Miền Tây loạn chảo truyền hình lậu

Thứ tư, ngày 23/10/2013 06:35 AM (GMT+7)
Mua bán và lắp đặt dịch vụ truyền hình kỹ thuật số vệ tinh đang trở thành trào lưu sôi động nhưng cũng gây nhiều bức xúc trong người dân, đặc biệt là nông dân ở miền Tây Nam Bộ. Tình trạng loạn “chảo lậu” đang gây lãng phí tiền của cho không ít người.
Bình luận 0
Chảo lậu tràn lan

“Chảo lậu” là cách gọi vắn tắt của dân miền Tây về bộ thu phát tín hiệu truyền hình kỹ thuật số vệ tinh không rõ nguồn gốc. Hầu như khắp vùng ĐBSCL, từ thành thị đến nông thôn, vùng xa, hẻo lánh... ở đâu cũng có nơi bán hoặc dịch vụ lắp đặt chảo lậu. Một bộ chảo lậu gồm 1 hộp xử lý, chuyển tín hiệu (box) và một ăng ten kỹ thuật số (chảo) hiện phổ biến có 2 mức giá (gồm cả chi phí lắp đặt): loại I từ 720.000 - 750.000 đồng và loại II từ 500.000 - 550.000 đồng.

Người dân ở vùng nông thôn  vùng ĐBSCL lắp đặt rất nhiều chảo lậu.
Người dân ở vùng nông thôn vùng ĐBSCL lắp đặt rất nhiều chảo lậu.

Chủ tiệm điện gia dụng Ngọc San ở phường Bình Đức, TP.Long Xuyên (An Giang) nói: “Ở đây tôi chỉ bán chảo hiệu Vsat và Nanosat và chỉ bán loại I vì loại này có bảo hành 1 năm, giá 750.000 đồng/bộ”. Sau khi tìm hiểu kỹ, chúng tôi mới biết bảo hành mà chủ tiệm này nói là “bảo hành miệng”, nghĩa là không có bất kỳ hợp đồng nào, chỉ hứa bằng miệng là trong 1 năm nếu hộp box bị cháy, nổ thì cho đổi lại.

Còn trường hợp thu được bao nhiêu kênh hay mất kênh nào thì… không biết. Lật xem con tem dán hờ bên hông hộp box mà chủ tiệm bảo là tem công ty thì thấy lem nhem mấy chữ: Hộp box Nanosat – xuất xứ: Việt Nam – Công ty TNHH TMDV Vũ Hồng Minh – địa chỉ: TP.HCM.

Tìm hiểu nhiều chỗ bán hoặc lắp đặt dịch vụ chảo lậu khác, tất cả cũng đều giống nhau: Không có bất kỳ hợp đồng nào, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các loại chảo mà những nơi này bán phổ biến là các nhãn hiệu Vsat, Nanosat, HDsat, Vinasat, với nhiều màu: Đỏ, sám, xanh đậm, xanh lơ.

Từ hơn 1 năm nay, thị trường bắt đầu xuất hiện chảo lậu và cũng bắt đầu một phong trào nhà nhà lắp đặt thiết bị này. Càng về nông thôn, vùng xa (nhất là những nơi chưa có đường truyền hình cáp) thì mật độ lắp chảo lậu càng cao. Có những nơi, cả thôn xóm đều lắp chảo lậu vì nó rẻ và tiện hơn việc dựng một giàn ăng ten công nghệ analog. Thật ra thì dân nông thôn, nhất là nông dân, không ai biết tính chất “lậu” của chảo lậu là như thế nào. Gọi là “lậu” nhưng họ cứ thản nhiên lắp đặt mà không một chút đắn đo. Những người lắp đặt chảo lậu không một chút mảy may quan tâm đến quyền lợi của mình có được đảm bảo hay không, được bao lâu, giá trị pháp lý như thế nào… chỉ khi lắp rồi mới biết chất lượng là rất lơ mơ…

Anh Nguyễn Thu An ở xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, An Giang, chỉ cho chúng tôi xem một chảo lậu do chính tay anh lắp đặt và bức xúc: “Tôi mới xài được có hơn một tuần mà tín hiệu truyền hình lem nhem, nhiễu sóng lung tung, xem nhức hết cả đầu. Mấy ngày đầu nó còn có được bốn mươi mấy kênh, rồi vài ngày mất vài kênh… bây giờ còn có mấy kênh mà kênh tào lao gì không à, muốn coi thời sự địa phương cũng không được”.

Anh An cho biết thêm, nhà anh rất nghèo, nhưng cũng ráng mua một bộ để có truyền hình xem, nghĩ rằng mình đầu tư đồ kỹ thuật số là hiện đại, là lo xa, đón đầu cái vụ số hóa truyền hình từ năm 2020... “Nhưng “tính già hóa ra non”, bây giờ cái chảo này càng coi càng chỉ thấy tức” - anh An nói.

Mù mờ trách nhiệm

Thực trạng mua bán, lắp đặt, sử dụng chảo lậu như hiện nay, tự nó đã cho thấy không ai quản lý… Nhưng trách nhiệm này là của ai? Sự bức xúc của những người trót mua và lắp đặt chảo lậu tăng cao trong khoảng vài tuần qua, khi mà hàng loạt chủ nhân chảo lậu đột nhiên bị mất hầu như toàn bộ tín hiệu các kênh truyền hình địa phương.

“Tôi mới mua bộ chảo này ở đại lý ngoài thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn chưa đầy tháng, tự dưng mất sạch không còn kênh nào. Đem ra đại lý khiếu nại họ nói là “chỉ bán thôi, không có trách nhiệm gì cả”, tôi làm ầm lên thì họ bảo “tại thời tiết, ai cũng vậy chứ có phải mình bà đâu, mà tôi có ký kết gì với bà đâu” – bà Nguyễn Thị Tập ở ấp Mỹ Thành, xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn, An Giang, kể.

Ông Phan Văn Ninh - Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh An Giang cho biết: “Hiện An Giang đang có nhiều người lắp đặt dịch vụ truyền hình không rõ nguồn gốc vì giá rẻ, không tốn phí thuê bao, nhất là ở vùng núi, vùng lõm sóng, vùng nông thôn chưa có cáp truyền hình... Sở đã nắm vấn đề này từ lâu nhưng không phải riêng sở giải quyết được. Trước mắt, chúng tôi sẽ chủ động hơn trong việc tuyên truyền, vận động người dân không nên sử dụng những loại và dịch vụ truyền hình không rõ nguồn gốc”.

Với sự phát triển rầm rộ của nhiều nhà đài cùng nhiều dịch vụ truyền hình, người ta dễ dàng nghĩ rằng truyền hình Việt Nam đang phát triển rất nhanh, rất triển vọng, rất đa dạng, phong phú… Nhưng thực tế số đông người dân, nhất là nông dân, ở vùng nông thôn hiện vẫn đang còn rất nhiều hạn chế trong việc tiếp cận với truyền hình hiện đại.

Tính ra nông dân vùng ĐBSCL (và ở nhiều vùng nông thôn, miền núi trên cả nước) đã và đang bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua chảo lậu. Khi quyết định lắp đặt loại thiết bị này, họ nghĩ rằng đang đầu tư cho một dịch vụ truyền hình hiện đại, hiệu quả và đúng đắn.

Thực tế thì không có một cơ sở pháp lý nào bảo đảm cho quyền lợi của họ, cũng chưa có một động thái nào từ phía ngành chức năng để giúp họ nhận thức và hiểu đúng, đầu tư hợp lý, hợp pháp và hợp với điều kiện kinh tế của nông dân.

Trọng Bình (Trọng Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem