Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cùng Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế TP.HCM (CIIS) đã tổ chức hội thảo "Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Triển vọng và rủi ro với doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam". Tại hội thảo, giới chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá nhiều doanh nghiệp Việt đã tận dụng được nhiều cơ hội từ cuộc chiến này nhưng những rủi ro cũng là những nhân tố có thể loại trừ, thậm chí doanh nghiệp phải chú ý và hết sức cẩn trọng.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết sau những tháng đầu năm âm ỉ, cuộc chiến thương mại của Mỹ - Trung Quốc nổ ra hồi đầu tháng 7 khi Mỹ áp thêm mức thuế 25% với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đến tháng 8, Mỹ tăng thêm 16 tỷ USD chịu thuế suất 25% và tháng 9 là thêm 200 tỷ USD chịu thuế suất 10% khi nhập khẩu từ Trung Quốc. Cho đến nay, tổng giá trị hàng hóa chịu thuế trừng phạt đã chiếm gần 50% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng từ Trung Quốc vào Mỹ.
Ban đầu, dựa vào số liệu thống kê kim ngạch nhập khẩu của Mỹ, trong 818 dòng sản phẩm mà Trung Quốc chịu thuế trừng phạt đợt này, các mặt hàng tương tự của Việt Nam xuất sang Mỹ năm 2017 chỉ có trị giá 1,2 tỉ USD và 5 tháng đầu năm 2018 cũng chỉ 545 triệu USD.
Vì thế, cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng gia tăng xuất khẩu sang Mỹ khi hàng Trung Quốc chịu thuế là không đáng kể. Hơn thế nữa, vì những sản phẩm bị đánh thuế là hàng trung gian gồm máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện vận tải… chứ không phải hàng tiêu dùng, vì thế nếu Trung Quốc không xuất được sang Mỹ thì cũng khó tìm đường đến châu Á, trong đó có Việt Nam.
Ngay cả trong đợt 2 vào ngày 23.8, khi Mỹ quyết định thuế với thuế suất 25% lên thêm 16 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, các sản phẩm cũng tương tự như đợt 1, đó là hàng trung gian, máy móc thiết bị, tác động trực tiếp lên kim ngạch xuất khẩu cũng vẫn nhỏ.
Tuy nhiên, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang khi vào ngày 24.9.2018, chính quyền Hoa Kỳ quyết định áp thuế với thuế suất thêm 10% đánh vào hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc.
Lần này, so với 200 tỉ USD hàng Trung Quốc, các sản phẩm tương tự mà Việt Nam cũng xuất sang Mỹ có giá trị khoảng 13 tỷ USD, trong đó đồ gỗ nội thất chiếm 36,7%, vali – túi xách chiếm 8,8% và nông thủy sản là 22,1%. Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng này sang Mỹ sẽ có nhiều cơ hội để hưởng lợi hơn trong khi các doanh nghiệp sản xuất hàng cho thị trường nội địa sẽ phải chịu cạnh tranh mạnh hơn từ hàng Trung Quốc nhập vào.
Đồ gỗ, nội thất của Trung Quốc được cho là sản phẩm dễ bị gắn mác Việt Nam để xuất khẩu vào Mỹ.
Ông Nguyễn Xuân Thành phân tích, trong thương mại quốc tế, nông sản luôn là nhóm hàng nhạy cảm vì ảnh hưởng đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong đợt 1 và 2, hàng nông sản không xuất hiện trong danh mục đánh thuế trừng phạt của Mỹ. Trong 200 tỷ USD giá trị hàng Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế thêm 10% vào đợt 3; nông sản, thủy sản và lương thực thực phẩm chế biến chỉ có giá trị 5,3 tỷ USD, chiếm 2,7%.
Thế nhưng, Trung Quốc đã trả đũa bằng cách tập trung vào nông sản của Mỹ xuất sang nước này. Đậu nành là nông sản chịu tác động lớn nhất mà Trung Quốc đã trả đũa ngay trong đợt đầu. Trong khoảng 20 tỷ USD nông sản Mỹ xuất sang Trung Quốc năm 2017, đậu nành có giá trị kim ngạch 12,7 tỷ USD, chiếm 63%.
Những nông sản khác bao gồm ngô, lúa mì, hoa quả tươi, hạt và một số sản phẩm sữa. Thịt heo nhập khẩu từ Mỹ cũng đã bị Trung Quốc áp thuế với thuế suất lên trên 70%. Trong đợt 3, trong 60 tỷ USD hàng nhập từ Mỹ mà Trung Quốc áp thuế từ 5% đến 10%, nông sản quan trọng là bột cocoa và rau quả đông lạnh. Cộng cả 3 đợt, hầu như tất cả nông sản Hoa Kỳ xuất sang Trung Quốc đều chịu thuế trả đũa.
“Đối với Việt Nam, khi thuế trừng phạt đợt 3 có hiệu lực thì nông thủy sản là nhóm hàng quan trọng chịu tác động. Trong 13 tỷ USD tất cả các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tương tự như hàng Trung Quốc chịu thuế 10%, nông sản và thủy sản, kể cả sản phẩm chế biến, có giá trị 2,9 tỷ USD, chiếm tới 22,1%, chỉ đứng sau hàng nội thất”, ông Thành phân tích.
Nhóm sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, tương tự các dòng sản phẩm mà Trung Quốc chịu thuế suất thêm 10%.
Tuy nhiên, để tận dụng được những cơ hội này, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp phải biết “nhanh chân”, biết “tranh thủ cơ hội” để tăng xuất khẩu cũng như nhập khẩu những sản phẩm có lợi theo nhu cầu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, một vấn đề khác doanh nghiệp cần lưu tâm khi đẩy mạnh xuất nhập khẩu giữa cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đó là việc giao kết và thực hiện hợp đồng xuất nhập khẩu. Thời gian vừa qua, khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị đối tác nước ngoài lừa đảo, phổ biến nhất phải kể tới tình trạng bị quỵt tiền, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản giả mạo, bị từ chối nhận hàng…
Theo các gia, khoảng 70% khối lượng công việc được xử lý trên máy tính hoặc dựa vào máy tính như hiện nay khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro và thách thức hơn. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn chưa lưu tâm đến các vấn đề này nên không chọn lựa phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp ngay từ đầu mà để khi “nước đến chân mới nhảy” nên phải chịu nhiều thiệt thòi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.