Mở cửa cho doanh nghiệp đầu tư

Tố Loan Thứ bảy, ngày 27/10/2018 06:00 AM (GMT+7)
Tại Nghị định 136/2018 vừa ban hành, Chính phủ đã bãi bỏ, sửa đổi 102/163 điều kiện đầu tư kinh doanh, chiếm 62,6% tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh lĩnh vực tài nguyên và môi trường (TNMT). Nhiều ý kiến cho rằng đây là hành động quyết liệt, rất đáng hoan nghênh, có thể mang lại môi trường thông thoáng và minh bạch hơn cho doanh nghiệp.
Bình luận 0

Muốn “dọn rác” cũng không dễ

Vốn là nhà khoa học, nhưng từ hơn 10 năm qua, TS Nguyễn Đình Trọng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T-tech đã quyết định đầu tư vào lĩnh vực môi trường - một trong những “mảnh đất” không hề dễ dàng, nhất là với những người làm khoa học.

img

Bộ TNMT là bộ thứ 3 mà Chính phủ ban hành nghị định cắt giảm, sửa đổi điều kiện đầu tư kinh doanh. Ảnh:  I.T  

Nhớ lại những ngày đầu mới khởi nghiệp xử lý rác, TS Nguyễn Đình Trọng cho hay, ông gặp không ít khó khăn: “Có thể khẳng định chính sách trong lĩnh vực môi trường còn nhiều hạn chế, đặc biệt là sự chồng chéo và rườm rà. Nhiều yêu cầu, quy định khá khắt khe nên đã tạo ra nhiều rào cản cho DN. Điều này vô hình chung chúng ta tự làm giảm nhiều nguồn lực xã hội, tham gia vào công tác xử lý môi trường trong suốt thời gian vừa qua”.

Từ 46% lên gần 63%

Hồi tháng 3.2018, lãnh đạo Bộ TNMT cho biết, Bộ đã rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh để cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho DN. Bộ dự kiến có khoảng 46,64% điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực TNMT được cắt giảm, đơn giản hóa thuộc 18 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phụ lục 4 Luật Đầu tư.

Theo TS Trọng, đây là tình trạng chung của nhiều DN khi đầu tư vào lĩnh vực TNMT. Những thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh vẫn còn là điểm nghẽn khiến không ít nhà đầu tư ngại ngần tham gia.

Trước khi bãi bỏ điều kiện đầu tư kinh doanh, theo thống kê của Bộ TNMT: Có 18 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với 163 điều kiện kinh doanh thuộc 6 lĩnh vực: Đất đai (23 điều kiện), môi trường (63 điều kiện), khoáng sản (26 điều kiện), tài nguyên nước (39 điều kiện), khí tượng thủy văn (8 điều kiện) và đo đạc bản đồ (4 điều kiện).

Để hỗ trợ các DN hoạt động trong 18 lĩnh vực này, Bộ TNMT đã đề xuất đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Theo đó, Bộ đã kiến nghị Chính phủ và tổ chức xây dựng dự thảo nghị định bãi bỏ một số điều của các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực TNMT.

Ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TNMT) cho hay: “Trên cơ sở rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực TNMT, chúng tôi đã sửa đổi 11 nghị định của 6 lĩnh vực kể trên, theo đó bãi bỏ 102/163 điều kiện kinh doanh, chiếm gần 63%. Có thể nói đây là lần rà soát, bãi bỏ các điều đầu tư kinh doanh lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực TNMT”.

Ai được hưởng lợi?

Nói về việc cắt giảm “mạnh tay” nhất từ trước tới nay của Bộ TNMT, ông Nguyễn Đình Trọng nhấn mạnh: “Tôi đánh giá cao động thái này của Bộ TNMT, đây là tín hiệu vui, rất đáng lạc quan. Động thái này sẽ tạo ra một cú hích, khích lệ nhiều DN, nhiều cá nhân, tổ chức, nhiều nguồn lực xã hội tham gia vào công tác TNMT nhiều hơn”.

Đồng quan điểm với ông Trọng, ông Phan Tuấn Hùng cũng khẳng định: “Đối tượng hưởng lợi nhiều nhất từ việc cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh chính là các DN cũng như các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TNMT. Họ sẽ giảm được gánh nặng hành chính cũng như những chi phí tuân thủ không cần thiết. Đây cũng chính là cơ hội để cơ quan quản lý nhà nước về TNMT nhìn nhận và đánh giá lại hệ thống chính sách, quy định pháp luật của ngành, nhằm đơn giản hóa, rõ ràng và minh bạch hơn cho DN. Đồng thời, giúp hoàn thiện thể chế của ngành TNMT”.

“Tôi mong muốn rằng sau khi cắt giảm các thủ tục hành chính, các cấp ngành từ trung ương xuống địa phương tạo điều kiện tối đa để Nghị định 136 đi sâu vào cuộc sống càng sớm càng tốt, giúp cho công tác môi trường ngày càng được cải thiện tích cực hơn” – ông Trọng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Việt Thắng - Phó vụ trưởng Vụ KHCN và Hợp tác quốc tế
(Tổng cục Môi trường):

Tăng đầu tư, tăng tính cạnh tranh

Hiện, ngành công nghiệp môi trường Việt Nam chỉ mới đáp ứng 2 - 3% nhu cầu xử lý nước thải đô thị, 15% nhu cầu xử lý chất thải rắn, 14% nhu cầu xử lý chất thải nguy hại. Còn những lĩnh vực như tái chế chất thải, dầu thải, nhựa phế liệu, chất thải điện, điện tử chưa phát triển. Điều này cho thấy, ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển nên tiềm năng còn rất lớn. Trong khi đó, tính đến năm 2020, nhu cầu sản xuất thiết bị trong lĩnh vực môi trường cần có là 93.000 tỷ đồng và đến năm 2030 nhu cầu này tăng lên đến 222.000 tỷ đồng.

Nếu chúng ta không đơn giản hóa thủ tục đầu tư kinh doanh thì sẽ rất khó kêu gọi vốn đầu tư vào lĩnh vực môi trường. Chính vì vậy, tôi đánh giá việc cắt giảm tới gần 63% điều kiện đầu tư kinh doanh lần này của Bộ TNMT chính là bước tiến lớn về mặt thể chế. Nói “giảm” nhưng thực tế lại là “tăng”, tăng sự thu hút, tăng tính cạnh tranh, tăng cường cải cách chắc chắn sẽ “được” nhiều hơn “mất”.

Bà La Kim Thanh - Chủ DNTN Vĩnh Thành (TP.Hồ Chí Minh):

Mất nhiều hợp đồng vì thủ tục hành chính

Là DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và cung cấp các loại bao bì nhựa PP, PE, OPP… chúng tôi hiểu rất rõ những khó khăn, cản trở từ thủ tục hành chính chồng chéo và rườm rà. Trong lĩnh vực của tôi đang làm, rất nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp quy mô sản xuất, chỉ cung ứng nhỏ lẻ bởi không thể gánh nổi những chi phí cũng như đáp ứng được yêu cầu về giấy phép, thủ tục đầu tư của cơ quan nhà nước.

Ngay bản thân DNTN Vĩnh Thành cũng phải từ chối rất nhiều hợp đồng lớn từ các khách hàng nước ngoài, bởi họ yêu cầu khắt khe về chứng nhận Nhà nước cho độ an toàn của sản phẩm. Trên thực tế sản phẩm của chúng tôi an toàn với sức khỏe cộng đồng và môi trường nhưng để xin được các loại giấy chứng nhận đó phải qua nhiều “cửa”, đi nhiều lần, chi phí tốn kém, tốn thời gian…

Mà tất cả những chi phí đó sẽ được tính vào giá thành sản phẩm nên DN không thể “gánh” mãi được. Chính vì vậy, việc loại bỏ, cắt giảm 102 điều kiện kinh doanh lần này của Bộ TNMT đã mở ra cơ hội rất lớn cho DN, đặc biệt là những DN nhỏ và vừa.

Tôi hy vọng, Nghị định 136 sẽ sớm đi vào thực tiễn và thực sự giúp ích cho các DN hoạt động trong lĩnh vực môi trường nói chung, trong ngành nghề nhựa nói riêng”.

Nguyễn Tố (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem