Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL cho biết, ở ĐBSCL có tổng cộng 23 hố sâu. Những hố sâu này hình thành theo tự nhiên trong nhiều năm qua. Theo nghiên cứu, những hố này có độ sâu từ mười mét đến hàng chục mét, rộng từ bốn ha đến hàng chục ha.
Vị trí các hố sâu ở ĐBSCL (Nguồn: Báo cáo kỹ thuật số 31 của Ủy hội sông Mê Công - MRC)
Vị trí thường có các hố sâu là nơi đoạn sông cong, nước đạp vào bờ phía lõm, bên dưới nơi hợp lưu của hai dòng chảy, nơi dòng chảy bị cù lao giữa sông tách ra làm hai và hợp lại ở bên dưới và nơi dòng sông bị thắt nút cổ chai ở một bên hoặc hai bên.
“Những hố sâu này trước đây vẫn ở yên nhưng khi có sự mất cân bằng động lực dòng chảy, nó sẽ bị dịch chuyển vị trí, ăn vào bờ và gây ra những vụ sạt lở nghiêm trọng. Nguyên nhân gây mất cân bằng động lực dòng chảy là do lượng cát từ thượng nguồn về ít trong khi đó ở hạ lưu ĐBSCL lại xảy ra tình trạng khai thác cát quá mức” – Chuyên gia về sinh thái ĐBSCL cho biết.
Vụ sạt lở nghiêm trọng trên sông Vàm Nao
Cũng theo Thạc sĩ Thiện, tình trạng sạt lở nghiêm trọng vừa mới xảy ra trên sông Tiền (đoạn qua địa bàn huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) và sông Vàm Nao (đoạn thuộc xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) đều có sự xuất hiện của hố sâu.
Như Dân Việt đã đưa tin, trước đó, ngày 22.4 vừa qua, trên sông Vàm Nao (đoạn thuộc xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) bất ngờ xảy ra vụ sạt lở. Điểm sạt lở dài 160 mét, ăn sâu hơn 30 mét khiến 108 hộ dân phải di dời khẩn cấp, tổng thiệt hại ước tính khoảng 90 tỷ đồng.
Sau vụ sạt lở trên, những ngày cuối tháng 4, trên sông Tiền (đoạn qua xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) cũng xảy ra tình trạng sạt lở nguy hiểm (dài khoảng 210 mét, đe doạ sự an toàn của 217 hộ dân).
Để có những biện pháp khắc phục, hỗ trợ kịp thời cho người dân, tỉnh An Giang và Đồng Tháp cũng đã ban bố khẩn cấp tình trạng sạt lở bờ sông tại 2 khu vực trên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.