Miền Trung: Dân vẫn khó tiêu thụ cá

Kim Oanh-Hùng Phiên Thứ hai, ngày 16/05/2016 15:26 PM (GMT+7)
Ngày 16.5, sau 13 ngày Sở NN và PTNT Đà Nẵng làm đầu mối cung cấp cá sạch cho các chợ trên địa bàn thành phố, hầu như các điểm bán cá sạch tại các chợ đều tháo gỡ băng rôn.
Bình luận 0

img

Khu vực cá, hải sản chợ Hàn vẫn vắng hoe người bán, người mua.

Ông Phan Thạnh-Phó trưởng ban quản lý chợ Đống Đa cho biết, chợ có gần 100 tiểu thương bán cá, hải sản các loại. Tình trạng cá chết khiến người dân mua rất ít, việc tiêu thụ cá giảm rất nhiều. Thành phố triển khai điểm bán cá sạch, ngày đầu chợ có một điểm bán được 180kg cá ngừ. Ngày thứ 2 không có cá. Đến ngày thứ 3, tiểu thương được cung cấp 60kg cá nục. Từ ngày đó, đến nay tiểu thương không còn được cấp cá sạch.

Sau khi Sở NN và PTNT dừng cung cấp cá sạch, đến ngày thứ 4 chúng tôi tháo băng rôn xuống. “Không có cá thì phải tháo biển xuống để không ảnh hưởng đến hộ kinh doanh buôn bán cá khác trong chợ”, ông Thạnh lý giải.

Ghi nhận tại chợ Hàn, tấm biển điểm bán cá sạch do Sở NN và PTNT cung cấp cũng được gỡ xuống cách đây 2 ngày. Ông Huỳnh Văn Bông-Phó Ban quản lý chợ Hàn cho biết, cá sạch do Sở NN và PTNT làm đầu mối cung cấp chỉ cung cấp cho điểm bán cá sạch tại chợ được 2 ngày. “Để đến ngày 14.5 vừa rồi, sau nhiều ngày thấy Sở NN và PTNT dừng cung cấp cá sạch, nên chúng tôi gỡ băng rôn xuống.

Trong khi đó, cá tiểu thương không tiêu thụ được vẫn diễn ra. Tiểu thương Huỳnh Thị Ngãnh (55 tuổi), bán cá tại chợ Đống Đa, một trong những tiểu thương bán cá sạch tại chợ cho biết, ngày 3.5 khi thành phố triển khai cung cấp cá sạch cho tiểu thương, bà đăng ký bán 60kg cá ngừ. Nhà bà có 3 chị em bán tại chợ, lấy 180kg để bán. Ngay trong ngày đầu triển khai bà bán sạch trơn. Ngày thứ 2 bà cũng được cung cấp cá nục, cũng bán được 20kg. Sau đó không thấy Sở NN và PTNT cung cấp cá bán nữa.

“Bây giờ tại chợ người dân cũng bắt đầu ăn cá lại, nhưng vẫn giảm rất nhiều so với trước đây. Trước đây, 10 người mua, bây giờ chỉ có được ba người mua”, bà Ngãnh nói.

Tiểu thương Mai Thị Em, (62 tuổi), bán cá tại chợ Đống Đa hơn 40 năm cũng chia sẻ, bà mới vừa bán cá trở lại, nhưng mỗi ngày chỉ bán chưa tới 20kg, có ngày ế đem về. “Mặc dù người dân bắt đầu ăn cá trở lại nhưng vẫn chưa nhiều”, bà Em cho biết thêm.

Theo ghi nhận tại chợ Hàn, còn rất nhiều hàng cá, hải sản của tiểu thương bỏ trống, chưa đi bán trở lại trước tình trạng cá chết. Tiểu thương Dương Thị Nguyệt (42 tuổi) bán cá tại chợ Hàn than thở, sáng giờ chị chỉ bán được 200 ngàn đồng tiền cá, trong khi vốn bỏ vào hơn 2,3 triệu đồng. “Trước đây mỗi ngày chị bán trung bình cũng được 1 đến 1,5 triệu đồng. Nhưng khi bị ảnh hưởng bởi thông tin cá chết, chị nghỉ bán hơn nửa tháng nay do cá bán không ai mua. Mới đi bán trở lại 2 ngày nay nhưng cá vẫn ế, ít người ăn”, chị Nguyệt nói.

Ông Phan Thạnh- Phó Ban quản lý chợ Đống Đa cũng cho biết thêm, hiện việc bán cá của tiểu thương trong chợ đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, vẫn còn giảm rất nhiều. Chỉ bán được khoảng 20% sản lượng so với trước đây.

Tại Phú Yên, tình trạng tiêu thụ cá cũng gặp khó khăn tương tự. Sau sự cố cá chết ở biển Bắc miền Trung, một số người dân tại TP.Tuy Hòa (Phú Yên) đã từ bỏ thói quen ăn hải sản, mặc dù đây là thức ăn “cơm bữa” của gia đình…

Theo ghi nhận của PV, lý do nhiều người dân từ chối ăn hải sản, mặc dù là hải sản sạch là bởi họ sợ cá chết từ nơi khác đem về trà trộn rồi đem bán ở thị trường Nam Trung bộ. Theo bà Lê Tiểu Phước - chủ một cơ sở thực phẩm ở phường 9 (Tuy Hòa), cách đây một tháng, hải sản là mặt hàng chủ lực được bà thu mua, chế biến, cấp đông để bán vào thị trường phía Nam. “Thế nhưng kỳ này, rất nhiều người Sài Gòn dừng mua, không ăn đồ biển nữa. Vì thế, tôi chuyển sang tìm mua các loại thủy sản nước ngọt để “thế chân” các món hải sản. Bên cạnh đó, tôi cũng tăng cường cung ứng các món từ thịt gà, heo, bò,…” .

Bà Phước cho hay, dù không biến động lớn nhưng nhiều mặt hàng hải sản ở các chợ tại Phú Yên đang giảm giá nhẹ. Trong khi đó, các loại thủy sản nước ngọt đều tăng khoảng 10.000 đồng/kg; một số cơ sở nuôi cá nước ngọt khách đông tấp nập. Bên cạnh đó, một số loại thịt heo, bò, gà,… cũng đang “nhích” giá so với tháng trước; ví như, thịt ba rọi heo đã từ 75.000 đồng tăng lên 85.000 đồng/kg...

“Mặc dù cơ sở tôi công bố nguồn gốc thực phẩm từ Phú Yên nhưng rất nhiều khách hàng đã “lắc đầu” với hải sản từ bất cứ vùng biển nào! Vì thế, tôi phải chuyển sang mua cá nước ngọt về làm chả; mua tép sông về kho rim; ốc bươu ruộng um chuối; chế biến các món từ thịt “trên cạn”… Việc này do thị trường đầu ra quyết định thôi. Để xem khi nào khách hàng ăn lại hải sản thì tôi nhập mua, cung ứng…” - bà Phước nói thêm.

Còn ông Đặng Phúc - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở NNPTNT Phú Yên) cho biết: “Thời gian qua, không hề có hiện tượng hải sản bị chết bất thường ở vùng biển Nam Trung bộ. Còn chuyện hải sản bị nhiễm độc theo dòng chảy từ biển Bắc miền Trung là tin đồn không có cơ sở khoa học. Việc nhiều người nghe theo tin đồn, không ăn hải sản đang gây lắm khó khăn cho thị trường địa phương, đời sống sản xuất của ngư dân… Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc để tin đồn bất lợi không tiếp tục lây lan trong xã hội”.       

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem