Trước đây, vụ đông thường được nông dân các tỉnh miền Bắc coi như “cơ hội vàng” để nâng cao hiệu quả canh tác trên một đơn vị diện tích. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, bà con một số nơi kém mặn mà với cây vụ đông, “tấc đất tấc vàng” bị bà con bỏ hoang mấy tháng trời...
Bỏ hoang “ruộng mật”
Nông dân xã Đại Tự, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc chăm sóc rau vụ đồng. Ảnh: T.L
Theo kế hoạch của Bộ NNPTNT, sản xuất vụ đông ở miền Bắc tiếp tục khẳng định là vụ sản xuất chính, với cơ cấu cây trồng đa dạng, có giá trị thu nhập cao, đặc biệt quan trọng với tăng trưởng của toàn ngành.
Các địa phương chủ động xây dựng đề án sản xuất vụ đông, phấn đấu đạt diện tích 405.000ha, tổng giá trị sản xuất khoảng 26.000 – 27.000 tỷ đồng.
|
Sau những ngày thu hoạch lúa mùa bật rộn, vất vả, thời gian này vợ chồng ông Phạm Văn Minh ở huyện Yên Mô (Ninh Bình) mới cảm thấy thong thả. Hàng ngày, vợ chồng ông túc tắc đi lấy nguyên liệu về nhà vừa ngồi đan đồ mỹ nghệ, vừa xem phim truyền hình. Hỏi về chuyện đồng ruộng, ông Minh lắc đầu bảo: "Ở nhà ngồi đan lát còn kiếm được tiền chứ mùa này thời tiết khó lường, sâu bệnh lắm, đầu tư nhiều cũng khó có thu".
Ngoài những yếu tố bất thuận, khó lường của thời tiết, ông Minh cho rằng: Vụ đông hàng năm còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khác như giá vật tư đầu vào không ổn định và luôn trong xu thế tăng dần, làm cho chi phí sản xuất tăng lên, khiến hiệu quả vụ đông thấp... Do đó bà con nhiều nơi không mặn mà với vụ đông, nhất là trong thời điểm thiếu lao động làm nông trầm trọng như hiện nay.
“Bên cạnh đó, việc thiếu đơn vị thu mua, đầu tư chế biến sản phẩm từ cây trồng khiến bà con nông dân chưa bao giờ hết lo. Chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn nhiều hạn chế; giá cả lên xuống thất thường cũng khiến người sản xuất chán nản. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ phát triển cây vụ đông còn bất cập, chưa tạo nhiều động lực để người dân đưa vụ đông thành vụ chính” - ông Minh chia sẻ.
“Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” cộng thêm điều kiện thổ nhưỡng và thủy lợi thuận lợi, địa bàn xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ (Hưng Yên) có ưu thế để trồng cây vụ đông. Thế nhưng, khoảng 5 năm trở lại đây, những cánh đồng màu mỡ ở Tiên Tiến đã bị người dân bỏ hoang, vô cùng lãng phí. Vài mẫu khoai lang, mấy chục mẫu bí xanh, bí đỏ… chẳng đủ để phủ xanh cánh đồng mênh mông.
Lão nông Nguyễn Văn Thường ở xã Tiên Tiến cho hay: “Thời cánh đồng thôn Hoàng Các, Hoàng Xá… với ngô, khoai, dưa chuột bạt ngàn có lẽ chỉ còn là ký ức. Bây giờ cứ xong vụ mùa là bà con lại bỏ đất không, đi tìm việc khác làm, có người kiếm được cả triệu đồng/ngày, chứ cứ ở nhà trông vào hoa màu vụ đông thì mệt lắm”.
Vẫn kỳ vọng nhiều
Cũng ở tỉnh Ninh Bình, nhưng phong trào trồng cây vụ đông ở huyện Nho Quan lại sôi nổi hơn. Ông Trịnh Đức Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết, theo thống kê sơ bộ, tổng diện tích gieo trồng cây vụ đông 2017-2018 toàn huyện là 1.965ha; tổng giá trị sản xuất 161.420 triệu đồng; giá trị bình quân 1ha đạt 82,147 triệu, tăng 1,127 triệu đồng/ha so với vụ đông năm 2016-2017.
Trên địa bàn huyện đã hình thành các mô hình sản xuất tập trung, có hợp đồng liên kết và bao tiêu sản phẩm nổi bật như: Mô hình trồng cà chua tại xã Văn Phong; trồng khoai sọ, lạc che phủ nylon tại xã Yên Quang; trồng ớt xuất khẩu ở xã Thạch Bình, Văn Phú…
Năm nay, huyện Nho Quan tiếp tục chỉ đạo tập trung phát triển cây trồng truyền thống, cây chủ lực, có thế mạnh gắn với việc chuyển đổi cơ cấu giống và đầu tư thâm canh; tích cực mở rộng diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao, có hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, huyện đã bố trí hợp lý cơ cấu giữa nhóm cây ưa ấm, nhóm cây ưa lạnh, đa dạng hóa cây trồng, mở rộng diện tích các loại rau đậu, trước mắt phấn đấu gieo trồng 1.500ha.
Trong khi đó, đại diện lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình cho biết: Để đạt mục tiêu gieo trồng khoảng 9.000ha cây vụ đông các loại trong năm nay, tỉnh đã xây dựng kế hoạch trên cơ sở rà soát quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, đảm bảo năng suất, chất lượng, có đầu ra, có giá trị kinh tế cao, có ký kết hợp đồng bao tiêu để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đồng thời tỉnh cũng lựa chọn những tiến bộ kỹ thuật phù hợp với thực tế sản xuất tại địa phương để khuyến cáo người dân áp dụng như che phủ rơm rạ, nylon để hạn chế cỏ dại, giữ ẩm đất…
Tương tự, tại Vĩnh Phúc, nông dân đang đã tích cực thu hoạch lúa mùa, giải phóng đất để trồng cây vụ đông. Ông Đinh Xuân Thường - Chi Cục phó Chi cục Trồng trọt và BVTV Vĩnh Phúc cho biết, từ lâu, địa phương này có truyền thống sản xuất cây vụ đông quy mô lớn và chất lượng cao. Vụ đông năm 2017, toàn tỉnh gieo trồng được 17.748ha rau màu các loại, giảm khoảng 990ha so với năm 2016. Dù vậy, tổng giá trị sản xuất cây vụ đông 2017 vẫn đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.