Miền Bắc sẵn sàng đón nước từ hồ thuỷ điện về đồng ruộng

Thiên Ngân Thứ sáu, ngày 12/01/2018 06:15 AM (GMT+7)
Những ngày này, các tỉnh miền Bắc đang tất bật chuẩn bị mọi công tác để sẵn sàng đón nước từ hồ thủy điện về đồng ruộng. Trao đổi với NTNN, ông Trần Xuân Định (ảnh) – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết nguồn nước năm nay rất dồi dào, việc lấy nước đổ ải sẽ thuận lợi, tiết kiệm hơn so với mọi năm.
Bình luận 0

img

Ông Trần Xuân Định  – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT)

Chỉ còn 4 ngày nữa là các tỉnh miền Bắc đón đợt xả nước đổ ải đầu tiên cho vụ đông xuân 2018. Qua nắm bắt của ông, đến nay các tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng hay chưa?

- Chúng tôi vừa đi khảo sát ở các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam và nhận thấy các tỉnh  đã chuẩn bị sẵn sàng phương án lấy nước. Ở một số vùng trũng, nhiều thửa ruộng nông dân đã cày xong và đang mênh mông nước như huyện Duy Tiên, Bình Lục (Hà Nam), dù chưa xả hồ Hòa Bình. Đây chủ yếu là nước mưa và nước từ các vùng cao dồn về. Nhìn chung, tại các chân ruộng ở vùng chuyên canh lúa, nông dân đã cày xong, bờ vùng bờ thửa, mương máng cũng đã được dọn sạch cỏ dại, bùn đất, chỉ cần chờ nước về.

img

Các hồ thủy lợi đã sẵn sàng mọi công tác để chuẩn bị xả nước đổ ải vụ đông xuân 2018. Ảnh: EVN 

"Trước đây việc đổ ải thường gặp khó khăn, tốn nhiều nước vì diện tích lúa dài ngày còn nhiều. Nhưng nay, chủ trương của Bộ NNPTNT là tăng cường các giống ngắn ngày, lịch thời vụ các địa phương cùng thống nhất, nên các địa phương cần căn cứ vào kế hoạch sản xuất, lịch thời vụ để có kế hoạch lấy nước, tích nước phù hợp”.

Ông Trần Xuân Định

Theo kế hoạch đã thống nhất giữa Bộ NNPTNT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm nay vụ đông xuân sẽ có 3 đợt xả nước, tổng cộng 18 ngày. Mới đây, Tổng cục Thủy lợi cũng đã tổ chức một số đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị lấy nước ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Theo đó, ngày 16.1 sẽ bắt đầu mở một số cửa xả của hồ thủy điện Hòa Bình và một số hồ thủy lợi. Mục tiêu đợt xả đầu tiên chủ yếu phục vụ các tỉnh cuối nguồn và công tác thau chua, rửa mặn, khơi thông các lòng sông, kênh mương.

Chủ lực mới là đợt lấy nước thứ 2, từ 28.1 – 4.2. Tổng diện tích cần lấy nước đổ ải trên 600.000ha.

Việc lấy nước ở các địa phương năm nay có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

- Công tác lấy nước 2-3 năm gần đây rất thuận lợi, bởi cứ khi chuẩn bị lấy nước đổ ải thì trời có mưa. Do nước mưa đã ngấm vào đất, ruộng đã đủ ẩm nên chúng ta sẽ tiết kiệm được một lượng lớn nước ban đầu. Vì vậy, có thể năm nay sẽ điều tiết, cắt giảm bớt số ngày xả nước. Tuy nhiên việc này cũng cần điều hành linh động, hiệu quả. Khảo sát trên các hồ thủy điện và hồ thủy lợi cho thấy, về nguồn nước năm nay rất dồi dào và thuận tiện.

Những năm trước đây, một số địa phương như Hà Nội, Vĩnh Phúc thường có “truyền thống” lấy nước muộn, cứ đến chân mới nhảy và được biết, năm nay Hà Nội lại “xin” xả thêm 1 đợt thứ 4 (sau Tết Nguyên đán). Vậy ông có thể cho biết kế hoạch của Bộ đối với các địa phương này?

- Hà Nội có đề xuất xả thêm 1 đợt sau Tết Nguyên đán, nhưng diện tích lấy nước muộn của Hà Nội không phải là toàn thành phố, mà chủ yếu ở một số huyện phía tây như Quốc Oai, Ba Vì, Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây... Do đó, nếu chỉ xả 1 đợt để phục vụ cho Hà Nội thì rất lãng phí. Bộ NNPTNT, Tổng cục Thủy lợi, Cục Trồng trọt đã có ý kiến với EVN để nếu trong trường hợp không xả thì có thể bố trí cho những công ty thủy nông đang gặp khó khăn bơm nước lên bằng động lực, bơm truyền từ thấp lên cao từ sông Hồng.

Thực tế là ở những vùng như Quốc Oai, Ba Vì, Phúc Thọ…, lâu nay thường lấy nước trực tiếp từ sông Hồng. Nếu mực nước sông Hồng bị xuống thấp thì máy bơm sẽ bị “treo giỏ”, không hoạt động được. Vì vậy phải có phương án bơm truyền qua 2 nấc bơm, dẫn đến tốn kém. Đây cũng là lý do Hà Nội đề xuất thêm đợt xả thứ 4. Qua tính toán cho thấy, nếu EVN hỗ trợ kinh phí để thực hiện bơm truyền thì sẽ bớt tốn kém, lãng phí hơn so với xả thêm đợt nữa, do đó Bộ NNPTNT đã đề xuất EVN hỗ trợ.

Đến nay hệ thống kênh mương ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng đã được đầu tư khá kiên cố. Điều này có góp phần tiết kiệm lượng nước cần xả không?

- Thực tế cho thấy hệ thống kênh mương ở các tỉnh lấy nước tự chảy, bơm động lực đều đã rất sẵn sàng. Trước khi triển khai kế hoạch lấy nước vụ đông xuân 2018, các địa phương đều đã có kế hoạch nạo vét kênh mương, sửa lại các đầu kênh cấp 2, cấp 3, chỉnh trang đồng ruộng, hệ thống máy móc…

Chỉ có một số khu vực bị lấy đất làm khu công nghiệp, quy hoạch làm giao thông, đồng ruộng bị chia cắt, phá vỡ thì việc lấy nước mới bị khó khăn hơn, ví dụ như một số địa phương của Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên... Tuy nhiên, họ cũng đã có phương án khắc phục bằng cách bơm truyền, đầu tư cải tạo sửa chữa một số trạm bơm, đưa công nghệ bơm đẩy vào và hạ các giỏ bơm bằng với mực nước sông để bơm nước lên ruộng.

Những năm gần đây, việc  bê tông hóa hệ thống kênh mương đã được nhiều địa phương quan tâm, nước không bị ngấm nhiều xuống đất như trước nên chúng ta cũng đã tiết kiệm được một lượng nước không nhỏ.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem