Mở cửa đón khách quốc tế: Đề xuất miễn visa, bỏ cách ly và không test tại sân bay

Huy Hoàng Thứ ba, ngày 25/01/2022 09:29 AM (GMT+7)
Theo đó rất nhiều ý kiến của các chuyên gia du lịch, Cục cảng hàng không, Hiệp hội du lịch, các tỉnh, thành phố đều cho rằng nên miễn thị thực, tính lại thời gian xét nghiệm 72h và không nên test covid tại sân bay quốc tế.
Bình luận 0

Cần thống nhất phương án đón khách quốc tế

Tại báo cáo kết quả và đề xuất phương án, lộ trình mở cửa hoạt động du lịch quốc tế được trình bày tại Hội thảo Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế vào chiều ngày 24/1, Bộ VHTTDL đã kiến nghị, đề xuất việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam mở cửa hoàn toàn các hoạt động du lịch quốc tế vào 1/5/2022, cho phép khôi phục lại chính sách miễn thị thực đối với các thị trường du lịch quốc tế đã áp dụng trước năm 2020 và áp dụng thị thực điện tử đối với khách du lịch như trước đây.

Mở cửa đón khách quốc tế: đề xuất miễn visa, bỏ cách ly và không test tại sân bay - Ảnh 1.

Du khách Hàn Quốc đến đảo Phú Quốc trong giai đoạn 1 chương trình Thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Ảnh: Vin

Bên cạnh đó là lộ trình đón khách quốc tế, điều kiện để khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 được công nhận ít nhất 14 ngày trước khi nhập cảnh; hoặc có Giấy chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19 trong thời gian không quá 6 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh (có quy định riêng đối với trẻ em và người chưa tiêm đủ liều).

Có chứng nhận xét nghiệp RT-PCR âm tính Covid-19 trong thời gian 72 giờ trước khi nhập cảnh; Mua bảo hiểm y tế có nội dung chi trả cho điều trị Covid-19 ở mức tối thiểu 50.000 đô la Mỹ.

Đối với doanh nghiệp du lịch, cho phép tất cả các doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành đều được tham gia đón khách…

Mở cửa đón khách quốc tế: đề xuất miễn visa, bỏ cách ly và không test tại sân bay - Ảnh 2.

ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch. Ảnh: Tổ Quốc.vn

Nhìn vào báo cáo và lộ trình đón khách quốc tế ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch cho hay: "Có nhiều điều kiện hạn chế khiến cho doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch khó khăn. Theo đó, các doanh nghiệp muốn tham gia đón khách quốc tế phải được sự đồng ý từ địa phương và một số cơ quan ban ngành. Chính vì vậy, chúng ta nên tham mưu để bãi bỏ những quy định không phù hợp. Chúng ta cần xây dựng, đề xuất những cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sớm nhất.

Tiếp đến con số gần 8.000 khách vừa qua rất nhỏ, trước đây ta đón gần 2 triệu khách/1 tháng. Có thể thấy, do quy định về phòng dịch hiện hành khách rất ngại vào Việt Nam. Tại sao chúng ta không bỏ các quy định đó đi để tạo điều kiện cho khách du lịch có thể đến Việt Nam. Tôi cũng không hiểu, khách du lịch quốc tế vào Việt Nam thì chúng ta yêu cầu cần bảo hiểm để làm gì? Tại sao chúng ta không mở rộng miễn thị thực cho các thị trường trọng điểm"

Ông Trần Trọng Kiên cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ việc sớm mở cửa hoàn toàn du lịch. Tuy nhiên, cần có thời gian để việc mở cửa được an toàn và cần tạo mọi điều kiện để đưa du khách đến Việt Nam. Tinh thần là sớm hơn so với dự kiến là 30/4/2022.

Mở cửa đón khách quốc tế: đề xuất miễn visa, bỏ cách ly và không test tại sân bay - Ảnh 3.

Hình ảnh Hội thảo Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế vào chiều ngày 24/1.

Là người sớm đưa ra cảnh báo và nhận định Việt Nam nên tận dụng cơ hội vàng mở cửa đón khách du lịch quốc tế, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay: "Việc mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế điều cần làm nhất bây giờ là visa. 

Trước 2020, chúng ta miễn visa đơn phương với mấy nước. Người dân họ nghĩ việc tôn trọng nước họ, cho họ vào. Giờ lại không nữa, thì họ nghĩ vào Việt Nam bằng cách nào, có cấp visa cho tôi không? Rõ ràng visa là vấn đề vô cùng khó khăn mà doanh nghiệp không thực hiện được nếu chúng ta vẫn giữ như hiện nay. Vì vậy tôi đề xuất khôi phục miễn visa cho khách du lịch quốc tế vào Việt Nam trước năm 2020.

Thứ hai là xét nghiệm PCR 72 tiếng trước khi nhập cảnh. Các nước quy định thời gian này là trước khi lên máy bay. Quy định 72 tiếng trước khi nhập cảnh ở Việt Nam tôi nghĩ là không hợp lí. Tôi nghĩ chúng ta nên như các nước quy định là 72 tiếng khi bước chân lên máy bay đến Việt Nam. Chúng ta đã làm chương trình thí điểm rất tuyệt vời, rõ ràng nhưng đến giờ sau 2,3 tháng tình thế khác rồi, việc chống Covid -19 tốt hơn nhiều nên tôi nghĩ chúng ta cần mở cửa, không thí điểm nữa mà chính thức mở cửa"

Ngoài ra, theo ông Vũ Thế Bình, cần có giải pháp xúc tiến mạnh mẽ truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam trong và ngoài nước bằng cách đẩy mạnh công nghệ thông tin, mạng xã hội…Ngoài việc làm marketing số ra là cần tổ chức hoạt động xúc tiến du lịch.

Mở cửa đón khách quốc tế: đề xuất miễn visa, bỏ cách ly và không test tại sân bay - Ảnh 4.

Du khách quốc tế mùa đồ tại gian hàng nông sản ở Phú Quốc

Không chỉ có các chuyên gia du lịch đưa ra những giải pháp, kiến nghị cho việc mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế mà các Cục cảng hàng không, các hãng hàng không cũng nóng lòng muốn được tăng tần suất các chuyên bay đón khách du lịch quốc tế.

Ông Đinh Việt Sơn- Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải cho biết: "Từ tháng 10/2021, Bộ đã nghiên cứu mở lại các chuyển bay quốc tế. Tháng 12, Phó Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất. Đến thời điểm hiện tại chúng ta đã mở lại đường bay tại 10 thị trường. Hiện nay còn Trung Quốc chưa đồng ý. Những thị trường Đông Bắc Á chúng ta đã mở 14 chuyến/tuần. Hiện chúng ta đang đàm phán, thương thảo với một số quốc gia châu Âu như Nga, Đức.

Kế hoạch mở cửa khách du lịch quốc tế của chúng ta là 30/4, khớp với kế hoạch mở lại của ngành hàng không. Hiện, chúng ta đang yêu cầu trước khi lên hoặc sau khi xuống tàu bay phải xét nghiệm Covid-19. Ở quốc tế, không có một nhà ga nào thiết kế để thực hiện việc xét nghiệm cả. Việc này gây tắc nghẽn và đây chính là rào cản kỹ thuật. Nếu chúng ta vẫn giữ quy định này thì sẽ ảnh hưởng đến việc đón khách quốc tế. Chúng ta không nên tổ chức test ở sân bay nữa mà thực hiện test ở nơi lưu trú cho khách du lịch quốc tế"

Đồng loạt các tỉnh, thành phố ủng hộ mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế

Mở cửa đón khách quốc tế: đề xuất miễn visa, bỏ cách ly và không test tại sân bay - Ảnh 5.

Du khách quốc tế tham gia trò chơi giải trí tại nơi nghỉ dưỡng.

Có thể nói việc mong muốn khôi phục nền kinh tế, phục hồi du lịch, mở cửa hoàn toàn du lịch nội địa và quốc tế của nhiều tỉnh, thành đang dâng cao, nhiều địa phương cho biết họ đã sẵn sàng và chỉ chờ mở cửa hoàn toàn các hoạt động du lịch.

Theo đó, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội: "Các hoạt động của Hà Nội trong năm 2020, 2021 chịu ảnh hưởng của dịch Covid -19 khiến các chỉ tiêu trong 2021 hầu như không đạt kết quả, giảm sâu. Vì vậy chúng tôi mong muốn mở cửa hoàn toàn du lịch nội địa và quốc tế.

Theo dự thảo của Bộ VHTTDL đề xuất mở cửa lại vào 1/5/2022, chúng tôi xin phép mạnh dạn đề xuất mở cửa vào thời điểm sớm hơn vào 1/4/2022. Chúng ta có thời gian 1 tháng làm công tác chuẩn bị khởi động, từ công tác quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, địa điểm…. để phục vụ cho kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 cũng như các hoạt động thể thao như SEAGames 31. Chúng tôi kiến nghị với Chính phủ bỏ quy định cách ly với khách du lịch quốc tế đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc có giấy xác nhận khỏi Covid-19 trong thời gian 6 tháng"

Đồng quan điểm, ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam đã tích cực thực hiện chương trình kế hoạch phục hồi du lịch. Tỉnh thống nhất rất cao với đề xuất mở cửa dịp 30/4/2022. Tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng từ kinh nghiệm thí điểm đón khách quốc tế vừa qua, dù có ca bệnh nhưng xử lý an toàn và linh hoạt để đảm bảo tốt nhất cho du khách.

Nói về đề xuất của tỉnh với Thủ tướng và Bộ VHTTDL, ông Trần Văn Tân cho hay, Bộ VHTTDL cần sớm ban hành Hướng dẫn thay thế Hướng dẫn 4122 để phù hợp với tình hình hiện này. Khi mở cửa thí điểm cần có quy định thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tránh tình trạng mỗi nơi làm mỗi kiểu như vừa qua. Đồng thời, cần mở lại đường bay quốc tế châu Âu và châu Mỹ. Khôi phục chính sách miễn thị thực nhập cảnh.

Là thành phố chịu nhiều thiệt hại năng nề sau đợt bùng dịch lần 4, thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu "đứng dậy" và có những tour du lịch nội tỉnh đầu tiên, cũng là thành phố có kiến nghị tiếp theo được đón khách du lịch quốc tế, Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM đã có những chia sẻ: "Tại thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát tốt. Từ đó, Sở Du lịch đã tham mưu, đề xuất với UBND thành phố ban hành kế hoạch 3404 về phục hồi du lịch thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu từ tháng 10/2021 đến năm 2022 sau khi mở cửa trở lại với những quy định, lộ trình cụ thể.

Thành phố đã triển khai các hoạt động du lịch một cách an toàn phù hợp, đồng thời xây dựng các giải pháp ứng phó trong trường hợp xảy ra dịch bệnh. Không chỉ tổ chức hoạt động du lịch nội đô, thành phố Hồ Chí Minh còn triển khai các trương trình liên vùng, liên tuyến hiệu quả.

Với những kinh nghiệm trong ứng phó và tổ chức hoạt động du lịch và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh như hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh cũng mong muốn đề xuất được đón khách du lịch quốc tế trong thời gian tới. Để chuẩn bị cho hoạt động đón khách quốc tế, du lịch thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển hoạt động thí điểm đón khách theo hai giai đoạn.

Ở giai đoạn là giai đoạn thí điểm từ tháng 01 đến tháng 03 năm 2022. Thời gian này du khách cần có hộ chiếu vắc xin, giấy xác nhận khỏi bệnh trong thời gian cho phép. Du khách dưới 18 tuổi được phép đi cùng bố mẹ và người giám hộ hợp pháp. Tất cả các du khách đều phải thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch của Bộ Y tế. Giai đoạn 2 là từ tháng 04/2022, sẽ áp dụng thêm các điều kiện với các du khách chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin. Cùng với đó Sở Du lịch và Sở Y tế đã tham mưu và đề xuất phương án để đánh giá tiêu chí an toàn du lịch và xử lý khi có tình huống xấu xảy ra, từ đó tạo tâm lý an tâm cho du khách.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng có kiến nghị tăng hiệu lực của giấy xét nghiệm lên 72h trước khi xuất cảnh. Đồng thời, đại diện thành phố Hồ Chí Minh mong muốn kiến nghị Bộ VHTTDL, Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành có liên quan đề xuất Chính phủ có chính sách miễn giảm thị thực nhập cảnh đề giúp du khách thuận tiện hơn trong quá trình di chuyển"

Bộ Y tế, Bộ Công an: Mở cửa từng bước, miễn thị thực đơn phương thì doanh nghiệp du lịch sẽ bị "tuột tay"

Mở cửa đón khách quốc tế: đề xuất miễn visa, bỏ cách ly và không test tại sân bay - Ảnh 6.

Ông Trần Văn Dự - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an)

Trước những kiến nghị miễn thị thực và quy định tính lại thời gian nhập cảnh, Bộ Công an và Bộ Y tế đã lên tiếng, theo đó ông Trần Văn Dự - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho hay: "Từ 18/1, căn cứ thông báo của Chính phủ, tạo điều kiện cho chuyến bay thương mại quốc tế. Tất cả visa còn hạn đều có thể bay vào Việt Nam, không có khó khăn. 

Chúng tôi đã báo cáo Chính phủ là mở từ tháng 10. Miễn visa đơn phương. Luật Xuất nhập cảnh hiện chúng ta miễn 13 nước, miễn song phương chủ yếu các nước Asean; 78 nước được cấp thị thực điện tử. Tuy nhiên vấn đề được đặt ra, người nước ngoài có nhu cầu vào du lịch ở Việt Nam như thế nào? Họ có sợ quay lại nước thì bị cách ly không? Chúng ta thoáng nhưng họ khó thì sao" Chúng ta có thể tuyên bố mở, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế, còn các doanh nghiệp có tài giỏi để đón được khách hay không?

Và vấn đề băn khoăn nữa nếu miễn thị thực đơn phương thì doanh nghiệp du lịch sẽ bị "tuột tay". Khách du lịch họ vào tự do, doanh nghiệp có kiểm soát được không? Họ vào du lịch nhưng đi cá nhân, rồi đi xe ôm… thì doanh nghiệp du lịch có được gì không? Ai là người kiểm soát khách này? Đề nghị cân nhắc điều này".

Mở cửa đón khách quốc tế: đề xuất miễn visa, bỏ cách ly và không test tại sân bay - Ảnh 7.

Bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thì giải đáp, việc mở cửa du lịch Bộ Y tế không thể nói mở ngay bây giờ hay về sau bởi nhiệm vụ của Bộ Y tế là đảm bảo được các biện pháp an toàn, thích ứng với dịch bệnh.

"Chúng ta không nên chỉ nói đến mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế hay chưa nên mở cửa toàn toàn, mà chúng phải tiếp cận ở hướng là phòng chống dịch như thế nào như điều trị, tiêm chủng, xét nghiệm, giãn cách rộng hay nhỏ hẹp với phạm vi ít (bao gồm hạn chế đi lại trong nước nhập cảnh)... Việc đáp ứng còn phụ thuộc là không chỉ diễn biến ở một quốc gia mà là khả năng phòng, chống dịch mỗi nước. Việt Nam là nước tiêm chủng đứng top đầu trên thế giới. Việc tiêm vaccine có đặc điểm là dù tiêm nhưng không đảm bảo 100% không mắc, chỉ giảm nguy cơ tử vong, bệnh nặng, trong cộng đồng chúng ta vẫn có người chưa được tiêm. Tuy nhiên, chúng tôi rất kỳ vọng sẽ xem xét, rà soát để có hướng dẫn đồng bộ nhất quán đáp ứng được tình hình dịch cho người nhập cảnh.

Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao để có hướng dẫn công nhận giữa các nước về chứng nhận tiêm chủng. Chúng tôi có xem bản báo cáo chương trình đón khách, so với thời gian thực hiện thí điểm thì hướng dẫn của Bộ Y tế có sự mở ra hơn. Đối với chương trình của hội thảo hôm nay, về khía của Bộ Y tế, chúng tôi xin ghi nhận thông tin và sẽ rà soát để cập nhật thường xuyên hướng dẫn phù hợp nhất với xu thế, từng bước một mở cửa".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem