Miền Tây, thời khắc yên tĩnh trước "bão"

Thứ hai, ngày 12/02/2018 07:30 AM (GMT+7)
Cuối cùng, câu hỏi chúng ta đang ở đâu trong cuộc cách mạng 4.0 vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng sau cuộc gặp gỡ của CLB Hỗ trợ nông gia tại Cần Thơ hồi cuối năm.
Bình luận 0

Tình huống hội luận được mô tả là vùng quê mọc lên những nhà máy và lao động nông nghiệp dôi ra từ đây được đưa vào dây chuyền công nghiệp. Những công nhân được “hấp chín” trong môi trường công nghệ cao để tạo ra những bất ngờ trong cuộc cách mạng 4.0. Những lao động nông nghiệp sẽ chuyển đổi cùng thế giới số hoá, theo ông Nguyễn Thể Hà, chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB).

img

Cuộc hội luận về tự động hóa ở miền Tây do TGTT tổ chức vào cuối năm 2017.

Viễn cảnh đầy mơ mộng ấy được đưa vào giả định vàng son, các chuyên gia lưu ý thực trạng sản phẩm đang bị hoài nghi, “tự động hoá và số phận” mà cuộc cách mạng 4.0 có thể giải cứu?

Chỉ cần trong tay nông dân có một smartphone, chỉ cần mã QR, chỉ cần hành động có thật được ghi lại, bà con nông dân có thể làm cho màn sương hoài nghi tan biến bằng cách chứng minh nguồn gốc theo th ời gian thực và quy trình làm ra hàng hoá.

Để đáp lại “nhã ý” của TS Lê Đặng Trung, giám đốc Real Time Analytics, một phó giám đốc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn nói: chúng tôi tiếp xúc rất nhiều công ty, họ cũng chào bán phần mềm và chúng tôi đang xem xét.

TS Lê Đặng Trung định giải thích thêm, nhưng có người nói rằng với những suy nghĩ đã được định dạng theo gói và việc giao dịch từ khu vực tư với khu vực công, không đơn giản là mô tả công dụng.

Ông Trung thuộc nhóm khoa học trẻ từ nước ngoài về muốn góp sức giải bài toán khó trong nông nghiệp, mà theo TS Nguyễn Hiếu Hiền, nhà giáo nhân dân, nông nghiệp đang ở mức 3.0. Ông Hiền từng làm việc cho IRRI, chịu trách nhiệm triển khai chương trình san phẳng đồng ruộng bằng tia laser, để mở đường cho các biện pháp tiết kiệm giống, nước, phân bón và công sức tại ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, nói rằng cuộc cách mạng 4.0 đang đi rất nhanh và ông cảm thấy khó bắt kịp.

TS Lương Việt Quốc, giám đốc công ty Real Time Robotics, cũng vừa từ Mỹ trở về Việt Nam, nhận giấy phép đầu tư tại TP.HCM, hiểu drone sẽ va chạm với những vách ngăn nhận thức khi bay lượn trên những cánh đồng để “chẩn đoán” sức khoẻ của đất, cây trồng, dự báo thực trạng hoặc những đám cháy để phát hiện nguy cơ tiềm ẩn, cháy lan… vì điều đó hoàn toàn có thể bị đánh đồng với vật thể lạ trên không phận. Ông Quốc luôn kín kẽ, ngay cả việc tìm kiếm thông tin về hai sản phẩm sắp trình làng vào tháng 3.2018, cũng không phải dễ. Đơn giản vì ông hiểu những quy định tự công bố và càng thận trọng càng tốt trước những vấn đề có thể phát sinh do xung đột nhận thức thực tại và cuộc cách mạng 4.0.

Ông Trung vẫn ray rứt khi nói về thẻ vàng EU, và cũng mong muốn với chiếc smartphone, bật định vị toàn cầu trên tàu, với hình ảnh gắn với thời gian thực sẽ giúp cho những ngư dân tự bảo vệ mình trước những cáo buộc, bắt bớ, đốt tàu, luận tội mà không cần tuyệt thực để chứng minh.

TS Nguyễn Thanh Mỹ, người có hàng trăm bằng sáng chế ở nước ngoài, trở về nước đưa ra nhiều thiết bị đo độ mặn, làm phân bón thông minh, thiết bị tự động phát hiện vé số giả và cả những thiết bị tính tiền đồng hồ nước thông minh, tự động báo mức tiêu thụ chính xác qua smartphone. Chỉ riêng thiết bị tính đồng hồ nước, có người nói khó lắm vì tiền nước bao giờ người ta cũng cộng vô tỷ lệ hao hụt trên đường ống, có khi thực quá lại rách việc.

Hành trình của những ý tưởng sáng tạo thắp sáng cánh đồng lớn, soi rọi ngư trường, hỗ trợ cứu hoả… không đơn giản chút nào.

Ông Nguyễn Thái Hùng, phó chủ tịch hiệp hội Dệt May Việt Nam, nói qua Nhật mới thấy làn sóng cách mạng 4.0 bất ngờ tới mức, giá thiết bị tự động hoá ở Nhật mấy năm trước có giá hàng chục ngàn USD, nay chỉ còn 10%. Việc trang bị máy móc tự động hoá trong ngành may, dù muốn hay không cũng phải làm, vì mấy lý do: tăng năng suất, giảm chi phí, dù phải đầu tư rất lớn ngay từ đầu. Thứ đến là việc đào tạo tay nghề và huấn luyện cách làm việc theo tiêu chuẩn công nghiệp là cực kỳ khó và rất tốn kém, nhưng năng suất lao động không thể gia tăng như mong muốn, và cải sửa thói quen lao động là nhiệm vụ bất khả thi, khiến lỗ lã đè nặng các nhà máy. Những robot không đau bụng, không nhức đầu, không nghỉ ngang đi thôi nôi, đầy tháng, giỗ quảy nhà hàng xóm, không đình công và cũng không phải lo canh cánh mức lương tối thiểu, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… Nhưng đời đâu đơn giản như vậy, ông Hùng cho rằng: nói đi thì phải nói lại, máy móc nào thì cũng phải có con người. Nhập một chiếc máy đóng nút tự động, một chiếc máy ủi hơi nước, cũng phải có người làm. Khi người làm như máy thì một tháng là có đơn xin nghỉ. Nếu con người này cố gắng rồi sinh bệnh, vô bảo hiểm y tế mới hiểu đời không đơn giản.

 “Bản thân tôi”, ông Hùng nói: “Lúc thì bảo chích mới được, khi lại nói thôi khỏi, chỉ cần uống thuốc; chất vấn, truy hỏi tại sao uống mà không chích như lần trước? Y tá chạy lên lầu hỏi lãnh đạo trở xuống nói: lãnh đạo nói muốn chích thì chích!”.

Đào tạo lao động kỹ thuật cao khó lắm, nhưng cứ đưa về các trung tâm huyện, ai cũng nghĩ dạy may với chiếc máy cơ điện tử ở trung tâm dạy nghề là được rồi, nhưng thấy máy may điện tử và khi ngồi vào dây chuyền là việc hoàn toàn khác. Đề xuất chuyển đổi cách làm thì có người giải thích chương trình đã được định dạng, nuôi sống một bộ máy nên chuyển gói đó cho doanh nghiệp để gắn với cuộc cách mạng công nghệ, chẳng khác nào “dâng nồi cơm” cho kẻ khác.

Cuộc cách mạng 4.0 diễn ra như vũ bão, nhưng ở đâu chứ chưa thấy dấu tích ở đồng bằng sông Cửu Long, dù có biết bao chương trình, dự án, hội thảo nhắc đi nhắc lại IoT, AI, công nghệ sinh học, tự động hoá, cơ giới hoá. Có thể cuộc cách mạng 4.0 đang bị nghẽn ở đâu đó cần giải cứu, hay biết đâu cuộc cách mạng đó chạy qua mặt mình rồi mà không hay, giờ đây phải lẹ lẹ chạy theo kẻo trễ?!

Hoàng Vân (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem