Miền bắc chìm trong giá rét: Hàng vạn học sinh nghỉ học!

Tùng Anh - Diệu Linh Thứ tư, ngày 27/01/2016 21:40 PM (GMT+7)
Nhiệt độ tại nhiều tỉnh miền Bắc hôm qua duy trì ở dưới mức 10 độ C, hàng loạt các tỉnh, thành phố đã có thông báo cho học sinh nghỉ học. Trong khi đó, các bệnh viện cũng đã lên phương án chống rét.
Bình luận 0

Nghỉ học tránh rét

Trước dự báo có rét đậm rét hại, Bộ GDĐT đã có công điện khẩn đề nghị các Sở GDĐT, các trường theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, chủ động cho học sinh nghỉ học. Đến hết ngày 25.1, rất nhiều tỉnh đã cho học sinh nghỉ học.

Tại Hà Nội, sáng sớm 25.1, nhiệt độ giảm còn 7,7 độ C. Do vậy, hầu hết các trường tiểu học và mầm non trên địa bàn thành phố đều cho học sinh nghỉ học .

img

Tương tự, tại nhiều tỉnh thành miền núi cũng đồng loạt cho học sinh nghỉ học. Tại Lào Cai, ngày 25.1 tất cả 62 trường với gần 18.000 học sinh (từ mầm non đến THCS) thuộc huyện Sa Pa được nghỉ học tránh rét. Huyện Mường Khương có 15.000 học sinh nghỉ học; huyện biên giới Bát Xát có các xã vùng cao như Ý Tý, A Lù, Ngải Thầu, Pa Cheo, Dền Sáng, Trung Lèng Hồ, Sảng Ma Sáo đã có hơn 13.000 học sinh nghỉ học.

Tương tự, tại Nghệ An, trong ngày 25.1 tất cả học sinh các trường mầm non của TP.Vinh và các huyện Tân Kỳ, Con Cuông đã nghỉ học. Tại các huyện miền núi của tỉnh này, tất cả học sinh đều đã  nghỉ học vì nhiệt độ xuống dưới 2 độ C. Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có công văn chỉ đạo cho 179.000 học sinh tại 528 trường tiểu học và mầm non được nghỉ học từ ngày 25.1 cho đến khi nhiệt độ trở lại 10 độ C.

Ngày 25.1, hàng chục nghìn học sinh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được nghỉ học tránh rét. Tại  huyện Mường Lát đã có 4.397 học sinh tiểu học và 3.000 học sinh mầm non được nghỉ học. Tương tự, tại huyện Lang Chánh, hơn 11.000 học sinh từ bậc mầm non đến THCS đã phải nghỉ học, riêng khối THPT vẫn đi học. Bà Phạm Thị Hằng – Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Trước tình hình rét đậm, rét hại trên diện rộng, Sở đã có văn bản chỉ đạo Phòng GDĐT các huyện, thị xã, các trường trung học phổ thông chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của thời tiết. Các đơn vị, trường học trong tỉnh thông báo đến cán bộ, giáo viên, học sinh về đợt rét đậm, rét hại đã và đang diễn ra để có kế hoạch phòng, chống”.

Theo thông tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ rất mạnh nên các tỉnh miền Bắc tiếp tục rét đậm, rét hại trên diện rộng từ nay đến hết ngày 27.1, vùng núi có khả năng cao xảy ra băng giá và mưa tuyết. Trước tình hình này, Bộ GDĐT và Sở GDĐT các địa phương đều đã có công văn chỉ đạo việc chủ động cho học sinh nghỉ học tránh rét. Trong đó quy định: Căn cứ vào bản tin dự báo thời tiết trên VTV1 lúc 6 giờ 15, các trường chủ động cho trẻ mầm non, tiểu học nghỉ học khi nhiệt độ từ 10 độ C trở xuống; học sinh THCS nghỉ học nếu nhiệt độ từ 7 độ C trở xuống.

Bệnh viện “co ro” phòng chống rét

Ngày 25.1, ông Nguyễn Ngọc Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, để chống chọi lại những ngày rét kỷ lục, bệnh viện đã phải lên phương án chống rét cho bệnh nhân.

Theo ông Hiền, hiện bệnh viện có hơn 1.500 bệnh nhân nội trú, đa phần các ca bệnh đều nặng, cần chăm sóc đặc biệt, sức khoẻ cũng rất nhạy cảm với rét mướt. “Bệnh nhân đang ốm yếu nếu bị lạnh có thể mắc thêm các bệnh viêm đường hô hấp, đột quỵ. Để phòng rét, chúng tôi đã bật điều hoà sưởi ấm, tăng cường chăn đắp để giữ ấm cho người bệnh. Các khoa có bệnh nhân đặc biệt như sản, nhi, cấp cứu, điều trị tích cực đều được cấp nước nóng để lau rửa, thay giặt 24/24 giờ” – ông Hiền cho biết. Khi bệnh nhân chuyển viện, bệnh viện cũng điều thêm chăn ấm để đảm bảo bệnh nhân không bị “cóng” trên đường đi.

TS Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trong 3 ngày rét đậm vừa qua, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 20 trường hợp bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim vì gặp lạnh đột ngột. Các ca bệnh này thường là người già, mặc áo mỏng, từ trên giường xuống đi vệ sinh hoặc đi ra ngoài, mạch máu co lại nên dẫn đến tai biến đột ngột. Còn tại khoa Hồi sức tích cực, 45 giường bệnh cũng đã chật kín. Số lượng bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phế quản mãn tính nhưng bị lạnh nên bị suy hô hấp nặng.

Trong ngày 25.1, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp chống rét cho người dân. Theo đó, Cục Quản lý khám chữa bệnh yêu cầu các Sở Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh phải bảo đảm việc phòng chống rét cho người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh tại bệnh viện: Nơi xếp hàng chờ khám, phòng khám bệnh, buồng điều trị, buồng kỹ thuật người bệnh phải đảm bảo kín gió, có đủ chăn đệm, phương tiện giữ nhiệt, sưởi ấm phù hợp. Nghiên cứu phương án phòng chống rét cho người nhà thăm nuôi người bệnh hợp lý, không để người nhà người bệnh ở lại thăm nuôi nằm trên sàn nhà lạnh, hành lang gây nguy hại đến sức khoẻ.

Ngoài ra, cần bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết rét lạnh hoặc thời tiết thay đổi bất thường gây ra như các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, viêm đường hô hấp cấp, viêm đường hô hấp do các loại virus đường hô hấp gây ra do nhiệt độ giảm sâu và điều kiện chăm sóc, cách ly và dinh dưỡng kém...

Để chủ động đối phó với tình hình thời tiết khắc nghiệt, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận đã gửi công điện đề nghị các Sở GDĐT, các trường học theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để chủ động đối phó, trường hợp cần thiết có thể cho học sinh nghỉ học. Bộ GDĐT yêu cầu các đơn vị thuộc các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau khẩn trương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức bộ phận trực ban, huy động lực lượng, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật sẵn sàng ứng phó với các tình huống do thời tiết rét đậm, rét hại, băng giá và mưa tuyết gây ra...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem