Hàng ngàn thí sinh xếp thành hàng dài để nộp - rút hồ sơ tại trường ĐH Công nghiệp TPHCM. Ảnh: Nguyễn Dũng
Hiệu ứng đô - mi - nô này đang diễn ra ở các trường đại học khiến thí sinh và phụ huynh phải “vắt chân lên cổ” để chạy bởi thời gian xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đợt 1 chỉ còn có 2 ngày nữa là kết thúc.
Hôm qua đậu, nay rớt…
Chiều 18/8, tại ĐH Công nghiệp TPHCM, trong bộ dạng mặt mày phờ phạc, đầu tóc rối ren, thí sinh Nguyễn Thị Hậu cùng mẹ là bà Lê Thị Quỳnh (quê Đồng Nai) tỏ ra mệt mỏi sau hơn 1 giờ đồng hồ chờ rút hồ sơ. Hậu thi được 18 điểm, đăng ký vào ngành Quản trị kinh doanh, Marketing và Tài chính ngân hàng. “Tối Chủ nhật (ngày 16/8) em xem điểm thì biết mình đã bị rớt hai ngành Quản trị kinh doanh, Marketing, còn ngành Tài chính ngân hàng lấy 17,5 điểm. Vậy mà tối thứ Hai vào xem lại thì ngành Tài chính ngân hàng lấy 18,25 điểm nên em cũng rớt luôn”, Hậu kể.
Ngay khi biết không còn cơ hội, sáng 18/8, hai mẹ con Hậu bắt xe từ Đồng Nai lên TPHCM để rút hồ sơ tìm trường khác nộp vào. Đến bến xe Miền Đông lúc gần 9 giờ sáng nhưng do đi nhầm xe buýt nên phải gần 11 giờ, hai mẹ con Hậu mới tới trường ĐH Công nghiệp TPHCM. “Tránh mất công rút ra nộp vào lần nữa, giờ rút hồ sơ xong, em nộp qua CĐ Kinh tế đối ngoại TPHCM cho chắc ăn, còn trường tư thì học phí cao, gia đình kham không nổi”, Hậu nói.
Tương tự, bà Lê Thị Hiền (quê ở Tiền Giang) cũng dắt con là Phạm Thị Minh Tú bắt xe từ 2 giờ sáng để lên trường ĐH Kinh tế TPHCM rút hồ sơ sau đó qua nộp ở trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM. Tú thi được 23 điểm, nộp hồ sơ vào trường này từ ngày 10/8. Thế nhưng, đến ngày 17/8, điểm chuẩn dự kiến của trường này là 23 điểm, bằng điểm với con chị Hiền nhưng do trường tính thêm tiêu chí phụ là môn Toán nên con chị buộc phải rời “cuộc chơi”. Trên đường bắt xe ôm qua trường ĐH Khoa học tự nhiên nộp hồ sơ, hai mẹ con chị Hiền lại đánh rơi mất giấy kết quả thi.
“Đến trường ĐH Khoa học tự nhiên thì mới biết bị mất giấy kết quả thi, mẹ con tôi phải quay lại trường ĐH Kinh tế TPHCM để cầu cứu. Tuy nhiên, họ nói chúng tôi phải về lại cụm thi Tiền Giang để xin lại giấy báo điểm mới được nhận. Giờ hai mẹ con tôi bế tắc quá”, bà Hiền than vãn.
Hàng ngàn thí sinh xếp thành hàng dài để nộp - rút hồ sơ tại trường ĐH Công nghiệp TPHCM
Trong khi đó, hai bố con thí sinh Phạm Nguyễn Châu Long (quê Đắk Lắk) cũng phải bắt xe từ nhà về trường ĐH Công nghiệp TPHCM từ tối 17/8 để tìm chỗ trọ, chầu chực xét tuyển trong những ngày sắp tới. Long thi được 19 điểm, với điểm thi này em đang mấp mé ở các ngành đăng ký nên quyết định về TPHCM để sẵn sàng cho cuộc chạy đua rút, nộp hồ sơ. “Cả ngày hôm nay, hai bố con em cứ chầu chực ở trường này để xem điểm chuẩn dự kiến, ước lượng thí sinh đến nộp vào và rút ra như thế nào. Hiện em đã điều chỉnh một số ngành, ngày mai đến xem tiếp, nếu không ổn là em rút ngay để nhảy qua trường khác liền”, Long nói.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Ngoại thương Hà Nội cho biết: mỗi lần công bố điểm chuẩn tạm thời theo quy định, những ngành thấp ( 22- 24 điểm) đều có thí sinh nộp hồ sơ và đẩy điểm chuẩn tạm thời lên 0,25 điểm. Trường này tuyển 3.450 thí sinh, bà Thủy nói, và những ngành điểm cao như kinh tế đã đạt đến chuẩn tạm thời là 27,25 (khối A) và 25,75 (các khối A1 và D) nhưng hàng ngày vẫn có hơn 100 thí sinh đạt điểm cao nộp vào khiến cho hơn 100 thí sinh phải tháo chạy khỏi “đường đua”.
ĐH Bách khoa HN, trường “hot” từ đầu mùa với hơn 10.000 thí sinh đã có 3.750 thí sinh phải tháo chạy và đẩy những ngành điểm cao của trường này lên những con số chưa dừng lại: CNTT: 8,7 điểm/môn; kỹ thuật điện - điện tử 8.5 điểm/môn; cơ điện tử: 8,3 điểm/môn… Tuy thế, ngày 18/8 trường này vẫn nhận được thêm 250 đơn xét tuyển và tiếp tục có hàng trăm thí sinh “tháo chạy”.
Hỗ trợ bổ sung không có tác dụng
ĐH Ngoại thương cho biết không có thí sinh nào áp dụng lợi thế thay đổi nguyện vọng qua Sở GD&ĐT mà Bộ GD&ĐT mới cho phép. Bà Lê Thị Thu Thủy (ĐH Ngoại thương) cho biết, không có hồ sơ rút-nộp thông qua Sở GD&ĐT. Lý giải điều này, một nhà tuyển sinh nhận xét: có lẽ do thí sinh đặt niềm tin vào rút-nộp trực tiếp hoặc chủ trương này quá muộn khiến tính hữu dụng của nó chưa cao.
Đi đầu trong lĩnh vực CNTT, ĐH Bách khoa Hà Nội thiết kế riêng phần mềm để thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng online, nhưng theo con số nhà trường cung cấp, có tới 1.000 tài khoản không sử dụng tiện ích này. Nhà trường gọi điện ngẫu nhiên để thăm dò thì thấy, đối tượng này tập trung ở 3 diện: thí sinh điểm cao hẳn, chắc chắn vào nên không cần quan tâm đến việc đổi nguyện vọng; không biết thông tin cho phép sửa đổi trên mạng (mặc dù nhà trường đã hướng dẫn rất cụ thể trên văn bản); phó thác việc rút-nộp và quyết định vận mệnh cho người đi nộp hồ sơ được ủy quyền.
Điểm chuẩn dự kiến các trường tăng mạnh
Theo kết quả xét tuyển tạm thời công bố ngày 18/8, nhiều ngành của trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM có điểm tăng cao so với ngày 16/8. Trong đó, ngành vật lý tăng cao nhất với 4,5 điểm (từ 16,5 lên 19,25 điểm), ngành khoa học vật liệu khối A tăng 3,25 điểm (từ 16,5 lên 19,75 điểm); Toán học tăng từ 17,25 lên 20,5 điểm. Nhiều ngành khác mức tăng từ 0,5 đến trên dưới 2 điểm…
Trường ĐH Sư phạm TPHCM ngày 18/8 cũng công bố mức điểm xét tuyển tăng nhẹ từ 0,25 - 0,5 điểm so với ngày 17/8. Trường ĐH Kinh tế TPHCM ngày 18/8 có mức điểm chuẩn dự kiến là 23.00 điểm, trong những ngày tới điểm chuẩn dự kiến này khả năng còn tăng nữa bởi lượng hồ sơ nộp vào trường trong những ngày qua đa phần từ 24 - 25 điểm trở lên.
Nguyễn Dũng
|
Nguyễn Dũng - Hồ Thu (Tiền Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.