Trên mọi tờ báo và diễn đàn về vụ việc Minh Béo, ít có nơi nào trực diện, thẳng thắn như trang Facebook của ông bầu Dũng Taylor (ông xã ca sĩ Thu Phương).
Sự sâu sát này có lẽ đến từ việc Dũng Taylor ở gần, lại rất quan tâm đến Minh Béo, nhưng chính nó cũng mang đến nhiều thị phi, tranh cãi, với các ý kiến ác mồm ác miệng cho rằng đang có tình trạng “đánh bùn sang ao” trong giới giải trí.
Dũng Taylor viết: “Nếu bị kết án về tội danh xâm phạm tình dục trẻ em thì không ai cứu được Minh Béo bao gồm luôn cả Tổng thống Obama.
Xâm phạm tình dục trẻ em được xếp vào hạng cặn bã của xã hội, ngoài gia đình và thân nhân thì ai cũng muốn tránh xa người phạm tội.
Tổng thống Obama hàng năm ân xá khoảng 50 tù nhân, từ ngày nhậm chức ông đã ân xá trên 200 tù nhân vì ông nói “Đã là người ai cũng phạm tội và ai cũng xứng đáng được cơ hội làm lại từ đầu”, nhưng phần lớn những tội nhân được ân xá liên quan đến tội phạm ma túy không bạo động.
Ở xã hội Mỹ khi xâm phạm đến người già, phụ nữ và trẻ em thì coi như lết bằng mo, bò bằng mủng”.
Còn trên trang nhà của mình, nhà văn Thuận viết: “Anh béo hài sang Mỹ gây tội thì người Việt ầm ầm nổi sóng từ truyền thông chính thống đến phây búc này kia, thế nhưng anh bác sĩ Pháp về Hà Nội gây tội (mà có vẻ con số nạn nhân đông hơn nhiều, các hình thức lạm dụng cũng kinh tởm hơn, Interpol truy nã hẳn hoi) thì chỉ phải nhận loe hoe 1, 2 bài báo tiếng Việt. Cho hỏi ngu một chút: Dân ta quan tâm đến sâu bít hay ấu dâm hở các cụ?”.
Từ thực tế như hai ví dụ ở trên có thể dẫn đến các câu hỏi: Phải chăng đang có tình trạng “tát nước theo mưa”, “đánh bùn sang ao” mà quên đi cột mốc 15/4, ngày phiên tòa xảy ra, nơi mà Minh Béo vẫn còn các cơ hội để trắng án? Ngoài những cái nhìn phản biện, phân tích của Thuận, Dũng Taylor…, dường như trong giới nghệ sĩ, đồng nghiệp của Minh Béo cũng được một phen hả hê, thiếu cái nhìn động viên, chia sẻ. Phải chăng đang có những khoảng đen từ giới này?
Ca sĩ Mai Khôi:
Tự nhìn nhận, tôi không nằm trong giới giải trí, không tham gia nhiều hoạt động của giới này, không có quan hệ thân thiết với ai, nên tôi khó đánh giá cụ thể.
Tuy nhiên, theo tôi giới nào thì cũng như bất kỳ một nhóm người nào mà đó thôi, nghĩa là có người tốt, có người xấu, có người lành, có người hiểm ác và họ cũng có những hành xử cảm tính theo kiểu a dua, một đặc tính của đám đông. Bởi vậy, nếu một người biết gầy dựng thiện cảm với số đông như chị Phương Thanh, Hồ Ngọc Hà, chị Phương Uyên..., khi xảy ra vụ gì thì cũng dễ nhận được sự đồng cảm, ủng hộ, giúp đỡ.
Ngược lại, nếu một người lúc bình thường đã không gây được thiện cảm thì khi gặp chuyện, rất khó được người ta ủng hộ. Ta có thể phân tích để thấy rằng sự hả hê khi thấy một người “sắp chết” như vậy không chỉ đến từ tính xấu ngẫu nhiên của người Việt.
Phải đợi sau các phiên xét xử mới biết Minh Béo có tội hay không, nếu có, thì tôi không bao giờ chấp nhận hành vi lạm dụng tình dục trẻ em.
Nghệ sĩ Thái Hòa:
Theo tôi thì chuyện người nổi tiếng bị soi nhiều, soi kỹ, soi sâu cũng là chuyện bình thường. Khi làm diễn viên thì phải biết chuyện áp lực từ những luồng dư luận khác nhau, đó là một trong những nỗi khổ mà diễn viên phải đối mặt, phải vượt qua. Nhưng diễn viên làm gì, bị gì, được gì chẳng ai thèm quan tâm đếm xỉa tới lúc đó còn khổ tâm hơn. Đã chấp nhận làm nghề này thì phải chịu thôi. Tôi nghĩ thay vì kêu ca này nọ thì tôi chọn cách “sống chung với lũ” và cố hết sức có thể để tránh những chuyện tạo sóng dư luận. Còn lỡ có gì không hay ho thì ráng mà giấu cho kỹ, ráng mà gánh chịu thôi.
òn về chuyện báo chí Việt Nam mình tranh nhau viết về những chuyện này thì nó càng quá bình thường. Những chuyện nóng hổi mới xảy ra như chuyện Minh Béo đương nhiên là hút người đọc, vậy thì làm sao báo chí bỏ qua được, chưa kể là theo một số anh em bên báo nói thì áp lực lượng view của độc giả cũng quan trọng với một số bạn cộng tác với báo lắm nên cũng phải thông cảm với báo chí thôi! Cũng như làm phim phải có chiêu trò để phim mình thu hút khán giả, báo chí cũng cần lượng độc giả quan tâm bài báo của mình.
Nhưng mà thật sự tôi không thích mấy chiêu như “Hoài Linh bị tù, bị ung thư này kia”…, cái gì cũng cần có một vài giới hạn nhân đạo, nhân quyền và nhân văn của nó. Anh Hoài Linh ở bên ngoài, viết sai viết đúng anh ấy còn biết, còn phản biện, còn những trường hợp như Minh Béo hiện nay, chúng ta viết chỉ để chúng ta và gia đình bạn ấy đọc mà thôi, ở trong trại tạm giam đâu biết gì.
Còn nói về chuyện người Việt mình xấu này nọ thì dĩ nhiên không phải ai cũng xấu, nên không thể vơ đũa cả nắm. Nhưng cũng cần nhìn thẳng vào sự thật là bên Nhật, Hàn, Singapore…, thậm chí Thái Lan luôn có những bản cảnh báo bằng tiếng Việt thì rõ ràng nhắc tới người Việt mình, người nước ngoài cũng không tôn trọng lắm đâu. Đương nhiên, không phải người nước ngoài nào cũng không tôn trọng người Việt mình, và cũng không phải người nước ngoài nào mình cũng phải tôn trọng họ.
Diễn viên Tinna Tình:
Thứ nhất, về vấn đề nhân quả, nếu thật sự mình đã làm điều gì đó sai trái, sống không ra gì, thích nói thị phi, nói xấu, làm xấu, thì tất nhiên trước sau luật nhân quả sẽ đến. Không cần đến con người chúng ta “đánh bùn sang ao”, “tát nước theo mưa”, thì tự họ cũng sẽ bị trừng phạt. Vì vậy, nếu Minh Béo có làm thì hiển nhiên phải chịu hậu quả và nhân quả. Và việc người ta nói xấu hay nói tốt thì cũng không thay đổi được sự việc đã xảy ra.
Trong thời buổi mạt pháp và suy đồi nhân tâm, thời mà phần đông tự cao tự đại, luôn cho mình là nhất, không ai bằng. Cái hay của người khác thì không bao giờ thấy, mà chỉ thích săm soi vào điều xấu, vào tai nạn của người ta. Điều này cũng chỉ nói lên sự mặc cảm trong nội tâm và sự hiếu kỳ, tọc mạch của nhiều người. Mặc cảm vì nghèo bao dung, vì thiếu tài, thiếu tâm..., đại khái thiếu đủ thứ, nên luôn tìm cách đâm chích, vùi dập người khác xuống bằng cách nói xấu, nói thị phi để mình có cảm giác hay ho hơn họ. Nhưng đó chỉ là cảm giác ảo của việc tự xoa dịu cái tôi méo mó, bệnh hoạn.
Đấy là tôi nói trường hợp người ta đang hay ho, tươi đẹp mà còn ít ai muốn nhìn nhận, trân trọng, huống hồ như trường hợp anh Minh Béo, vốn đang gặp tai nạn và khó khăn. Tôi chỉ nghĩ quả nào thì người gieo nhân ấy sẽ nhận. Tội nào thì người ấy sẽ nhận. Còn nếu mình khởi được tâm tốt để nghĩ đến những điều lạc quan, tốt đẹp thì nên làm, như vậy mới có khả năng đem lại sự tốt đẹp cho chính mình, cho xã hội. Còn người lại thì thôi.
Nhưng cái giới giải trí, showbiz này lạ lắm, kể như khi tôi trả lời như thế này, kiểu gì cũng sẽ có nhiều người chửi “nói thì hay, làm được không”, hoặc sẽ chửi “đồ đạo đức giả”, đôi khi chỉ chửi cho có chửi, chửi để thỏa mãn. Nên trước khi bị chửi, tôi cũng xin lỗi những ai chưa hài lòng với cách trả lời như thế này.
Như Hà (Thể thao & Văn hóa Cuối tuần)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.