Lưu ý trong giai đoạn này cần:

- Bón 50gr phân 3 màu khi bắt đầu giai đoạn kích trái, sau đó cứ 30 ngày thực hiện bón 1 lần 50gr phân 3 màu.

- Duy trì tưới nước 2 ngày/lần.

- Không thực hiện bấm cành kích trái cho các cành nho đã chuyển sang thân gỗ.

- Nho khi chín ăn được sẽ ở trên giàn được 1 tháng.

- Nhớ bọc nho lại kẻo chim ăn hết.

Cùng xem thêm hình ảnh về giàn nho trĩu quả của gia đình chị Ngọc Trân:

dg - Ảnh 8.

Chị Ngọc Trân giành thời gian chăm sóc cho giàn nho.

dg - Ảnh 7.

Các thành viên trong gia đình rất thích không gian xanh trên sân thượng.

dg - Ảnh 9.

Những chùm nho chín mọng khi thu hoạch.

 ( Ảnh trong bài do NVCC)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem